Vận hành 101 trạm bơm tiêu, chủ động khắc phục hậu quả lũ lụt
Đời sống - Ngày đăng : 13:34, 02/08/2018
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội, sáng 2-8, trên địa bàn thành phố tiếp tục vận hành 101 trạm bơm tiêu, với 305 máy bơm với tổng lưu lượng tiêu 784.250m3/giờ.
Tại hầu hết khu vực ngập lụt, chính quyền địa phương và các lực lượng, người dân tích cực, chủ động khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất.
Các lực lượng của huyện Quốc Oai chủ động ứng phó với tính huống ngập lụt |
Ông Đinh Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, do huyện đã quyết liệt triển khai các biện pháp hộ đê tả Bùi và mực nước sông Bùi đang tiếp tục giảm nên đến thời điểm này đê tả Bùi đã tạm thời an toàn.
Tuy nhiên, do đê yếu, ngâm nước nhiều ngày nên nguy cơ xảy ra sự cố vẫn rất cao. Để bảo đảm an toàn đê, an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trên địa bàn huyện và một số quận, huyện lân cận, khu vực nội thành, huyện Chương Mỹ yêu cầu 19 xã, thị trấn ven sông Bùi tiếp tục duy trì 100% lực lượng tại chỗ để kiểm tra, phát hiện, sẵn sàng triển khai biện pháp ứng phó, xử lý sự cố…
Ngoài nhiệm vụ bảo vệ đê, hôm nay (2-8), huyện Chương Mỹ yêu cầu các xã, thị trấn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Chương Mỹ khoanh vùng, vận hành toàn bộ công trình thủy lợi bơm tiêu nước cứu lúa, giảm úng ngập trong các khu dân cư.
Bên cạnh công tác bảo vệ an toàn tuyến đê tả Bùi, huyện đã chủ động sơ tán dân và tài sản từ vùng trũng thấp đến nơi an toàn; đồng thời, quyết liệt triển khai phương án bảo đảm đời sống nhân dân, khắc phục hậu quả úng ngập. Ngoài sơ tán 6.097 nhân khẩu và nhiều tài sản giá trị đến nơi an toàn, huyện Chương Mỹ đã huy động các nguồn lực hỗ trợ nhân dân bảo đảm đời sống.
Tính đến 17h hôm nay, huyện Chương Mỹ đã hỗ trợ nhân dân vùng úng ngập 7.525 thùng mì tôm, 26.950kg gạo, 1.850 gói lương khô, 100 thùng sữa tươi, 5.091 bình nước uống, 6.451 thùng nước uống, 3.361 gói bột canh, 4.931 đôi nến, 110 chiếc đèn pin, 1.000 thùng bột lọc nước sinh hoạt…
Huyện Chương Mỹ và các lực lượng hỗ trợ đã liên tục tổ chức các đợt khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân vùng ngập úng. Đến nay, trên địa bàn huyện đã khám chữa bệnh được cho 1.544 người. Huyện cũng đã cấp phát thuốc, hóa chất cho các xã, thị trấn gồm 4.688 túi thuốc; 15.200 lọ thuốc tra mắt Cloramphenocol; 8.800 tuýp thuốc bôi ngoài da Tomax và Korcin; 5.740 túi CloraminB và 2.740 túi phèn chua.
“Trong những ngày úng ngập, trên địa bàn huyện chưa xảy ra tình trạng người dân bị đói, thiếu nước uống…”, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng khẳng định.
Ứng trực chống tràn qua đê tại xã Đông Yên (huyện Quốc Oai). Ảnh: Đào Huyền |
* UBND xã Đại Xuyên (Phú Xuyên) đã huy động lực lượng, phương tiện xử lý đắp bao tải cát để chống nước tràn qua đường. Trên địa bàn xã Vân Từ, tại kênh A-27 về phía hạ lưu (phía đồng lúa) xảy ra hiện tượng có 2 đoạn sụt sạt chân và mái cơ đê vào sâu thân đê khoảng 40m (đoạn 1 dài 30m, đoạn 2 dài 10m). UBND xã đã huy động lực lượng, phương tiện gia cố, xử lý đóng cọc tre để giữ ổn định cơ đê. Trên địa bàn thị trấn Phú Xuyên, xảy ra hiện tượng sụt sạt nhiều đoạn trong lòng máng kênh I-29 nhánh vào trạm bơm Mỹ Lâm với tổng chiều dài 60m.
Hiện Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện tiếp tục phân công ứng trực 24/24, bám sát diễn biến thời tiết để báo cáo và có chỉ đạo kịp thời. Với diện tích cây trồng, nuôi trồng thủy sản, các địa phương nhanh chóng có biện pháp tiêu nước, khôi phục sản xuất sau mưa bão…
* Theo ông Lê Hải Hồng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức, hiện nay huyện đang vận hành 12 trạm bơm tiêu úng với 33 máy hoạt động, với tổng lưu lượng 144.300m3/h (để tiêu úng cho diện tích còn ngập và tiêu nước đệm đề phòng tiếp tục có mưa). Huyện ủy, HĐND, UBND huyện thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện và các xã tiếp tục ứng trực 24/24 để theo dõi sát diễn biến của thời tiết và kịp thời chỉ đạo. Các xã, thị trấn, Xí nghiệp Đầu tư phát triển Thủy lợi Mỹ Đức tiếp tục vận hành các trạm bơm để tiêu úng cho diện tích trong vùng.
