Khánh thành 5 Nhà máy thuộc Trung tâm Điện lực Phú Mỹ
Chính trị - Ngày đăng : 07:44, 11/04/2005
Trong những năm đầu của thập kỷ 90, nền kinh tế đất nước có bước phát triển vượt bậc, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Để đáp ứng sự phát triển kinh tế, nhu cầu điện của cả nước tăng liên tục với tốc độ 14-15%, các tỉnh phía Nam tăng 19-20%, trong đó nhiều tỉnh có nhu cầu tăng trưởng điện năng đột biến như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... với tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 20-30%. Chính vào giai đoạn đó Quốc hội đã thông qua chương trình quan trọng quốc gia Khí - Điện- Đạm và Chính phủ quyết định cho phép ngành điện xây dựng Trung tâm Điện lực Phú Mỹ để bảo đảm nhu cầu điện cho các ngành kinh tế và tạo động lực thúc đẩy nhanh việc triển khai các dự án khai thác - vận chuyển và tiêu thụ khí đốt.
Với vai trò chủ đầu tư, EVN đã tiến hành xây dựng 5 nhà máy điện lớn là Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2.1, Phú Mỹ 2.1 mở rộng, đuôi hơi Phú Mỹ 2.1 và Phú Mỹ 4 với tổng công suất 2.258 MW, có tổng mức đầu tư 18.834 tỷ đồng được huy động từ nguồn vốn tự có của EVN, nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng hợp tác quốc tế của Nhật Bản và các tổ chức ngân hàng thương mại trong nước. Từ khi đưa vào tổ máy đầu tiên vào vận hành tháng 3-1997 đến nay, Trung tâm Điện lực Phú Mỹ đã cung cấp cho đất nướchơn 41 tỷ kWh, bằng 40% tổng công suất đặt của hệ thống hiện nay và đạt được độ tin cậy cao tới 99%. Cùng với nhà máy, hệ thống lưới điện đồng bộ cũng được triển khai xây dựng và đưa vào vận hành gần 340km đường dây, gần 2.200MVA công suất trạm biến áp các loại. Đặc biệt là đường dây và trạm 500kV Phú Mỹ - Nhà Bè- Phú Lâm đã đưa điện từ Trung tâm Điện lực Phú Mỹ đến các khu công nghiệp, tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm TP Hồ Chí Minh, khu vực miền Đông và Tây Nam bộ, điện từ đây cũng đã góp phần giải quyết cơ bản tình trạng thiếu điện ở miền Bắc, nhất là vào mùa khô, tạo tiền đề cho nền kinh tế phát triển. Việc hình thành khu công nghiệp điện lực Phú Mỹ đã mở ra ngành công nghiệp mới là công nghiệp khí của Việt Nam. Trong thời gian qua, Trung tâm Điện lực Phú Mỹ đã tiêu thụ gần 9 tỷ mét khối khí, trong đó gần 7 tỷ mét khối khí đồng hành mà trước đây khi chưa có nhà máy điện Phú Mỹ phải đốt bỏ, tiết kiệm cho nền kinh tế quốc dân hơn 35.000 tỷ đồng.
Trung tâm Điện lực Phú Mỹ đã đánh dấu sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp điện lực. Qua việc tham gia xây dựng, lực lượng tư vấn trong nước đã có nhiều tiến bộ. Từ chỗ chỉ sắm “vai phụ” trong các nhà máy điện Phú Mỹ 2.1 và Phú Mỹ 1, các Cty Tư vấn xây dựng điện 2 và 3 đã trở thành tư vấn chính của nhà máy điện Phú Mỹ 4 và đuôi hơi Phú Mỹ 2.1 mở rộng, bước đầu tiếp cận được công nghệ hiện đại và chủ động trong công tác tư vấn thiết kế nhà máy điện chạy khí.
Đại diện Ngân hàng Thế giới cho biết: Ngân hàng Thế giới đã cung cấp bảo lãnh rủi ro một phần cho nhà máy điện Phú Mỹ BOT 2.2 thúc đẩy dự án phát triển dự án hạ tầng cơ sở lớn đầu tiên do tư nhân tài trợ, đồng thời cũng là dự án đầu tiên tại Việt Nam có đấu thầu cạnh tranh quốc tế, đã mang lại kết quả đáng kể với chi phí của dự án thuộc loại thấp nhất thế giới và đem lại mức giá chuẩn cho Phú Mỹ 3.
Ông Masayuki Karasawa- Trưởng đại diện Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản văn phòng Hà Nội cũng nhận xét, nhờ vào giao điểm của hành lang Bắc - Nam và hành lang Đông - Tây, là cửa ngõ thông thương các loại hàng hóa và dịch vụ từ toàn bộ bán đảo Đông Dương, Trung tâm Điện lực Phú Mỹ đã trở thành một đòn bẩy kinh tế - xã hội trọng yếu của miền Nam Việt Nam và vùng châu thổ sông Mê Kông. Dự án Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ 1 là kinh nghiệm thành công đầu tiên trong việc giảm thiểu rủi ro đầu tư cho khu vực kinh tế tư nhân bằng đầu tư của Nhà nước thông qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng và thiết bị dùng chung cho các nhà máy điện hiện tại và tương lai nằm trong và ngoài Trung tâm Điện lực Phú Mỹ.
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành, Thủ tướng Phan Văn Khải đã đánh giá cao sự nỗ lực của CBCNV ngành Điện lực Việt Nam, các bộ, ngành, lãnh đạo và nhân dân các địa phương liên quan cũng như các đối tác nước ngoài đã triển khai và nhanh chóng hoàn thành sớm đưa vào sử dụng nhà máy điện đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng điện phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước. Biểu dương các đơn vị tư vấn trong nước, cùng các đơn vị của EVN, bằng nghị lực và tinh thần học hỏi, dám nghĩ dám làm đã hoàn thành tốt công việc của mình, Thủ tướng khẳng định, việc hoàn thành dự án là kết quả thực hiện chính sách hợp tác kinh tế với các nước, có ý nghĩa quan trọng trong đẩy nhanh quá trình CNH-HĐH đất nước.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu TCty Dầu khí Việt Nam cung cấp đầy đủ khí đốt cho sản xuất điện tại Trung tâm Phú Mỹ; giao EVN có trách nhiệm vận hành các nhà máy điện tại Trung tâm Phú Mỹ an toàn - hiệu quả - bảo đảm vệ sinh môi trường và cảnh quan.
Đúng 10h30’, Thủ tướng Phan Văn Khải cùng Đại sứ Nhật Bản, lãnh đạo Bộ Công nghiệp, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, đạidiện Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản và đại diện chủ đầu tư đã cắt băng khánh thành, đồng thời tiến hành lễ bàn giao công trình cho đơn vị chính thức vận hành.
HNM