Bước chuyển mạnh mẽ, toàn diện của Thủ đô trên mọi lĩnh vực
Chính trị - Ngày đăng : 06:58, 30/07/2018
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp:
Các chính sách an sinh xã hội đi vào đời sống
Tôi đánh giá cao những kết quả mà TP Hà Nội đạt được trong công tác lao động, người có công và xã hội sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính. TP Hà Nội đã giải quyết việc làm cho gần 1,4 triệu lao động, giảm nhanh tình trạng thất nghiệp ở đô thị và thiếu việc làm ở nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cải thiện đời sống và thu nhập của người dân. Hà Nội cũng là địa phương có tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội và người dân tham gia bảo hiểm y tế thuộc tốp đầu của cả nước.
Chất lượng nguồn nhân lực của Hà Nội, nhất là ở khu vực ngoại thành có bước chuyển biến rõ rệt. Mạng lưới giáo dục nghề nghiệp phủ rộng, công tác tuyển sinh, đào tạo nghề phát triển đúng hướng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt hơn 60%, cao hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước. Với kết quả ấy, Hà Nội có thể tự tin, chủ động trong hội nhập kinh tế, vượt qua những thách thức của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và sẽ làm biến đổi nhanh chóng cấu trúc kinh tế và cấu trúc của thị trường lao động.
Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, Hà Nội có gần 800.000 người có công, bằng gần 10% tổng số người có công của cả nước. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hà Nội đã ban hành, thực hiện nhiều chính sách ưu đãi đối với người có công với đất nước. Tôi hy vọng TP Hà Nội tiếp tục quan tâm thực hiện tốt các chính sách về lao động, người có công và xã hội, để Hà Nội trở thành một điển hình trong quá trình phát triển, luôn giải quyết hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế với các mục tiêu phát triển xã hội.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến:
Ngành Y tế Thủ đô đang lớn mạnh về cả chất và lượng
Sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính, chất lượng ngành Y tế Thủ đô đang dần được nâng cao, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân với các dịch vụ chất lượng cao. Nếu như trước đây, ngành Y Thủ đô chủ yếu dựa vào các bệnh viện lớn của trung ương đóng trên địa bàn, thì nay các bệnh viện của Hà Nội ngày càng khẳng định được khả năng chuyên môn cũng như “thương hiệu” của mình, nhờ sự đầu tư và chỉ đạo quyết liệt của thành phố trong việc chọn hướng đi đúng đắn.
Đơn cử như sự ra đời và đi vào hoạt động hiệu quả của Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) đã nhận được sự đánh giá cao của người bệnh. Trung tâm này xứng đáng là “đầu tàu”, khởi động để đưa ngành Y tế Thủ đô có thêm một điểm sáng về chất lượng, phong cách phục vụ.
Bên cạnh đó, Bệnh viện Tim Hà Nội là một trong những cơ sở y tế tuyến thành phố hiếm hoi được Bộ Y tế công nhận là bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối và là một trong 3 trung tâm tim mạch lớn nhất của cả nước. Bộ Y tế cũng đã tin tưởng giao cho Bệnh viện Tim Hà Nội trở thành bệnh viện hạt nhân chuyên ngành tim mạch cho 16 bệnh viện vệ tinh trên cả nước. Không chỉ các bệnh viện tuyến thành phố, ở tuyến cơ sở, hệ thống trạm y tế xã, trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa huyện đang dần trở thành địa chỉ tin cậy, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân…
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương:
Thủ đô về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo
TP Hà Nội không chỉ là đầu tàu của cả nước về phát triển kinh tế, mà còn có vai trò dẫn dắt trong phát triển khoa học và công nghệ (KH-CN), phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sự quan tâm của các cấp lãnh đạo thành phố thể hiện rõ ở sự vào cuộc trong việc tạo điều kiện, các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích phát triển KH-CN, nhất là KH-CN trình độ cao. Thành phố đã quan tâm, đầu tư lớn để triển khai nhiều hoạt động KH-CN có ý nghĩa thực tiễn.
Đáng chú ý, thành phố đã đầu tư xây dựng một số tổ chức KH-CN; đồng thời, chú trọng đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào sử dụng các dự án đầu tư tiềm lực KH-CN. Trong đó, Dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã nhận được sự đồng hành tích cực của thành phố trong tháo gỡ các vấn đề về giải phóng mặt bằng, phát triển cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư, kêu gọi các dự án có năng lực công nghệ cao, tiềm lực tài chính lớn, hướng tới hình thành thành phố KH-CN. Hà Nội cũng là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Là nơi tập trung nhiều trường đại học lớn, cái nôi đào tạo phần lớn nhân lực KH-CN của đất nước, Hà Nội cũng là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp, các đơn vị nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ hàng đầu. Đó là những lợi thế để trong thời gian tới Hà Nội quan tâm và đầu tư nhiều hơn nữa vào phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo, để Hà Nội không chỉ là thủ đô chính trị, xã hội của cả nước, mà còn là thủ đô về KH-CN và đổi mới sáng tạo - động lực để chúng ta đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế đất nước.
Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường:
Kinh tế tập thể Hà Nội chuyển biến mạnh mẽ
Sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính, đời sống của người dân Thủ đô có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó có đóng góp của kinh tế tập thể. Với Hà Nội, nông dân hiện chiếm khoảng 60%, Liên minh Hợp tác xã Hà Nội đã bám sát các Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX), Kết luận số 56-KL/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XI) và Chương trình hành động số 24-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Vì vậy, kinh tế tập thể Hà Nội sau 10 năm đã chuyển biến mạnh mẽ. Đặc biệt, triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012, Hà Nội có 1.550 hợp tác xã đang hoạt động, đến nay đã chuyển đổi được 1.452 hợp tác xã, chiếm khoảng 95%.
Các hợp tác xã sau chuyển đổi từng bước được củng cố, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động. Nhiều hợp tác xã phát huy vai trò tiên phong trong công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Đối với nhóm hợp tác xã thành lập mới, bước đầu đã có hướng sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Phát huy vai trò của kinh tế tập thể, thời gian tới, các hợp tác xã của Hà Nội tập trung phát triển số lượng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.