Kỷ niệm 70 năm thành lập và phát triển nền văn nghệ cách mạng Việt Nam
Chính trị - Ngày đăng : 14:27, 25/07/2018
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể cùng hơn 400 đại biểu thay mặt cho hơn 40.000 văn nghệ sĩ đang hoạt động trên cả nước đã tới dự.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Cách đây 70 năm, tại chiến khu Việt Bắc, theo chủ trương của Trung ương Đảng và Bác Hồ, trong 3 ngày 25, 26, 27-7-1948, Hội nghị Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất đã được tổ chức với sự góp mặt của hơn 80 đại biểu trí thức, văn nghệ sĩ cả nước. Hội nghị đã quyết định thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam (tiền thân của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam ngày nay), mở ra một trang mới của lịch sử văn nghệ cách mạng Việt Nam.
Từ đó đến nay, trải qua 70 năm với 9 nhiệm kỳ đại hội, tổ chức văn nghệ Việt Nam đã tập hợp, đoàn kết đội ngũ văn nghệ sĩ - chiến sĩ, kề vai sát cánh, tâm huyết, bền bỉ đồng hành cùng dân tộc, thực thi sứ mệnh sáng tạo, truyền bá những giá trị văn học, nghệ thuật, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần dồi dào bản sắc Việt Nam, hiện đại và nhân văn của các tầng lớp nhân dân.
Phát biểu chúc mừng tại buổi lễ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định và ghi nhận những đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ - chiến sĩ Việt Nam vào sự nghiệp kiến tạo nền văn học, nghệ thuật vì đất nước và nhân dân, vì tiến bộ xã hội và hội nhập quốc tế.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và phát triển đất nước, Đảng ta tiếp tục khẳng định, văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Vì vậy, chúng ta cần đặt nhiệm vụ văn học, nghệ thuật trong yêu cầu, nhiệm vụ chung của đất nước, nhằm tạo khí thế mới, xung lực mới cho sự nghiệp đổi mới, phát triển toàn diện và đồng bộ.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra nhiệm vụ chủ yếu của văn học, nghệ thuật Việt Nam hôm nay và nhiều năm tới là trực tiếp tham gia vào sự nghiệp đổi mới đất nước, miêu tả cho hay, cho chân thật, sinh động và có sức thuyết phục về sự nảy sinh và phát triển cái mới, cái tốt đẹp, cao cả trong đời sống; dũng cảm, nghiêm khắc lên án, phê phán những cái xấu xa, thấp hèn, sự thoái hóa, biến chất, tham nhũng, thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội, qua đó góp phần tích cực vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng con người, đổi mới và phát triển đất nước. Đây cũng chính là sức mạnh chiến đấu đặc biệt của văn học, nghệ thuật thời kỳ mới.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng Huân chương Sao Vàng cho Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN |
Tổng Bí thư giao nhiệm vụ cho Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cần phát huy tối đa sức sáng tạo của các thế hệ văn nghệ sĩ và tính ưu việt, đặc trưng của các loại hình cụ thể như văn học, âm nhạc, mỹ thuật, múa, nhiếp ảnh, điện ảnh, sân khấu, kiến trúc, văn nghệ dân gian, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật để tạo nên tính đa dạng trong khám phá, sáng tạo cuộc sống và con người, đồng thời tìm phương hướng phù hợp để hội tụ mọi sự sáng tạo đó vào mục tiêu cao nhất: Nuôi dưỡng, xây dựng con người Việt Nam của thời kỳ mới.
Tổng Bí thư đề nghị Liên hiệp khắc phục những hạn chế, yếu kém nảy sinh trong sáng tác, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật những năm gần đây và bày tỏ sự tin tưởng rằng nền văn học, nghệ thuật cách mạng Việt Nam cùng với đội ngũ văn nghệ sĩ sẽ phát huy truyền thống vẻ vang 70 năm qua, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để có thêm nhiều tác phẩm xứng đáng với con người và Tổ quốc, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân.
Để tạo điều kiện cho văn học, nghệ thuật phát triển, Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích mọi tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với văn học, nghệ thuật và văn nghệ sĩ phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tổng Bí thư đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền từ trung ương đến địa phương cần nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí quan trọng của văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, luôn cổ vũ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động văn học, nghệ thuật.
Trong diễn văn trình bày tại buổi lễ, nhà thơ Hữu Thỉnh, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã ôn lại quá trình thành lập và phát triển của Liên hiệp trong 70 năm qua. Nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định, trong thời gian tới, Liên hiệp sẽ đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động, kiên quyết khắc phục tình trạng chất lượng chưa tương xứng với yêu cầu, khắc phục tình trạng thương mại hóa, phê phán những sản phẩm thấp kém, làm lệch lạc thị hiếu công chúng, nhất là đối với lớp trẻ. Bên cạnh đó, Liên hiệp cũng mạnh dạn khắc phục tình trạng nghiệp dư hóa trong các khâu hoạt động, lấy giá trị đích thực để định hướng phong trào, giúp đỡ hội viên trau dồi chuyên môn, có tầm nhìn để nâng cao tư tưởng nghệ thuật, hướng tới những vụ mùa bội thu mới cho văn học, nghệ thuật, góp phần nhiều nhất vào sự nghiệp xây dựng văn hóa, con người và sự phát triển bền vững đất nước.
Tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trao tặng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phần thưởng cao quý - Huân chương Sao Vàng.