Củng cố quan hệ đối tác
Thế giới - Ngày đăng : 06:35, 02/08/2018
Tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo cùng nhấn mạnh tới mối quan hệ thân thiết và sự gần gũi về lập trường của hai bên.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Italia tìm thấy sự tương đồng trong nhiều vấn đề. |
Qua những thảo luận, hai nhà lãnh đạo đã đề cập tới các vấn đề "nóng" hiện nay, đặc biệt là chính sách nhập cư. Tổng thống D.Trump đánh giá cao quan điểm của Chính phủ Italia, đồng thời khuyến khích các nước châu Âu hành động theo hướng này. Người đứng đầu Nhà Trắng bày tỏ ủng hộ nỗ lực của Thủ tướng G.Conte nhằm cải cách luật nhập cư (Quy định Dublin) của Liên minh châu Âu (EU) và kế hoạch lập một trung tâm giám sát chung ở Địa Trung Hải.
Mới đây, nhằm ngăn chặn làn sóng di cư, Italia đã đóng cửa một số cảng biển, đồng thời từ chối tiếp nhận tàu chở người tị nạn được cứu trên biển. Hiện nay, chính phủ mới của Italia cũng đang gây sức ép đối với các nước EU khác trong việc chia sẻ trách nhiệm.
Theo Rome, Quy định Dublin có phần bất công khi yêu cầu trách nhiệm tiếp nhận người nhập cư sẽ thuộc về nước đầu tiên mà người di cư đặt chân đến. Thế nên, những thay đổi đối với quy định này sẽ buộc phần còn lại của châu Âu phải có trách nhiệm hơn, không đặt mọi gánh nặng lên vai những nước ở "tuyến đầu".
Về thương mại, hai nhà lãnh đạo bày tỏ hoài nghi đối với các nỗ lực tự do thương mại hiện hành. Trong thời gian qua, Tổng thống D.Trump đã quyết định từ bỏ nhiều thỏa thuận quốc tế như Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ với Canada và Mexico hay Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Về phần mình, Rome cũng từ chối phê chuẩn thỏa thuận tự do thương mại giữa EU và Canada. Tuy nhiên, đối với quan hệ thương mại Mỹ - Italia, Tổng thống D.Trump cho rằng còn một vài vấn đề cần phải giải quyết nhằm giảm thâm hụt song phương.
Về quân sự, Thủ tướng Italia G.Conte cho biết, hiện Rome chưa thể đạt mức tăng ngân sách quốc phòng tương đương 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nhằm đáp ứng yêu cầu của Mỹ và cũng là mục tiêu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ Italia cũng khẳng định, thương vụ mua máy bay chiến đấu F-35 với Mỹ là nhà thầu chính đã được ký kết cách đây hơn 10 năm, đồng thời cam kết xúc tiến một cách thận trọng và “hoàn toàn minh bạch” với đối tác Mỹ.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh hồi tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Italia Elisabetta Trenta từng thông báo Rome sẽ không mua thêm máy bay F-35 của tập đoàn Mỹ Lockheed Martin do vướng phải vấn đề chi phí.
Một điểm chung đáng chú ý giữa hai nhà lãnh đạo là quyết tâm cải thiện quan hệ với Nga, với quan điểm rằng Mátxcơva đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết tất cả các cuộc khủng hoảng địa chính trị trên thế giới. Cả Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Italia đều ủng hộ đối thoại với Nga dù cho rằng, các lệnh trừng phạt vẫn nên được tiếp tục.
Có thể thấy, chuyến công du tới Mỹ lần này đã giúp tân Thủ tướng Italia hoàn thành mục tiêu củng cố mối quan hệ đối tác với một đồng minh quan trọng của châu Âu. Trong khi đó, người đứng đầu Nhà Trắng cũng có được tiếng nói ủng hộ hiếm hoi trong EU giữa lúc hai bên đang có nhiều bất đồng.