Đẩy mạnh hỗ trợ hoạt động xuất khẩu

Kinh tế - Ngày đăng : 07:58, 27/07/2018

(HNM) - Theo báo cáo của Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố qua cửa khẩu cả nước 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 18,12 tỷ USD, tăng 7,63% so với cùng kỳ năm 2017.

Ảnh minh họa.


TP Hồ Chí Minh có khối lượng luân chuyển hàng hóa chiếm 72% vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và 19,4% cả nước. Tuy kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng năng lực sản xuất, cạnh tranh của các doanh nghiệp nội trên địa bàn thành phố phát triển chưa xứng tầm. Điều này đẫn đến chênh lệch cán cân xuất, nhập khẩu giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, thời gian gần đây tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI cao hơn doanh nghiệp trong nước, chiếm tỷ trọng trên 60% trong kim ngạch xuất khẩu. Doanh nghiệp FDI tăng xuất khẩu nhờ chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của TP Hồ Chí Minh vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao như chính sách miễn, giảm thuế... Tuy nhiên, bên cạnh các doanh nghiệp FDI, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng vươn lên lọt vào tốp các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín do Bộ Công Thương bầu chọn.

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có 10.234 doanh nghiệp hoạt động trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu là cơ khí, chế biến lương thực - thực phẩm, hóa chất - nhựa - cao su và ngành điện tử - công nghệ thông tin. Trước đây, để hỗ trợ doanh nghiệp nội, thành phố đã đầu tư nhiều cho 4 ngành công nghiệp trọng yếu nhưng sản xuất sản phẩm phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu từ 4 ngành này phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Để khắc phục vấn đề này, ông Phạm Thành Kiên - Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết: “UBND TP Hồ Chí Minh đã giao cho Sở Công Thương chủ trì phối hợp với Viện Chính sách công (Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh) và các chuyên gia của chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright xây dựng Đề án Phát triển xuất khẩu giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của Đề án là xác định những ngành xuất khẩu của thành phố có lợi thế cạnh tranh, có giá trị gia tăng để xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ xuất khẩu trong thời gian tới như: Hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ hoạt động xúc tiến và các hỗ trợ cụ thể khác phù hợp với cam kết Tổ chức Thương mại thế giới - WTO”.

Đặc biệt, UBND TP Hồ Chí Minh khuyến khích các ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn để sản xuất mặt hàng phục vụ xuất khẩu. Bà Trần Thị Mai An - Giám đốc Trung tâm Tài trợ thương mại, Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) cho biết: “Ngân hàng OCB rất quan tâm đến các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Chúng tôi có các chương trình, chính sách về lãi suất cạnh tranh, các chương trình hỗ trợ, các sản phẩm tài trợ cho doanh nghiệp trước và sau giao hàng. Cùng với đó, doanh nghiệp xuất khẩu được đưa vào danh sách ưu tiên trong hệ thống vận hành để thời gian xử lý hồ sơ doanh nghiệp nhanh gọn nhất”.

Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng phòng Thống kê hải quan (Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, Tổng cục Hải Quan): “Chúng tôi có nhiều phương pháp hỗ trợ doanh nghiệp bằng các ứng dụng hỗ trợ tương tác với doanh nghiệp. Dự kiến đến năm 2020, ngành Hải quan tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp làm thủ tục mọi lúc, mọi nơi và mọi phương tiện...”.

TP Hồ Chí Minh được chọn là đơn vị đầu tiên trong cả nước tiến hành lắp đặt hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động. Đến nay, thành phố đã triển khai được hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động thí điểm tại 5 cảng biển gồm: Cảng Lotus, SP-ITC, ICD Phước Long, Tân cảng - Hiệp Phước và Cát Lái. Điều này sẽ tạo ra bước đột phá mới trong công tác quản lý hải quan tại cảng biển, rút ngắn thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Tuệ Diễm