Suối đổ về sông và sông sẽ chảy về biển lớn
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:36, 30/07/2018
Sau 10 năm, giờ là thời điểm thích hợp để nhìn lại, phân tích, giải mã những vấn đề nảy sinh trong thực tế và qua đó, trả lời nhiều câu hỏi, tâm tư. Đơn cử, trong số đó, có một câu hỏi về lĩnh vực văn hóa rằng: Khi giao thoa cộng hưởng văn hóa Thăng Long với văn hóa Xứ Đoài, Sơn Nam Thượng và nhiều giá trị văn hóa khác, thì sự thẩm thấu có khiến bản sắc các bên mất đi phần nào, thậm chí là tổn hại hay không?
Hãy cùng nhìn từ thực tế: Cùng với việc điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính từ ngày 1-8-2008, ngoài nguồn tài nguyên vốn đã rất phong phú, Thủ đô có thêm sự cộng hưởng của văn hóa Xứ Đoài - Sơn Nam Thượng. Những chùa Thầy, chùa Mía, chùa Tây Phương, chùa Trăm Gian, làng cổ Đường Lâm, thắng cảnh Hương Sơn; những làng nghề nức tiếng trong và ngoài nước như thêu Quất Động, dệt lụa Vạn Phúc “mịn mặt, mát tay”, mây tre đan Phú Vinh từng có hơn 500 mẫu mã… không chỉ giúp nguồn tài nguyên văn hóa Hà Nội thêm đầy đặn, mà còn tạo cơ hội lớn để du lịch Thủ đô phát triển một cách đa dạng, bền vững.
Vẫn từ thực tế: Sự quan tâm phát triển toàn diện các vùng, miền; đồng bộ các lĩnh vực; hài hòa các yêu cầu; tôn trọng bình đẳng các giá trị... của thành phố những năm qua đã không chỉ phát huy các nguồn lực, tạo tăng trưởng nhanh, mà còn tránh không để xuất hiện những hệ lụy, nhất là về văn hóa. Ngược lại, cơ hội phát triển mở ra dựa trên chính sách đúng cho phép huy động đầy đủ tiềm năng về nhiều mặt trong vùng, mở ra cơ hội phát triển mới.
Gần 6.000 di tích, gần 1.800 di sản văn hóa phi vật thể, khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề với gần 300 làng nghề truyền thống đã được công nhận cộng với những địa danh nổi tiếng cả trong và ngoài nước như hồ Hoàn Kiếm, phố cổ Hà Nội, làng cổ Đường Lâm, Hoàng thành Thăng Long, thắng cảnh Hương Sơn… là nguồn tài nguyên văn hóa vô cùng phong phú, độc đáo phục vụ cho sự phát triển du lịch, tạo đà phát triển ngành “công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn sau khi điều chỉnh địa giới hành chính.
Nhờ nguồn tài nguyên dồi dào đó và chính sách phát triển văn hóa - du lịch được thực hiện bài bản, kể từ khi điều chỉnh địa giới hành chính đến năm 2017, lượng du khách nước ngoài đến Thủ đô đã tăng gần 4 lần. Cũng trong giai đoạn 2008-2017, lượng khách du lịch nội địa tới Hà Nội đạt mức tăng trưởng bình quân 12%/năm, số thu từ khách du lịch có mức tăng tương đối ổn định - bình quân đạt 16%/năm trong giai đoạn 2008-2016. Năm 2017, tổng thu từ khách du lịch đạt 70.958 tỷ đồng...
Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, dễ thấy số liệu “biết nói” về sự tăng trưởng. Nhưng thành quả phát triển văn hóa, du lịch Thủ đô sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính không xuất hiện dựa trên phép cộng tài nguyên đơn thuần. Xây dựng chính sách, đề xuất giải pháp quản lý và phát triển ngành là công việc mang tính quyết định đến thành quả nói trên.
Từng chút một, theo lộ trình, tùy thời điểm, bối cảnh và điều kiện để xác định giải pháp từ tốn hoặc quyết liệt, Hà Nội đồng thời giải quyết những mầm mống xung đột về văn hóa, lối sống, sự va đập giữa truyền thống và hiện đại thông qua những bài toán hướng đến xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn hóa mới dựa trên giá trị truyền thống thanh lịch, văn minh.
Quy tắc ứng xử trong công sở và ở nơi công cộng được xây dựng trên cơ sở định hướng của lãnh đạo thành phố thông qua Chương trình 04/Ctr-TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”. Rồi là rà soát hiện trạng, kiểm kê “nguồn vốn” di sản văn hóa để xác định giải pháp đầu tư bảo tồn, khôi phục, giải bài toán lợi ích liên quan trong việc khai thác di sản nhằm huy động sự chung tay đóng góp bảo vệ tài sản văn hóa của nhân dân…
Những liên tưởng từ thực tế cho cách đánh giá thực chất hơn đối với vấn đề đang được quan tâm. Không có gì khác, chính sự chuyển biến trong cách khai thác giá trị làng cổ Đường Lâm để phục vụ phát triển du lịch; sự “biến mất” của nạn xây chùa giả, “tô” tượng giả ở khu danh thắng Hương Sơn; tấm bằng công nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với lễ hội đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh) hay sự chuyển biến theo hướng văn minh, tiết kiệm trong tổ chức việc cưới, việc tang ở khu vực ngoại thành… là minh chứng rõ nhất cho sự bình yên văn hóa Hà Nội trong 10 năm qua.
Có phải chăng, đó là điều khiến nhà thơ Bằng Việt có thể tự tin khẳng định khi phát biểu trong buổi lễ kỷ niệm 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội: “Cá nhân tôi và giới văn nghệ sĩ Thủ đô cảm nhận sâu sắc rằng, sau 10 năm hòa nhập, văn hóa Thăng Long và văn hóa Xứ Đoài đều phát huy được bản chất đặc sắc và tinh túy của mình, cùng phát triển hài hòa, bổ sung cho nhau một cách có chọn lọc, cùng vươn tới tầm cao, đạt tới giá trị tinh hoa đích thực”.
Và “văn hóa Thăng Long cùng văn hóa Xứ Đoài và các vùng văn hóa khác có điều kiện tổng hòa với nhau một cách tinh tế, hài hòa, chắt lọc, bổ sung cho nhau, để tới lúc sẽ cùng hợp thành một dòng chảy tinh hoa duy nhất đó là văn hóa Thủ đô rộng lớn, giữ vững bản sắc, cùng năng động vươn cao, vươn xa, vì sự phát triển bền vững của con người”.
Văn hóa Hà Nội như nhiều dòng suối đổ về sông; và ngày mai, nhất định sông sẽ chảy về biển lớn!