Cầu nối cho người làm du lịch

Du lịch - Ngày đăng : 10:37, 02/08/2018

(HNMO) - Tại Đại hội Chi hội Lữ hành du lịch Hà Nội nhiệm kỳ I (2018-2023) vừa diễn ra ở Hà Nội, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã “gửi gắm” rằng, các chi hội nghề nghiệp có thể là cầu nối, giúp đưa các chính sách du lịch đến với doanh nghiệp, cá nhân nhanh hơn, hiệu quả hơn.


Khi người trong cuộc vẫn mù mờ thông tin

Các văn bản, chính sách du lịch đã, đang và sẽ được triển khai trong thời gian tới thực sự tác động mạnh tới cộng đồng những người làm du lịch Việt Nam. Vấn đề là họ phải nắm rõ, nắm chắc thông tin và có kênh để trao đổi, phản hồi. Từ đó, họ sẽ hoạch định đường đi để thích ứng. Thực tế, nhiều doanh nghiệp, cá nhân làm du lịch đã chủ động nắm bắt thông tin nhưng cũng có nhiều trường hợp lại bị động khi chính sách ra đời.

Ông Vũ Thế Bình cho biết, sau khi Luật Du lịch năm 2017 được ban hành, nhiều doanh nghiệp, cá nhân mới lên tiếng về việc sẽ gặp khó khăn khi Luật đi vào cuộc sống. Lúc đó, họ mới cho hay là không biết đến sự thay đổi của Luật. Đó thực sự là điều đáng trách khi một văn bản sát sườn, liên quan đến “miếng cơm, manh áo” của người trong cuộc lại không được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, họ có tới 3-4 năm để góp ý nhưng lại không thực sự quan tâm. Theo ông Vũ Thế Bình, nếu có một tổ chức như Chi hội Nghề nghiệp thì sẽ giúp nhiều người trong cuộc sớm nắm bắt điều này. Khi ấy, họ sẽ nhanh chóng hiểu rõ hơn những thay đổi trong Luật Du lịch 2017.

Nhiều người làm trong ngành Du lịch như anh Tạ Trung Kiên, hướng dẫn viên du lịch cũng chia sẻ rằng, trước đây, cộng đồng hướng dẫn viên du lịch tại Hà Nội chỉ hoạt động tự phát, ngay cả khi có Fanpage của cộng đồng trên mạng xã hội Facebook thì đây vẫn không phải là kênh thông tin chính thức, là nơi để giải đáp chính xác, thỏa đáng những thắc mắc về chính sách du lịch. Ngay cả cơ quan quản lý nhà nước cũng chỉ có thể bảo đảm trực tiếp đưa thông tin về các văn bản, chính sách đến một số lượng người nhất định. Phần việc còn lại sẽ trông vào những hiệp hội, chi hội, phòng văn hóa - thông tin của các quận, huyện, thị xã… Vì vậy, như anh Tạ Trung Kiên khẳng định, các chi hội nghề nghiệp sẽ là nơi tuyên truyền chính sách du lịch một cách hiệu quả, chính vì vậy, tháng 5 vừa qua, Chi hội Hướng dẫn viên du lịch Hà Nội đã ra đời. Còn khả năng thu hút, kết nối người trong nghề của chi hội đến đâu lại là câu chuyện khác.

Quan trọng là hiệu quả

Thực tế, các chi hội ra đời mới là điều kiện cần, còn điều kiện đủ để các chi hội phát huy hết tác dụng phụ thuộc vào chính người điều hành và cả ý thức những người hoạt động trong lĩnh vực đó.

Anh Tạ Trung Kiên khẳng định, chính những hướng dẫn viên du lịch như anh luôn mong muốn có một Chi hội Nghề nghiệp để có thể chia sẻ kinh nghiệm, tăng cơ hội việc làm và quan trọng là được nắm bắt, phản biện chính sách du lịch theo cách chính thống nhất.

Theo ông Lương Văn Tuân, Giám đốc Công ty Lữ hành “Viet Beauty Tour”, một trong những điều cần nhất của doanh nghiệp là nắm bắt được những chính sách sắp ra đời để có kế hoạch thích ứng, thậm chí phản biện. Thế nên, một sân chơi như Chi hội Lữ hành du lịch Hà Nội thực sự cần thiết với doanh nghiệp.

Cùng quan điểm đó, ông Nguyễn Trung Quân, Tổng Thư ký Chi hội Lữ hành du lịch Hà Nội cho hay, việc tuyên truyền, phổ biến văn bản, chính sách du lịch tới các thành viên chi hội cũng như những doanh nghiệp lữ hành khác chưa thuộc chi hội sẽ là một hướng đi quan trọng. Ngay trong tháng 8 tới, Chi hội Lữ hành du lịch Hà Nội sẽ tổ chức buổi tập huấn, giới thiệu về Luật Du lịch 2017 nhằm giúp các thành viên chi hội hiểu rõ hơn về tinh thần của Luật. Về lâu dài, chi hội sẽ tiếp tục chú trọng đến việc phổ biến các văn bản, chính sách từ giai đoạn dự thảo đến khi ban hành.

Trước mắt còn quá nhiều chính sách du lịch cần được chuyển tới người trong cuộc. Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nói rằng, còn nhiều văn bản, chính sách trong ngành Du lịch rất cần được doanh nghiệp, cá nhân trong ngành quan tâm, trong đó có Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch sắp được ban hành. Ngay lúc này, các doanh nghiệp lữ hành cần được thông tin đầy đủ, kịp thời về Nghị định này để tránh những hậu quả đáng tiếc khi hành nghề.

Trong thời gian tới, Hiệp hội Du lịch Việt Nam dự định sẽ xác định “hạng bậc” cho hướng dẫn viên. Khi ấy, hướng dẫn viên có hạng bậc càng cao thì càng có nhiều cơ hội việc làm hơn, thu nhập tốt hơn. Thực tế, không hẳn những người trong nghề đều hiểu rõ, hiểu đủ về việc này, thậm chí nhiều người còn chưa biết. Vì vậy rất cần đến các Chi hội Nghề nghiệp để chuyển tải thông tin đầy đủ đến các thành viên và những người trong nghề.

Dù vai trò của Chi hội Nghề nghiệp trong tuyên truyền, phổ biến văn bản, chính sách du lịch được đánh giá cao, song không phải ở đâu, việc gây dựng các chi hội cũng dễ dàng. Như tại Hà Nội, mới có Chi hội Hướng dẫn viên du lịch; Chi hội Lữ hành du lịch mới ra đời trong khi Chi hội Khách sạn Hà Nội thì chưa được thành lập, mà “lữ hành, khách sạn, hướng dẫn viên là những thành phần chủ lực của ngành Du lịch” - như đánh giá của ông Vũ Thế Bình.

Rõ ràng, vẫn còn không ít vấn đề cần sớm được giải quyết, nhưng trước mắt, các chi hội sẽ là cầu nối hữu hiệu giúp đưa văn bản, chính sách du lịch đến với nhiều người trong nghề hơn.

Minh Quang