Nắm rõ nguyện vọng của nhân dân, giải quyết bức xúc từ cơ sở
Chính trị - Ngày đăng : 06:40, 30/07/2018
Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn kiểm tra bộ phận “một cửa” tại Sở Nội vụ. Ảnh: Bá Hoạt |
Trao đổi với Báo Hànộimới, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU và Chỉ thị số 15-CT/TU nhận định, chỉ trong thời gian ngắn thực hiện, đã tạo ra chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính trị thành phố; nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, giải quyết bức xúc ở cơ sở, góp phần giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn Thủ đô.
- Phóng viên: Xin đồng chí đánh giá kết quả sau một năm triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TU?
- Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn: Có thể nói, việc triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TU và Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 16-12-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP Hà Nội” đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giữ ổn định an ninh chính trị trên địa bàn Thủ đô. Thực hiện tốt Nghị quyết số 15-NQ/TU và Chỉ thị số 15-CT/TU, chúng ta cũng sẽ làm tốt nhiệm vụ chính trị chung của toàn thành phố.
Bởi lẽ, các tổ chức cơ sở Đảng là nơi trực tiếp triển khai các chủ trương, chính sách cũng như những nhiệm vụ chính trị mà thành phố giao cho. Việc thành phố có thực hiện tốt hay không, có được sự vào cuộc ủng hộ của người dân hay không chính là từ cơ sở. Những vấn đề phát sinh phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh chính trị trên địa bàn Thủ đô cũng nảy sinh bắt đầu từ cơ sở.
Chính vì vậy, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU và cùng với đó là chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU nhằm làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, cũng là làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy và công tác điều hành trên địa bàn toàn thành phố.
Sau một năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU và hơn một năm thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU, điều vui mừng trước hết là đã tạo ra một sự chuyển biến tích cực. Thứ nhất, chính là nhận thức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cấp ủy ở cơ sở đã có chuyển biến rõ nét, nhất là trong việc triển khai nhiệm vụ chính trị gắn liền với công tác xây dựng Đảng; thể hiện rõ vai trò nêu gương của người đứng đầu và cấp ủy trong việc hết sức coi trọng sự lãnh đạo gắn với giải quyết vấn đề dân sinh bức xúc, gắn với giải quyết quyền lợi của người dân từ cơ sở… Từ đó, đã giúp cho thành phố chúng ta trong những tháng đầu năm 2018 đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên các mặt phát triển kinh tế - xã hội cũng như giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Qua 6 tháng đầu năm 2018, lượng đơn, thư khiếu nại, tố cáo đã giảm tới 43,9% trên địa bàn toàn thành phố. Trong đó, có hai địa bàn mà số lượng giảm rất đáng kể, cụ thể, cấp huyện giảm 45,1% và đặc biệt cấp xã giảm tới 57,1%. Từ con số này có thể khẳng định, các cấp ủy cơ sở đã hết sức chú trọng triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TU và Chỉ thị số 15-CT/TU, nắm được tâm tư của người dân ngay từ cơ sở.
Chính vì thế, yêu cầu công tác tiếp dân và lãnh đạo các cấp, các ngành từ cơ sở, quận, huyện cũng được nâng lên đáng kể. Số lượng lãnh đạo các cơ quan hành chính của thành phố tiếp dân đã tăng lên 76,3%, đặc biệt cấp quận, huyện và thị xã tăng tới 86,6%. Điều này có nghĩa là, các đơn vị từ thành phố đến quận, huyện và thị xã đều chú trọng công tác tiếp dân. Thành phố cũng không “khoán trắng” trách nhiệm cho cơ sở và ngược lại, hết sức coi trọng việc lắng nghe, trao đổi, nắm bắt thông tin để xử lý, giải quyết những nguyện vọng của người dân ngay từ cơ sở. Điều này giúp cho công tác tiếp dân có những chuyển biến đáng kể.
- Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, những vấn đề đáng lưu ý trong quá trình thực hiện nghị quyết này?
- Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn: Những kết quả thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU và Chỉ thị số 15-CT/TU mới chỉ là bước đầu. Trong Nghị quyết số 15-NQ/TU, Thành ủy Hà Nội đã xác định rất rõ nhiệm vụ, giải pháp, trong đó nhiệm vụ số 1 là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị ngay từ cơ sở. Chỉ có thực hiện nhiệm vụ chính trị ngay từ cơ sở mới có thể khẳng định rõ nét vai trò lãnh đạo của cấp ủy cũng như sự điều hành của chính quyền. Điều này cũng giúp hạn chế đơn, thư khiếu nại, tố cáo.
Trong quá trình đánh giá, rà soát đơn, thư khiếu nại, tố cáo của người dân cho thấy, có đến 80-90% liên quan đến công tác lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị tại cơ sở. Làm tốt việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở sẽ giúp làm tốt việc chăm lo phát triển đời sống kinh tế ở địa phương, chăm lo đời sống của người dân. Vì thế, người dân có tâm tư, nguyện vọng, chúng ta phải lắng nghe, giải quyết kịp thời thì sẽ có hiệu quả.
Để thực hiện điều này, thời gian qua, Thành ủy Hà Nội đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Chính vì vậy, đã thu hút được sự vào cuộc, sự đồng thuận, ủng hộ của người dân khi triển khai các nhiệm vụ chính trị quan trọng của thành phố.
Bên cạnh đó, thành phố đã phát huy tinh thần dân chủ trong Đảng, trong xã hội, lắng nghe ý kiến tham gia đóng góp của người dân và các tổ chức cơ sở Đảng. Chính vì vậy, song song với việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU và Chỉ thị số 15-CT/TU, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định 2200-QĐ/TU ngày 25-5-2017 về “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội”. Qua đó, giao trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương về tăng cường đối thoại và tổ chức tiếp công dân.
Điều này đã giúp cho khoảng cách giữa trách nhiệm lãnh đạo, điều hành của cấp ủy và chính quyền với người dân được thu hẹp và gần nhau hơn. Qua đó, những công việc mà thành phố triển khai đã được người dân tiếp cận đầy đủ hơn, nhanh hơn. Ngược lại, những băn khoăn, vướng mắc và nguyện vọng của người dân được các cấp lãnh đạo tiếp nhận, xử lý kịp thời hơn.
- Phóng viên: Thưa đồng chí, công tác cán bộ được Đảng ta xác định là “then chốt của mọi then chốt”. Khi triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TU và Chỉ thị số 15-CT/TU, công tác cán bộ đã được thành phố thực hiện như thế nào?
- Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn: Một trong những vấn đề được Thành ủy Hà Nội hết sức coi trọng trong thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU đó là công tác cán bộ. Từ việc tập huấn, đào tạo cho đến việc rà soát, bố trí và gần đây, Thành ủy đã ban hành Quyết định số 3814-QĐ/TU ban hành Quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị TP Hà Nội.
Trong đó, chú trọng đánh giá vai trò lãnh đạo, trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo các cấp, các ngành, đặc biệt là từ xã, phường đến phòng, ngành của thành phố, qua đó giúp công tác đánh giá, sử dụng cán bộ trở nên hiệu quả hơn. Nơi nào để xảy ra nhiều đơn, thư khiếu nại, tố cáo và tình trạng mất đoàn kết thì lãnh đạo thành phố, quận, huyện sẽ nhắc nhở, giáo dục, bồi dưỡng. Những nơi nhắc nhở rồi mà không tiến bộ thì phải thay thế cán bộ và xử lý.
Cùng với đó, thành phố cũng đã hết sức coi trọng, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; thực hiện dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là đề cao vai trò giám sát, phản biện của MTTQ và các đoàn thể trong việc thực hiện chủ trương, chính sách cho đến thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Điều này không chỉ thể hiện vai trò giám sát, phản biện của MTTQ, các đoàn thể và người dân mà còn giúp các đoàn thể phát huy tích cực vai trò, trách nhiệm của mình.
