Hành trình Tây Tạng
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:17, 25/07/2018
Vùng đất linh thiêng và huyền bí
Sau 7 giờ với 2 chặng bay: Hà Nội - Thành Đô (Trung Quốc), Thành Đô - Lhasa (thủ phủ của Khu tự trị Tây Tạng - Trung Quốc), chúng tôi đã đặt chân đến “nóc nhà” của thế giới.
Người dân Tây Tạng bên dãy chuyển luân kinh. |
Lhasa nằm ở độ cao 3.700m so với mặt nước biển, lượng oxy trong không khí chỉ đạt 50-70%. Khi có sự thay đổi độ cao đột ngột, những người chưa kịp thích ứng sẽ dễ gặp phải hiện tượng “sốc”: Nhức đầu, chóng mặt, khó thở... do oxy lên não thiếu. Để cơ thể thích ứng dần với độ cao, ngay khi đón chúng tôi tại sân bay, sau màn chào hỏi, Lobsang - anh hướng dẫn viên người Tạng lập tức dặn: Ngày đầu tiên đến Tây Tạng, mọi người cần tuyệt đối kiêng tắm, gội. Không nên vận động mạnh, đi đứng nhẹ nhàng. Ăn đồ mềm như cháo, súp và cố gắng uống thật nhiều nước. Chúng tôi cũng phải tập thở sâu, hít vào dài hơn để cơ thể hấp thụ được nhiều oxy hơn. Môi trường khô lạnh, gió thổi buốt mặt tại Tây Tạng còn khiến niêm mạc mũi đau rát... Thế nhưng bù lại, vùng đất huyền bí này lại đem đến cho chúng tôi những trải nghiệm thật thú vị, khó quên.
Chúng tôi thăm tu viện Jokhang (còn gọi là Đại Chiêu Tự) ngay buổi chiều của ngày đầu tiên đặt chân tới Lhasa. Ngôi chùa này nằm trong trung tâm phố cổ Lhasa, thờ tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Thập Nhị Tuế Đẳng do Công chúa Đường Quốc Văn Thành mang vào Tây Tạng khi được gả cho vua Tùng Tán Cán Bố (Songtsen Gampo). Đối với người Tây Tạng, Jokhang là trung tâm về tinh thần, địa điểm tôn giáo linh thiêng và là điểm hành hương phải đến trong đời.
Jokhang được xây dựng từ năm 647, với tổng cộng 370 phòng. Hằng ngày, tu viện này đón hàng vạn người dân từ khắp nơi đổ về chiêm bái. Từ sáng sớm đến tối mịt, tại đây lúc nào cũng nườm nượp người dân Tạng, khách du lịch. Từ xưa đến nay, Tây Tạng nổi tiếng là một địa danh đầy bí ẩn đối với du khách. Vùng đất này càng có thêm sức hút mãnh liệt với nền văn hóa độc đáo cùng các phong tục, tập quán mang yếu tố tâm linh huyền bí. Nơi đây được xem là một trong những thánh địa Phật giáo nổi tiếng nhất thế giới và là nơi sinh ra Mật tông - một tông phái của Phật giáo Đại thừa với các vị Lạt ma (Phật sống) được nhiều người tôn thờ.
Đến Tây Tạng mới thấy, người dân ở đây rất sùng đạo. Dường như cả cuộc đời họ đều hiến mình trọn vẹn cho đức tin của mình. Đối với họ, sống là để phục vụ đạo pháp, đời sống vật chất là phương tiện để vươn tới đỉnh cao tâm linh. Đi, chứng kiến, tìm hiểu, tôi cảm nhận ở vùng đất này tôn giáo như hòa cùng một nhịp với cuộc sống. Thực sự, chưa ở đâu trong những nơi tôi từng đi qua lại có một đời sống tôn giáo diễn ra tự nhiên như ở Tây Tạng. Có cảm tưởng, Phật giáo không hẳn là tôn giáo mà đã biến thành dòng chảy văn hóa, ngấm vào cuộc sống, hơi thở và trở thành thói quen hằng ngày của người dân Tây Tạng. Dọc hành trình trên vùng đất này, nơi đâu tôi cũng bắt gặp người dân Tây Tạng, ở ghế nghỉ chân ven đường hay trên xe di chuyển, từ già, trẻ, gái, trai, tay không cầm lần tràng hạt, thì cũng đang quay một vật dụng tôn giáo gọi là chuyển luân kinh. Nét mặt ai cũng thật bình thản và thành tâm, với niềm an lạc thật khó tả.
