Thiết thực chăm lo đối tượng chính sách
Đời sống - Ngày đăng : 07:07, 02/08/2018
Khám sức khỏe cho đối tượng chính sách tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt |
Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng. Tại Hà Nội, nhiệm vụ này được Thành ủy, UBND thành phố đặc biệt quan tâm, ban hành nhiều chính sách để làm tốt hơn nữa công tác chăm lo các đối tượng chính sách.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội đã xây dựng và triển khai nhiều chính sách mà trung ương chưa có quy định; với mức hỗ trợ cao hơn so với quy định chung. Trong đó phải kể tới chủ trương cấp thẻ xe buýt miễn phí cho người có công, người khuyết tật; trợ cấp hằng tháng cho cựu thanh niên xung phong sống cô đơn, không nơi nương tựa và cán bộ hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày có hoàn cảnh khó khăn...
Riêng với đối tượng cựu thanh niên xung phong, thành phố đã có chế độ, chính sách hỗ trợ để nâng cao chất lượng đời sống, cả về vật chất và tinh thần. Gần đây nhất, UBND thành phố đã ban hành Quyết định 3642/QĐ-UBND, ngày 18-7-2018 về giải quyết chế độ trợ cấp một lần đối với thanh niên xung phong.
Theo đó, thành phố giải quyết chế độ trợ cấp một lần cho 21 ông, bà là thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến trở về địa phương, mỗi người được 52,5 triệu đồng. UBND thành phố cũng ban hành Quyết định 3643/QĐ-UBND về việc giải quyết chế độ trợ cấp một lần đối với thân nhân thanh niên xung phong cho 6 ông, bà là thân nhân của thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương nhưng nay đã từ trần, mỗi người được 20,5 triệu đồng.
Với những trường hợp cụ thể, riêng lẻ, thành phố áp dụng chế độ, chính sách rất thiết thực. Cụ thể, UBND thành phố đã ban hành Quyết định 3644/QĐ-UBND về giải quyết chế độ trợ cấp hằng tháng đối với thanh niên xung phong cho bà Nguyễn Thị Biên (sinh năm 1948, hộ khẩu thường trú tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh), với mức 540 nghìn đồng/tháng. Bà Nguyễn Thị Biên tham gia thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ, nay trở về địa phương nhưng không còn khả năng lao động và sống cô đơn, không nơi nương tựa...
Thực hiện chủ trương của thành phố, trong thời gian qua, các cấp, các ngành đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, giúp đỡ đồng chí, đồng đội, gia đình chính sách… nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của toàn xã hội, góp phần không nhỏ vào việc chăm lo, nâng cao đời sống người có công với cách mạng.
Nhờ vậy, đến nay 100% gia đình người có công với cách mạng của Thủ đô có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi sinh sống; không có hộ chính sách thuộc diện nghèo. Thành phố đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 8.589 ngôi nhà cho người có công với cách mạng với tổng kinh phí 971,8 tỷ đồng và đến nay đã hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho người có công theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ...
Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, thực hiện chính sách đối với người có công, gia đình chính sách là thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc một cách cụ thể, thiết thực. Thông qua các hoạt động hỗ trợ, các gia đình chính sách, người có công có đời sống ổn định, có khả năng vươn lên mức sống cao và bền vững. Từ đó, các gia đình chính sách, người có công có điều kiện tiếp tục phát huy truyền thống bản thân, gia đình, đóng góp vào sự ổn định, phát triển của địa phương.