Đê sông Bùi ở huyện Chương Mỹ. Ảnh: Quang Thái |
* Theo ông Tạ Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây, thị xã đang chỉ đạo đơn vị chức năng và các xã, phường kiểm tra, rà soát, đánh giá cụ thể thiệt hại của các hộ dân để kịp thời hỗ trợ; đồng thời, đề nghị các sở, ngành chức năng tham mưu UBND thành phố xem xét, hỗ trợ thiệt hại cho nhân dân thị xã với tổng kinh phí 2,459 tỷ đồng để khôi phục sản xuất, bảo đảm đời sống nhân dân và chủ động công tác phòng chống thiên tai cho các năm tiếp theo.
* Tại huyện Thạch Thất: Huyện đã cho di dời 25 hộ dân ở các xã: Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân, Thạch Xá… đến khu vực an toàn; đồng thời tiếp tục kiểm tra, rà soát nhà ở của các hộ dân ở chân núi, ven sông, suối… để có phương án sơ tán đến nơi an toàn khi cần thiết; chỉ đạo UBND các xã bố trí lực lượng hỗ trợ nhân dân di chuyển, kê kích tài sản tránh ngập nước; khắc phục sự cố ở các trạm bơm đầu mối: Bình Phú, Thạch Xá… để phát huy hết công suất bơm nước chống ngập.
Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Trần Đức Nguyên cho biết, huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, các xã, thị trấn, đặc biệt là những xã miền núi chủ động tổ chức ứng trực 24/24h, triển khai các biện pháp chống úng, khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất, kịp thời xử lý các sự cố xảy ra…
* Tại huyện Ba Vì, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Hứa Bá Trình cho biết, khắc phục hậu quả cơn bão số 3, Ba Vì đã cho di dời chỗ ở của 2 hộ gia đình thuộc thôn Cao Cương, xã Đông Quang bị ảnh hưởng do sạt lở bờ sông; hỗ trợ 20 triệu đồng để các gia đình tạm thời ổn định cuộc sống. Lực lượng chức năng huyện cũng đã gia cố khắc phục sạt lở bờ sông Hồng, thuộc địa phận xã Đông Quang và kiểm tra các vị trí sạt lở thuộc địa bàn các xã Cổ Đô, Minh Châu để kịp thời có biện pháp khắc phục. Các xã, thị trấn đều cử lực lượng ứng trực 24/24 nhằm kịp thời phát hiện, xử lý khi xảy ra sự cố. Phòng Kinh tế huyện cũng phối hợp với các xã tiếp tục thống kê thiệt hại thực tế để có biện pháp hỗ trợ khôi phục sản xuất, đồng thời hướng dẫn bà con nông dân cách chăm sóc lúa, hoa màu sau ngập úng.
* Cùng với phục hồi diện tích sản xuất nông nghiệp bị ngập úng, huyện Thanh Oai ban hành công văn yêu cầu cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương của huyện tích cực triển khai thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng đại trà phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm mùa mưa bão.
Theo đó, cùng với tăng cường tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh để nhân dân và hộ chăn nuôi biết, chấp hành tốt đợt tổng vệ sinh tiêu độc môi trường. Trong đó: Tập trung tại chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, nơi thu gom rác thải trong khu dân cư, chợ buôn bán động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt chú trọng vùng bị ngập úng và mật độ chăn nuôi cao.
Huyện Thanh Oai cũng chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn thực hiện việc thu gom vỏ lọ, bao bì đựng hóa chất sát trùng để tiêu hủy đúng quy định không gây ô nhiễm môi trường...
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, ngay sau khi nước lũ rút, các xã có diện tích đất nông nghiệp bị ngập úng, nhân dân đã tập trung khôi phục sản xuất.
* Để hướng dẫn các địa phương chủ động tiêu diệt mầm bệnh, phòng ngừa dịch bệnh gia súc, gia cầm sau mưa lũ, Chi cục Thú y Hà Nội vừa ban hành công văn triển khai tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng. Theo đó, đối tượng vệ sinh, tiêu độc khử trùng tập trung ở những nơi nguy cơ tiểm ẩn mầm bệnh cao, như: Khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm tại của nông hộ và gia trại chăn nuôi; các chợ, tụ điểm có kinh doanh, buôn bán động vật, sản phẩm động vật ở dạng tươi sống; khu vực chôn lấp, xử lý, tiêu hủy động vật mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh; khu vực thu gom rác thải, chất thải có nguồn gổc từ động vật và sản phẩm động vật; tại các trạm, chốt kiểm dịch động vật, phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Các nơi nguy cơ cao có liên quan đến dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gia súc, gia cầm cần phải vệ sinh tiêu độc khử trùng.
