Bảo đảm chất lượng, tiến độ

Chính trị - Ngày đăng : 06:46, 31/07/2018

(HNM) - Hiện tại, Hà Nội đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị, bảo đảm chất lượng, tiến độ để trình Bộ Chính trị trong quý IV-2018.

Khảo sát xây dựng Đề án chính quyền đô thị tại thị xã Sơn Tây. Ảnh: Trần Thảo


Việc mới và khó, cần thực hiện bài bản

Ngay sau khi Bộ Chính trị đồng ý cho TP Hà Nội được triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận, tại Hội nghị lần thứ mười một, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội (ngày 19-11-2017), đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, kết luận của Bộ Chính trị là văn bản rất quan trọng. Thành phố xác định, đây là nhiệm vụ mới và khó, phải thực hiện rất bài bản. Thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị của TP Hà Nội (Ban Chỉ đạo). Ban Chỉ đạo đã ban hành kế hoạch; thành lập Tổ soạn thảo Đề án, lựa chọn đơn vị tư vấn...

Để có cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Đề án, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo xây dựng 8 chuyên đề; tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến các cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý… nhằm hoàn thiện Đề án. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng Đề án, thành phố đã khảo sát tại nhiều đơn vị: Thị xã Sơn Tây, quận Đống Đa, quận Long Biên, huyện Đông Anh và một số sở, ngành; tham quan, học hỏi tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Ông Phan Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) cho biết: “Chúng tôi đã đồng hành cùng TP Hà Nội trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Tôi cho rằng, Đề án của TP Hà Nội đang được nghiên cứu xây dựng bài bản, công phu và nghiêm túc”.

Trực tiếp chủ trì và nắm tình hình các cuộc hội thảo lấy ý kiến vào các chuyên đề, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, các ý kiến đóng góp rất sôi nổi, tâm huyết, trách nhiệm và quý báu. Nhiều ý kiến trao đi, đổi lại nhằm nhìn nhận vấn đề ở nhiều góc độ, giúp Ban soạn thảo tiếp thu, lắng nghe để hoàn thiện nội dung các chuyên đề theo kế hoạch đề ra. Đặc biệt, các hội thảo đã cung cấp thêm những kinh nghiệm thực tiễn, rút ra cho Hà Nội những bài học để khi áp dụng vào thực tiễn được khả thi hơn.

Nghiên cứu kỹ lưỡng để lựa chọn mô hình phù hợp

Theo dự thảo Đề án, mô hình tổ chức thí điểm chính quyền đô thị của TP Hà Nội sẽ được thiết kế theo 3 phương án. Qua các cuộc hội thảo, lấy ý kiến, nổi lên 2 luồng quan điểm. Luồng quan điểm thứ nhất cho rằng, HĐND cấp phường thời gian qua đã thể hiện vai trò cầu nối giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân; đại diện cho ý chí, quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở. Do đó, nếu theo phương án không tổ chức HĐND cấp phường thì sẽ làm xáo trộn bộ máy quản lý nhà nước ở địa phương, mất đi vai trò kiểm soát, giám sát trong tổ chức, hoạt động của chính quyền, không phát huy được quyền làm chủ của nhân dân…

Luồng quan điểm thứ hai cho rằng, nếu xây dựng chính quyền đô thị với bộ máy chính quyền tinh gọn, không còn HĐND, tất cả mọi công việc đều thông qua HĐND thành phố sẽ là mô hình có tính khả thi cao, giúp tiết kiệm thời gian, nâng cao trách nhiệm của cấp hành chính, tự thực hiện và tự chịu trách nhiệm.

Về nội dung này, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, việc lựa chọn phương án nào, cần có sự phân tích kỹ lưỡng. Đặc biệt, khi đánh giá thực trạng phải khách quan, nhìn nhận tính lịch sử của từng giai đoạn. Đồng chí khẳng định, việc đổi mới phải đúng pháp luật, vừa bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, tính hệ thống, vừa có bước đột phá. Chính vì thế, thành phố đang tổ chức khảo sát tại HĐND các cấp nhằm xác định rõ việc chưa hiệu quả khâu nào để xem xét kỹ trước khi lựa chọn phương án.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng, thành viên Tổ soạn thảo Đề án, qua khảo sát cho thấy, các ý kiến đều quan tâm, mong muốn là mô hình chính quyền đô thị phải có tính khả thi và đặc biệt là phù hợp thực tiễn, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.

Dự kiến, quý IV-2018, Hà Nội sẽ trình Bộ Chính trị Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị của TP Hà Nội, nếu được thông qua, sẽ triển khai thực hiện vào năm 2020. Với cách làm thận trọng, chắc chắn trong từng khâu, cùng với sự ủng hộ của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trung ương, tin rằng TP Hà Nội sẽ sớm phát huy được lợi thế, tận dụng được thời cơ để thí điểm thành công mô hình chính quyền đô thị với bộ máy tinh gọn, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Ba phương án được đề xuất

Phương án 1: Xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền (thành phố), một cấp hành chính (quận) và một cơ quan hành chính đại diện (phường); các cơ quan hành chính nhà nước tại các đơn vị hành chính tổ chức theo thiết chế thủ trưởng hành chính.

Phương án 2: Xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền (thành phố), một cấp hành chính (quận) và một cơ quan hành chính (phường). Cơ quan hành chính nhà nước tại các đơn vị hành chính tổ chức theo thiết chế ủy ban.

Phương án 3: Xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền ở đô thị (thành phố và quận), ba cấp chính quyền ở nông thôn (thành phố, huyện, xã), một cơ quan hành chính đại diện (tại phường); cơ quan hành chính nhà nước tại các đơn vị hành chính tổ chức theo thiết chế ủy ban.

Phong Thu