Bài cuối: Huy động nhiều nguồn lực tham gia
Kinh tế - Ngày đăng : 06:36, 25/07/2018
Tạo hình ảnh văn minh thương mại
Thực tế do nhiều yếu tố, trong đó có tập quán của người dân, hệ thống thương mại trên địa bàn TP Hà Nội vẫn còn đậm tính chất tự phát, manh mún, nhỏ lẻ. Nhiều chợ cóc hình thành hàng chục năm vẫn chưa được sắp xếp. Hàng rong hay các cửa hàng kiểu vỉa hè vẫn tồn tại. Ngay trong nội thành, các hình thức thương mại hiện đại không nhiều, chưa nói đến khu vực ngoại thành còn rất thiếu. Việc thiếu hạ tầng cùng với các loại hình thương mại hiện đại không chỉ làm giảm hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, không thuận tiện cho người dân mà còn làm xấu hình ảnh đô thị ở nội thành, chậm quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực ngoại thành.
Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP Hà Nội” đã phát huy hiệu quả. |
Đánh giá đúng thực trạng trên, thành phố đã có chiến lược nhằm phát triển hệ thống thương mại theo hướng hiện đại. Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ sắp xếp lại và tăng cường quản lý hoạt động thương mại tại các chợ, cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại theo hướng văn minh, hiện đại.
Một trong những bước thử nghiệm đầu tiên là việc thực hiện Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP Hà Nội”. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, việc thí điểm mô hình này là hoạt động hướng đến nhiều mục tiêu. Trước hết là tạo hình ảnh văn minh thương mại. Tiếp đến, việc quản lý tốt các cửa hàng này sẽ góp phần nâng cao chất lượng quản lý trật tự đô thị, tạo hình ảnh đẹp cho du lịch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, dần thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân.
Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho rằng, hình thức kinh doanh hiện đại thí điểm kể trên có lợi cho cả người kinh doanh lẫn người tiêu dùng. Hiện nay đã có hơn 800 cửa hàng được cấp biển nhận diện cửa hàng bảo đảm tiêu chuẩn của thành phố... Sau dự án thí điểm này, thành phố sẽ có bước đi tiếp là khuyến khích mở rộng các hình thức bán hàng tự động đối với một số mặt hàng. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, quan điểm của Hà Nội là sử dụng những thiết bị hiện đại nhất, vừa tiện lợi cho người tiêu dùng, vừa góp phần quản lý tốt nguồn thu.
Đối với khu vực ngoại thành, qua rà soát cho thấy, các huyện đều có nhu cầu mở rộng, xây mới các trung tâm thương mại, siêu thị quy mô hợp lý. Tuy nhiên, điểm vướng là không phải địa phương nào cũng có quỹ đất đủ và phù hợp. Về vấn đề này, chủ trương của Hà Nội là sẽ dành quỹ đất cho đầu tư phát triển hệ thống thương mại văn minh, hiện đại. Thành phố cũng sẽ có giải pháp hỗ trợ các nhà đầu tư mở rộng quy mô, nâng cấp hạ tầng thương mại như tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đầu tư, cơ chế chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Hướng đến việc tham gia chuỗi cung ứng quốc tế
Để thực hiện những “cải cách” lớn nhằm hiện đại hóa hoạt động thương mại, đương nhiên không thể chỉ dựa vào nguồn lực nội tại. Bởi, thành phố đã xác định, Hà Nội còn nhiều hạn chế về vốn, nhân lực và công nghệ để phát triển hệ thống thương mại hiện đại. Vì vậy, thành phố đã, đang tăng cường hợp tác quốc tế, liên kết với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, kêu gọi tài trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế. Qua đó tranh thủ nguồn lực đầu tư về vốn, công nghệ, đồng thời có điều kiện học hỏi nâng cao chất lượng nhân lực vận hành hệ thống thương mại văn minh, hiện đại.
Quan trọng hơn, theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, để sản phẩm, hàng hóa của Hà Nội phát triển, có giá trị thặng dư cao, điều không thể thiếu là phải tham gia vào các chuỗi cung ứng quốc tế, toàn cầu. Theo định hướng đó, UBND thành phố đã giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tăng cường tổ chức các hoạt động kết nối các đơn vị sản xuất, chế biến, kinh doanh với các trang trại, hộ chăn nuôi, trồng trọt, từ đó đề xuất giải pháp triển khai, phát triển mô hình chuỗi để ổn định thị trường từ khâu sản xuất - chế biến đến tiêu thụ, cân đối được cung cầu. Tham gia vào công tác này, chính quyền các địa phương phải rà soát cơ cấu kinh tế, hướng dẫn, vận động cơ sở, hộ trồng trọt, chăn nuôi cũng như doanh nghiệp, cơ sở chế biến, kinh doanh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tham gia vào chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng. Hà Nội sẽ lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp chủ lực để xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, đáp ứng tiêu chí đưa hàng vào các kênh phân phối hiện đại và thuận tiện.
Hiện đại hóa hệ thống thương mại là nhiệm vụ không những phải thực hiện mà còn phải thực hiện sớm và hiệu quả. UBND thành phố khẳng định, đây là nhiệm vụ đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các sở, ngành, quận, huyện, thị xã để có thể phát huy mọi nguồn lực phát triển hạ tầng hệ thống thương mại, tích cực tham gia vào các chuỗi thương mại theo phương thức mới, xây dựng hình ảnh văn minh, thanh lịch, hiện đại trong kinh doanh thương mại của Thủ đô.
Bà Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Cường (quận Tây Hồ): Để phát triển thương mại Hà Nội theo hướng văn minh, hiện đại, thành phố cần tạo môi trường bình đẳng, thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Các thành phần kinh tế này sẽ hoạt động dưới sự quản lý thống nhất của Nhà nước. Cùng với đó, Hà Nội áp dụng đồng bộ các giải pháp để phát huy nội lực, kết hợp với nguồn lực từ bên ngoài đẩy mạnh hiện đại hóa lĩnh vực thương mại, ứng dụng thương mại điện tử vào quản lý kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Như vậy, ngành Thương mại Thủ đô sẽ phát triển hài hòa và đồng bộ cơ sở vật chất để từng bước tiếp cận các xu hướng thương mại quốc tế. |