* Sáng 2-8, đoàn công tác của ngành Y tế Thủ đô do ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác đáp ứng y tế, bảo đảm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân ở vùng ngập úng tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quốc Oai.
Trước tình hình ngập úng kéo dài tại nhiều xã trên địa bàn huyện, Bệnh viện Đa khoa huyện Quốc Oai đã dành riêng từ 20 đến 30 giường bệnh để phục vụ công tác cấp cứu, chăm sóc sức khỏe, điều trị cho người dân vùng ngập úng.
Bên cạnh đó, bệnh viện đã tăng cường cán bộ y tế túc trực 24/24 giờ, bảo đảm đủ cơ số thuốc và các điều kiện phục vụ công tác sơ cứu, cấp cứu và khám, chữa các bệnh trong mùa mưa lũ liên quan đến da, mắt, đường tiêu hóa, bệnh do rắn cắn và tai nạn thương tích (điện giật, đuối nước…).
Ngoài việc kiểm tra công tác đáp ứng y tế, đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội còn đi kiểm tra bếp ăn tập thể của Bệnh viện Đa khoa huyện Quốc Oai. Tại thời điểm kiểm tra, dù bếp ăn của bệnh viện khá khang trang nhưng việc sắp xếp, bố trí chưa ngăn nắp, chưa tuân thủ đầy đủ quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm.
Ông Đỗ Huy Chiến, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết, cùng với việc bảo đảm an toàn đê điều trên địa bàn, huyện rất chú trọng chăm lo đến đời sống dân sinh ở các thôn bị ngập nặng, cô lập. Huyện đã thăm hỏi, tặng quà cho 472 hộ gia đình bị ngập úng thuộc các xã: Cấn Hữu, Phú Cát và Liệp Tuyết.
Công tác bảo đảm vệ sinh môi trường được triển khai quyết liệt. Tại các xã bị ảnh hưởng bởi mưa lũ đều tổ chức thu gom rác thải, nước rút đến đâu vệ sinh môi trường đến đó. Tuy nhiên, do số lượng rác quá lớn nên công tác thu gom gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, UBND huyện chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện cùng các lực lượng chức năng đồng loạt ra quân hỗ trợ các xã thu gom rác thải tại các vùng ngập úng.
Trung tâm Y tế huyện đã tiến hành xử lý tiêu hủy xác động vật chết, phun thuốc khử trùng bảo đảm sức khỏe cho nhân dân; địa điểm nào có rác trôi dạt vào gần đường giao thông, khu dân cư đều được các lực lượng chức năng trên địa bàn các xã và huyện thu gom. Trong đợt mưa úng này, lực lượng chức năng đã thu vớt hàng trăm tấn rác thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh cho nhân dân vùng ngập úng.
Chỉ tính riêng 10 ngày cao điểm ra quân thu vớt rác,từ ngày 24-7 đến ngày 2-8, tại các xã ngập nặng như: Tuyết Nghĩa, Liệp Tuyết, Cấn Hữu, Đông Yên (huyện Quốc Oai) đã thu gom hàng trăm trăm tấn rác. Mỗi xã huy động từ 200 đến 500 người, với lực lượng nòng cốt là đoàn viên thanh niên, các cấp hội đoàn thể tại địa phương tham gia thu vớt rác thải trôi trên mặt nước. Trong khó khăn, nhiều doanh nghiệp cũng đã hỗ trợ chính quyền và nhân dân trên địa bàn xe tải, máy móc để thu gom, vận chuyển rác giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh tại khu vực ngập úng.
Đến 17h ngày 2-8, mực nước sông Đáy, sông Tích chảy qua huyện Quốc Oai là 8,6m, giảm 10cm so với ngày 1-8. 9 trạm bơm tiêu trên địa bàn huyện vẫn đang hoạt động hết công suất để bơm nước trong đồng ra sông, giảm tối đa thiệt hại cho các trang trại chăn nuôi, vườn cây ăn quả, lúa, hoa màu…
Ông Tạ Đình Quý, Chủ tịch UBND xã Đông Yên chia sẻ: “Đến nay địa phương đã kiểm soát được sự cố về đê, kè, xã cũng không còn hộ dân nào bị ngập và cô lập. Tuy nhiên chúng tôi vẫn duy trì tối đa lực lượng để sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp khi mưa lớn tiếp tục xảy ra”.
Theo ông Quý, mực nước trên các xứ đồng của xã đã giảm so với ngày 1-8 nhưng chưa thấm vào đâu, toàn bộ diện tích trong đồng và ngoài bãi vẫn mênh mông nước, nên toàn bộ lực lượng dân quân của xã vẫn thường trực 24/24 giờ để chủ động ứng phó với thiên tai.