Tuy nhiên, thực tế ở từng địa bàn, từng địa phương cho thấy, vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn tại cần khắc phục. Vì vậy, ngay sau khi triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TU và Chỉ thị số 15-CT/TU, thành phố đã chỉ ra hơn 200 vụ việc mà nếu chúng ta không xử lý tốt sẽ phát sinh thành vụ việc phức tạp. Đến nay, ngoài 200 vụ việc phức tạp mà thành phố đã chủ động rà soát, đánh giá, các quận, huyện, thị xã cũng đã chỉ ra 364 “địa chỉ” cần tập trung xử lý. Sau một năm, các đơn vị cũng đã tập trung, chỉ đạo, giải quyết và đến nay các vụ việc khiếu nại đã giảm đáng kể.
Theo thống kê của Ban Nội chính Thành ủy, toàn thành phố còn khoảng 150 vụ việc cần tập trung chỉ đạo giải quyết. Đây là những vụ việc mang tính điển hình, ngoài ra cũng còn tồn tại những vụ việc xảy ra trên địa bàn một số quận, huyện hay một số lĩnh vực cần hết sức quan tâm. Đó là các lĩnh vực nổi cộm như: Công tác quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị, quản lý đất đai hiện vẫn đang là lĩnh vực phức tạp, dễ phát sinh vấn đề “nóng”, để xảy ra nhiều yếu kém.
Công tác tiếp dân tuy đã có chuyển biến tích cực song vẫn cần giải quyết dứt điểm, thấu đáo kiến nghị của người dân, bởi vẫn còn những đơn vị mới chỉ giải quyết được tư tưởng ban đầu. Việc giải quyết tận gốc kiến nghị của người dân, để người dân thực sự yên tâm và không có khiếu nại kéo dài đòi hỏi các đơn vị phải kiên trì, nỗ lực. Lĩnh vực nổi cộm thứ hai cần quan tâm công tác giải phóng mặt bằng, trong đó phải tập trung giải quyết quyền lợi của người dân. Đây là một trong những lĩnh vực mà thời gian qua dễ phát sinh khiếu kiện.
Về vấn đề này, thành phố sẽ kiên trì lắng nghe, tiếp thu, đối thoại để mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện một cách tốt nhất, nhưng quyền lợi của người dân trong vùng bị ảnh hưởng cũng phải được giải quyết thỏa đáng. Có như vậy, chúng ta mới hoàn thành được nhiệm vụ chính trị của thành phố.
- Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những nhiệm vụ trọng tâm mà Thành ủy Hà Nội tiếp tục chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới?
- Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn: Thời gian thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU và Chỉ thị số 15-CT/TU chưa dài, nhưng công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tập trung thực hiện của thành phố được thể hiện rõ nét, từ trách nhiệm của Thường trực Thành ủy, tới các đồng chí Thường vụ Thành ủy được phân công phụ trách từng địa phương và sự nỗ lực của từng đơn vị, có thể nói, thành phố đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu.
Tuy nhiên, xét trên từng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cũng như thực tiễn quản lý cho thấy, vẫn còn nhiều khâu cần phải triển khai thực hiện mới có thể có được kết quả toàn diện. Vì vậy, 7 giải pháp đã nêu tại Nghị quyết số 15-NQ/TU chính là những mục tiêu, nhiệm vụ rất căn bản mà thành phố cần phải thực hiện không chỉ trong năm 2018, mà còn có những nhiệm vụ, giải pháp sẽ phải kiên trì thực hiện một cách lâu dài mới có thể đạt được như mong muốn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.
Nhân dịp này, tôi xin chia sẻ với những khó khăn, vất vả của các cán bộ làm công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là đội ngũ làm công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo trong suốt thời gian qua, đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tiếp nhận, tuyên truyền, tham mưu giải quyết kịp thời đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân, qua đó góp phần quan trọng vào việc giữ vững sự bình yên của thành phố.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!