Hà Nội - Sức bật từ cuộc kiến tạo vĩ đại
Đời sống - Ngày đăng : 15:48, 27/07/2018
Ngày 29-5-2008, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 15/2008/QH12 “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”, có hiệu lực từ ngày 1-8-2008. Đây là quyết định mang ý nghĩa lịch sử, thể hiện tầm nhìn chiến lược, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước.
Sáng 1-8-2008, phát biểu tại kỳ họp hợp nhất HĐND thành phố Hà Nội và HĐND tỉnh Hà Tây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội là một quyết định mang tầm vóc lịch sử, chẳng những vẫn giữ được thế “Rồng cuộn hổ ngồi, tiện hướng nhìn sông tựa núi” mà còn nâng lên một tầm vóc mới, cao hơn, bề thế hơn, vững chãi hơn dưới ánh sáng của thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh”.
Lời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng), năm ấy đã được kiểm chứng sống động sau 10 năm, cho thấy sự đúng đắn của một quyết định mang tính lịch sử. Thủ đô đã thay đổi mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với những thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực.
Quyết đoán và sáng tạo
Nhớ lại thời điểm 1-8-2008 - Thủ đô Hà Nội chỉ qua 1 ngày đã có dân số tăng lên gần gấp đôi với sự chênh lệch về mức độ phát triển, khoảng cách giữa các vùng, miền; sự khác biệt về tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, các cơ chế, chính sách, quy mô trong quản lý nhà nước... làm dấy lên không ít lo lắng trong những ngày mới mở rộng địa giới hành chính.
Diện mạo thành phố ngày càng thay đổi, phát triển. |
Những tâm tư ấy không phải không có cơ sở, khi mà xuất hiện biết bao ngổn ngang sau ngày hợp nhất, thậm chí đã có thời điểm thật “nóng”. Hà Nội phải giải quyết một khối lượng công việc khổng lồ về sắp xếp bộ máy, số lượng người cần phải bố trí lại vị trí làm việc lên đến gần nghìn người; một số dự án hình thành trước thời điểm hợp nhất mở rộng địa giới hành chính đã không còn phù hợp với quy hoạch phải tạm dừng chờ điều chỉnh, nhiều người dân còn ngỡ ngàng trước những biến động mới nhanh chóng trong đời sống Thủ đô…
Nhưng không vì thế, lãnh đạo và nhân dân Thủ đô chùn bước. Một loạt chính sách cùng những chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp, trước tiên nhằm đưa bộ máy đi vào ổn định, bởi các cấp, các ngành đều nhận thức rõ, chỉ có ổn định mới có thể phát triển.
Ngay sau ngày điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính, công tác cán bộ được thành phố xác định là trọng tâm, khâu đột phá trong thực hiện nhiệm vụ chính trị hằng năm và đã được thực hiện đúng quy trình, công khai, công bằng, minh bạch.
Thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do các địa phương trước khi hợp nhất ban hành để sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành mới trên các lĩnh vực. Các cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, chế độ được rà soát, điều chỉnh đều theo hướng đảm bảo cao nhất cho người thụ hưởng.
Thành phố cũng chủ động triển khai việc xây dựng chiến lược, quy hoạch và cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô với tầm nhìn mới, trong đó có Luật Thủ đô, nhằm thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô xứng tầm với yêu cầu của thời kỳ mới…
Vững tin vào chủ trương đúng
Những bước đi quyết đoán, mạnh mẽ và thận trọng của lãnh đạo thành phố, cùng sự vào cuộc trách nhiệm của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của người dân đã mang lại những tín hiệu vui thực sự cho Hà Nội. Sự “thay da đổi thịt” của Thủ đô hôm nay, cả về quy mô, diện mạo với những thành tựu to lớn, toàn diện đã là lời khẳng định và là minh chứng thuyết phục, sinh động nhất giải tỏa những tâm tư năm nào.
Thủ đô hôm nay không chỉ sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh, giàu mạnh hơn, mà quan trọng hơn, người dân – những chủ nhân của đời sống Thủ đô - đã và đang được thụ hưởng những thành quả vô cùng rõ nét từ bước đi chiến lược này.
