Công nghệ số - giải pháp phát triển hợp tác xã
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:50, 02/04/2023
Tăng giá trị từ chuyển đổi số
Đến nay, các sản phẩm đông trùng hạ thảo của Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Giọt Phù Sa (huyện Phong Ðiền, Cần Thơ) được bán rộng rãi tại các tỉnh, thành phố thông qua các sàn thương mại điện tử, như: Tiki, Lazada, Posmart.vn…
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Giọt Phù Sa Phạm Ngọc Ðá chia sẻ, không chỉ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đông trùng hạ thảo, hợp tác xã còn đưa công nghệ số vào xây dựng tem, nhãn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng mã QR để đưa lên các sàn thương mại điện tử. Thông qua các sàn thương mại điện tử, lượng tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã tăng gấp 4-5 lần.
Tương tự, Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) là đơn vị đi đầu của thành phố Hà Nội trong đổi mới sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng công nghệ số. Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn Hoàng Văn Thám thông tin, từ năm 2016, hợp tác xã đã thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ. Trong sản xuất, hợp tác xã ứng dụng công nghệ cảnh báo thời tiết iMetos, giúp nông dân quản lý, giám sát sản xuất, điều chỉnh kế hoạch xuống giống, quy trình chăm sóc rau kịp thời khi thời tiết biến động. Hợp tác xã cũng đã quản lý điện tử trong thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với từng hộ trồng rau, từng thửa ruộng. Năm 2021, hợp tác xã tiếp tục thí điểm hoàn thiện quy trình chuyển đổi số đồng bộ trong sản xuất và phát triển chuỗi cung ứng ra thị trường, với 15 sản phẩm rau được số hóa, kết nối tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử.
Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, tiêu thụ đã giúp các hợp tác xã nâng cao giá trị kinh tế, tạo chiến lược kinh doanh phù hợp với xu thế thị trường hiện nay. Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định, chuyển đổi số là yếu tố then chốt để các hợp tác xã phát triển theo kịp xu hướng của xã hội, bắt nhịp thị trường. Đây cũng là đòn bẩy để các hợp tác xã phát huy nguồn lực kinh tế tập thể, xây dựng nông dân công nghệ số, tạo nguồn lực kinh tế khu vực nông thôn, chủ động thích ứng với những biến động về thị trường, dịch bệnh…
Cần chủ động đổi mới, ứng dụng công nghệ
Tuy nhiên, theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, việc chuyển đổi số vẫn còn chậm và nhỏ lẻ. Đến nay, trong số 1.718 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, chỉ có 240 hợp tác xã sử dụng phần mềm quản lý và sản xuất thông minh, chiếm 1,5%. Các hợp tác xã này cũng chỉ tập trung vào ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc. Còn ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý hợp tác xã, kinh doanh sản phẩm chưa thực sự được chú trọng…
Vụ trưởng Vụ NN&PTNT (Ban Kinh tế Trung ương) Nguyễn Văn Tiến cho rằng, chuyển đổi số trong các hợp tác xã hiện nay còn chậm và thiếu chiến lược, hành động cụ thể. Hạn chế này khiến nhiều hợp tác xã nông nghiệp rơi vào tình trạng kém phát triển, không phát huy được các nguồn lực.
Để các hợp tác xã tiếp cận công nghệ số, nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển. Tại Hà Nội, ngày 6-9-2021, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 4098/QĐ-UBND về Chương trình chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp, thành phố phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, tăng tỷ trọng của ngành Nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Thành phố cũng tập trung phát triển ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc chuỗi cung ứng sản phẩm bảo đảm minh bạch, chính xác.
Theo Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Nguyễn Tiến Phong, thời gian tới, Liên minh sẽ phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp về công nghệ tăng cường đào tạo, tập huấn, hướng dẫn thành viên hợp tác xã tiếp cận và ứng dụng công nghệ 4.0; đồng thời lắng nghe, tiếp thu những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn triển khai, đề xuất thành phố có những giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Còn theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, các hợp tác xã phải chủ động đổi mới, ứng dụng công nghệ, thiết bị, kỹ thuật mới vào sản xuất, chế biến sâu, kinh tế tuần hoàn.
“Liên minh sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đào tạo nguồn nhân lực số cho các hợp tác xã; liên kết thực hiện các chương trình chuyển đổi số trong sản xuất, giới thiệu, bán hàng... Liên minh cũng kiến nghị với Chính phủ có nguồn vốn hỗ trợ để hợp tác xã tiếp cận nhanh với nền công nghệ số”, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết.