Bài 2: Thách thức của "bài toán" quá tải

Giáo dục - Ngày đăng : 06:46, 26/07/2018

(HNM) - Dễ thấy, việc quá tải với hệ thống trường, lớp mầm non ở khu công nghiệp dẫn đến nhiều hệ lụy. Nhìn nhận thấu đáo nguyên nhân, thách thức của vấn đề trên cũng là cách để có giải pháp lâu dài, bền vững nhằm giải quyết tốt nhất nhu cầu chăm sóc, học tập của trẻ...


Gia tăng quy mô trẻ mầm non

Những năm gần đây, quy mô trẻ mầm non trong độ tuổi ra lớp tại hầu hết các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đều tăng khá mạnh. Ghi nhận từ thực tế, số lượng trẻ mầm non gia tăng tập trung tại một số địa bàn có khu công nghiệp và các khu vực lân cận, do thu hút đông lực lượng công nhân lao động đến sinh sống, làm việc, tạo nên áp lực không nhỏ đối với hệ thống trường, lớp trên địa bàn.

Người lao động tại các khu công nghiệp luôn mong muốn được gửi con vào trường mầm non công lập. Ảnh: Thái Hiền



Điển hình ở xã Kim Chung, nơi có Khu công nghiệp Thăng Long nằm trên địa bàn, hiện có tổng số gần 27.000 người, trong đó có gần 14.000 công nhân lao động đăng ký tạm trú. Tổng số học sinh là con công nhân đang được gửi tại các trường, nhóm lớp là 1.611 cháu, chiếm 70,4% số trẻ ra lớp trên địa bàn. Theo ông Hoàng Đức Khang, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chung, trung bình mỗi năm số trẻ mầm non trong độ tuổi ra lớp tăng từ 250 đến 300 cháu, tập trung ở thôn Nhuế, thôn Bầu và thôn Hậu Dưỡng. Trong khi đó, cả xã mới có 2 trường mầm non công lập, hệ thống ngoài công lập hiện có 1 trường tư thục và 12 nhóm trẻ, song điều kiện cơ sở vật chất của các nhóm lớp còn thiếu thốn.

Thực trạng này cũng diễn ra tại xã Đại Mạch (huyện Đông Anh), địa bàn ở gần Khu công nghiệp Thăng Long. Theo Chủ tịch UBND xã Đại Mạch Vương Ngọc Chi, xã có gần 15.000 người, trong đó có 3.000 công nhân ở địa phương khác đăng ký tạm trú trên địa bàn để làm việc, sinh sống. Thế nhưng, xã chỉ có 1 trường mầm non công lập và 7 cơ sở tư thục, đáp ứng chỗ học cho 1.400 trẻ, trong khi số trẻ trong độ tuổi là 1.700 cháu.

Tại huyện Chương Mỹ, ngoài áp lực về sự gia tăng số trẻ mầm non là con công nhân khu công nghiệp, địa phương còn phải đối mặt với một áp lực khác. Theo ông Nguyễn Văn Vững, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chương Mỹ, mặc dù tổng số trẻ trong độ tuổi năm nay của toàn huyện là hơn 36.000 cháu, ít hơn năm trước 2.500 trẻ, nhưng lại có tới gần 28.000 trẻ ra lớp, trong khi năm trước là gần 23.000 cháu. Cách đây 5 năm, cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phải đến tận nhà dân để vận động họ đưa con ra lớp, thì nay hầu hết phụ huynh đều có nguyện vọng đưa con tới trường. Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp năm nay đạt 77%, trong khi năm ngoái là 59%.

Sự quan tâm chưa tương xứng

Sự phát triển của các nhà máy, cơ sở sản xuất đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động trên địa bàn TP Hà Nội và nhiều nơi khác, góp phần nâng cao cuộc sống của người dân, song cũng lại khiến chính quyền địa phương đứng trước mối lo ngày càng lớn về việc tạo chỗ học cho trẻ.

Theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 14,6 vạn lao động, trong đó tỷ lệ lao động nữ chiếm 70%, nên áp lực dồn vào hệ thống trường, lớp mầm non. Trong khi đó, mỗi xã, thị trấn chỉ có từ 1 đến 2 trường mầm non công lập và cũng chỉ tiếp nhận được trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên, trong khi công nhân lao động được nghỉ thai sản theo quy định là 6 tháng. Hầu hết người lao động đều muốn gửi con gần nơi làm việc để thuận tiện chăm sóc, nhưng hầu hết các khu công nghiệp hiện nay, chủ đầu tư không tính đến việc xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo.

Còn theo bà Nguyễn Thị Tám, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, sự hiện diện của Khu công nghiệp Thăng Long trên địa bàn có nhiều ý nghĩa, song lại đang khiến huyện, xã Kim Chung - nơi khu công nghiệp đóng và ngành Giáo dục huyện rất vất vả trong việc bảo đảm quyền lợi đến trường của các cháu là con công nhân. Nguồn lực của địa phương có hạn, trong khi nhu cầu về chỗ học ngày càng tăng, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND TP Hà Nội có cơ chế đặc thù cho những địa phương có khu công nghiệp.

Chị Lê Thị Duyên, công nhân Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, rất mong dự án Trường Mầm non Khu công nghiệp Phú Nghĩa sớm được triển khai để các cháu là con công nhân được chăm sóc, học tập ở môi trường tốt nhất.

Được biết, việc xây dựng trường mầm non tại các khu công nghiệp hiện nay còn rất nhiều vướng mắc. Điều 20, Nghị định số 29/2008/NQ-CP quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế quy định rõ: Trong khu công nghiệp, khu chế xuất không có dân cư sinh sống. Do vậy, việc quy hoạch để có quỹ đất xây dựng các công trình dân sinh, trong đó có trường học ở các khu công nghiệp còn khó khăn và không phải nơi nào cũng có thể linh hoạt tháo gỡ. Nếu có tìm được địa điểm, thì tiến độ xây dựng cũng thường bị chậm, do phải thực hiện nhiều thủ tục pháp lý, trong đó có việc điều chỉnh quy hoạch.

(Còn nữa)

Thống Nhất