Thiên đường nơi hạ giới
Dọc hành trình rong ruổi Tây Tạng, vùng đất này còn liên tiếp khiến chúng tôi mãn nhãn bởi khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, khoáng đạt với những vùng thảo nguyên bao la, cùng những ngọn núi cao đan vào nhau tầng tầng, lớp lớp. Tây Tạng được ví là “nóc nhà của thế giới”, điều này thật dễ hiểu khi ở đây có đến hàng trăm ngọn núi cao trên 7.000m, cao nhất là dãy Himalaya với ngọn Everest 8.848,2m. Tôi chưa từng thấy ở đâu có một không gian bao la, rộng lớn và trải dài, rộng ra khắp các hướng tưởng như bất tận như ở Tây Tạng... Và cũng có lẽ chưa ở đâu, tôi thấy bầu trời trong và xanh đến thế. Không gian thật khoáng đạt, cứ trong vắt, tĩnh lặng và sâu thẳm. Mây chỉ mang một màu trắng đến tinh khôi và nắng cũng trở nên vàng ươm, rực rỡ.
Những ngày ngồi trên xe ô tô di chuyển trên chặng hành trình dài đến cả nghìn cây số, tôi được mục sở thị không biết bao nhiêu khung cảnh đẹp đẽ mà ngỡ chỉ có ở thiên đường. Có những cung đường mang hình ảnh của thảo nguyên hoang sơ như trải ra bao la tận đường chân trời. Những đàn cừu, dê lên đến cả trăm con như những cục bông lăn trên đồng cỏ vàng. Không ít nơi, chúng tôi thấy hình ảnh của những người dân du mục với lều vải bố trắng quây dựng trên đồng cỏ. Hai ba đứa trẻ đang chạy nô đùa, đuổi theo chú cún nhỏ. Xa xa, những dãy núi cao với đỉnh trắng của băng tuyết cứ tầng tầng, lớp lớp đan vào nhau như những con sóng bạc đầu, xô mãi lên đến trời cao.
Lên độ cao hơn 4.500m, thiên nhiên lại "chiêu đãi" chúng tôi một bữa tiệc phong cảnh đầy màu sắc với màu nâu của đất, màu vàng rực của những rặng cây bụi đổ màu vì gió lạnh, màu trắng tinh của những rặng núi tuyết xa xa, điểm trên nền trời cao xanh ngăn ngắt. Từng bầy ngựa, bò yak (một loài bò ở Tây Tạng có bộ lông rất dài và rậm để thích ứng với thời tiết lạnh) gặm cỏ. Cái khung cảnh tưởng chỉ có trong mơ ấy khiến tôi cứ ngỡ mình đang lạc trong câu truyện núi đồi và thảo nguyên của nhà văn Giamilia. Có đoạn, nhìn theo phía trước xe cũng thấy “đã” mắt. Dọc theo con đường nhựa trải dài hun hút với bồng bềnh mây trắng, hai bên là cánh đồng cỏ, nắng trải mật vàng óng.
Những ngày rong ruổi ở Tây Tạng, chúng tôi như nhận được một luồng năng lượng tích cực nào đó. Thật lạ lùng, mọi vướng bận, lo toan hằng ngày của cuộc sống tan biến lúc nào chẳng biết. Có lẽ khi đến Tây Tạng rồi, nhiều người cũng khao khát được trở lại, được sống trong bầu không khí trong lành, linh thiêng của rặng Tuyết Sơn và rong ruổi trên những con đường mây trắng...