“Đường bích họa” ở xã Song Phượng, huyện Đan Phượng. |
Trong bối cảnh suy thoái và khủng hoảng kinh tế thế giới, kinh tế Thủ đô đã vượt qua khó khăn, tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, phát huy vai trò "đầu tàu", động lực của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng và với các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố tăng bình quân 7,41%/năm suốt 10 năm qua, thu nhập bình quân đầu người đã cán mốc 86 triệu đồng (tương đương 3.910 USD/người), tăng 2,3 lần so với năm 2008.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội tăng liên tục 5 năm liền kể từ năm 2012, riêng năm 2016 tăng 10 bậc xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố; năm 2017 xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố, cao nhất từ trước tới nay (năm 2008 PCI của Hà Nội cũ là 31/64, Hà Tây cũ là 55/64), đưa Hà Nội lọt vào tốp 10 thành phố năng động nhất thế giới.
Công tác cải cách thủ tục hành chính sau 10 năm đã có chuyển biến tích cực, rút ngắn thời gian, hạn chế gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, hướng tới một nền hành chính phục vụ, vì dân. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng và triển khai thành công cơ chế một cửa trong cung cấp dịch vụ công tại đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 được triển khai tại 584/584 xã, phường, thị trấn, đến nay đã đưa vào hoạt động 538/1.883 dịch vụ công trực tuyến, đạt trên 28,6%...
Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội giảm còn 1,69% theo chuẩn mới, hoàn thành mục tiêu giải quyết việc làm cho khoảng 140 nghìn người/năm; các xã, phường, thị trấn đều đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế (trong khi năm 2008 mới đạt 76%)...
Đặc biệt, nếu như tại thời điểm hợp nhất, Hà Nội đứng trước khó khăn, thách thức mới vô cùng lớn là khu vực nông thôn chiếm diện tích rất lớn (khoảng 2/3 diện tích của Hà Nội) và 60% dân số sống ở khu vực nông thôn thì nay, Hà Nội đã và đang dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tính đến hết năm 2017, toàn thành phố đã có 4 huyện và 294/386 xã (đạt 76,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Diện mạo nông thôn Thủ đô đã thực sự đổi mới, khởi sắc toàn diện và rõ rệt. Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố, dân chủ được mở rộng, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân tính đến ngày 30-6-2018 đạt 43,1 triệu đồng/người, gấp 5,4 lần so với năm 2008…
Hà Nội cũng đang ngày càng xanh, sạch hơn, hệ thống cây xanh đô thị được tập trung đầu tư mạnh mẽ gắn với hệ thống công viên, hồ nước, tạo thành không gian xanh đô thị; các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để, 130 hồ được xử lý cơ bản về ô nhiễm môi trường nước; gần 1 triệu cây xanh được trồng mới và thay thế, mang đến cho Hà Nội vẻ tươi tắn, bốn mùa nở hoa...
Vẫn biết, những tín hiệu vui đó mới chỉ là bước đầu, cũng như chặng đường 10 năm mở rộng địa giới hành chính chỉ là một chặng đường ngắn so với chiều dài lịch sử của Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến. Song đây thực sự là một giai đoạn quan trọng để minh chứng, khẳng định về tính đúng đắn, hợp lý của một chủ trương lớn, quyết sách có tính lịch sử của Đảng và Nhà nước, là động lực, nguồn sức mạnh để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị của mình.
Hướng tới một Thủ đô "xanh-văn hiến-văn minh-hiện đại", một đô thị phát triển năng động, hiệu quả nhưng không mất đi các giá trị văn hóa đặc sắc ngàn năm văn hiến là mục tiêu, cũng là thách thức của Hà Nội trong những năm qua và cả những năm sắp tới. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Đảng bộ Hà Nội phải làm gương cho các đảng bộ khác...”, Đảng bộ Hà Nội với những cách làm mới, sáng tạo, với sự đoàn kết, đồng lòng trong thực hiện, chắc chắn sẽ tiếp tục sát cánh cùng nhân dân Thủ đô, đưa Hà Nội phát triển xứng đáng với tình yêu và sự gửi gắm của cả nước, vì một Hà Nội văn minh, giàu đẹp.