Giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát

Kinh tế - Ngày đăng : 06:50, 02/08/2018

(HNM) - Chiều 1-8, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7-2018 để thông tin về tình hình kinh tế - xã hội và những vấn đề được dư luận quan tâm.

Bốn mục tiêu cơ bản của kinh tế vĩ mô vẫn bảo đảm: Tăng GDP; ổn định giá cả; tăng việc làm, giảm thất nghiệp và xuất khẩu ròng. Mục tiêu lớn nhất trong thời gian tới vẫn là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, củng cố niềm tin xã hội, niềm tin thị trường, niềm tin doanh nghiệp.

Ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố niềm tin xã hội, doanh nghiệp là mục tiêu từ nay đến hết năm.


Kinh tế vĩ mô ổn định


Mở đầu buổi họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết trong hai ngày 31-7 và 1-8, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 7-2018 bàn về xây dựng thể chế và nhiều nội dung cấp bách về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2018. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, tập thể Chính phủ đã rà soát lại toàn bộ chỉ tiêu, mục tiêu đề ra. Mặt khác, phương án cơ cấu lại nền kinh tế, cải cách thể chế là vấn đề cũng đã được bàn tính kỹ.

Chính phủ nhận định, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, tình hình kinh tế - xã hội trong nước vẫn duy trì xu thế tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt. Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) sau hai tháng liên tiếp tăng cao, song Chính phủ đã có sự chỉ đạo quyết liệt trong điều hành giá, bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Nhờ đó, CPI tháng 7 đã giảm nhẹ 0,09% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng, CPI bình quân tăng khoảng 3,45% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. Đáng mừng hơn nữa, cả nước có gần 75.800 doanh nghiệp được thành lập, với số vốn đăng ký đạt 771 nghìn tỷ đồng, tăng 3,9% về số doanh nghiệp và 6,4% về số vốn so với cùng kỳ…

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với các thách thức. Nổi bật nhất là sức ép về lạm phát vẫn tiếp tục hiện hữu do các nguyên nhân bên ngoài như, giá dầu thô tiếp tục tăng cao kéo theo giá cả hàng hóa cơ bản thế giới tăng cao; tình hình thiên tai diễn biến phức tạp gây nhiều tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã truyền đạt lại ý kiến kết luận phiên họp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đó là, cần tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng, giữ đà cho tăng trưởng, không chỉ năm nay mà cả các năm 2019, 2020. Mục tiêu lớn nhất vẫn là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, củng cố niềm tin xã hội, niềm tin thị trường, niềm tin doanh nghiệp.

Đề cập những vấn đề cụ thể, Thủ tướng yêu cầu ổn định tỷ giá VND theo mức linh hoạt 2% so với cuối năm 2017. Không thay đổi chính sách tiền tệ đã đề ra từ đầu năm. Không chạy trước đón đầu biến động thị trường tài chính quốc tế khi chưa có yếu tố tác động cụ thể. Về tiến độ cổ phần hóa, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng yêu cầu công khai danh sách địa phương chậm trễ và giao nhiệm vụ cho Tổ công tác của Thủ tướng trực tiếp làm việc, đôn đốc những địa phương có nhiều doanh nghiệp, nhưng chậm trễ trong sắp xếp, cổ phần hóa.

Nhận định việc nhập nhiều rác thải là kéo lùi sản xuất, Thủ tướng yêu cầu cần kiểm soát tốt biên giới, ngăn chặn hiệu quả hàng công nghệ thấp ồ ạt vào Việt Nam. Thủ tướng giao Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan khẩn trương phân loại, giải tỏa hàng nghìn container phế thải đang nằm tại các cảng biển Việt Nam. Bộ Công an điều tra, xử lý nghiêm các vi phạm, yêu cầu thanh tra việc cấp phép nhập khẩu rác thải, chất thải vào Việt Nam thời gian qua; hạn chế tối đa việc nhập phế liệu vào Việt Nam, trừ phế liệu hết sức cần thiết cho sản xuất.

Về công tác phòng, chống thiên tai, bão lũ, Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ có liên quan cần có chương trình sát sao cảnh báo thiên tai, xử lý nghiêm hành vi phá rừng; tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn các hồ chứa, hồ thủy điện. Mỗi hồ phải có người chịu trách nhiệm vận hành, điều tiết…

Giải đáp nhiều vấn đề “nóng”

Sẽ thanh tra việc cấp phép nhập khẩu phế thải.


Tại cuộc họp báo, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, quản lý tiền ảo, hạn chế căng thẳng tỷ giá; ngăn chặn hàng hóa Trung Quốc tràn vào Việt Nam; công tác cán bộ… được báo giới đặc biệt quan tâm.

Liên quan đến việc Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Công an và Thượng tướng Trần Việt Tân, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an…, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã thông tin thêm, với Thượng tướng Trần Việt Tân, Bộ Chính trị đã quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Công an Trung ương nhiệm kỳ 2011-2016; khi đã cách chức này sẽ không còn nguyên Thứ trưởng Công an.

Tương tự, trường hợp Trung tướng Bùi Văn Thành, Bộ Chính trị đã cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng. Việc kỷ luật về mặt hành chính đối với Thứ trưởng Bùi Văn Thành sẽ có xử lý tương xứng, đương nhiên không còn chức Thứ trưởng Bộ Công an. "Các công việc tiếp theo đang được tiến hành theo đúng quy trình và sẽ sớm công bố để nhân dân biết" - đồng chí Mai Tiến Dũng nói.

Về căng thẳng tỷ giá và giải pháp can thiệp thị trường của cơ quan quản lý tiền tệ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, tỷ giá trung tâm vừa qua tăng 1,1% so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên, diễn biến tăng tỷ giá hiện nay vẫn nằm trong tầm kiểm soát, phù hợp với diễn biến xu hướng các đồng tiền trên thế giới, khu vực.

Trước diễn biến Trung Quốc đang giảm giá mạnh đồng nhân dân tệ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhìn nhận, đây là vấn đề đáng lưu ý trong điều hành tiền tệ. Song, trong điều hành tỷ giá Ngân hàng Nhà nước không chỉ nhìn vào diễn biến một đồng tiền mà nhìn vào diễn biến nhiều đồng tiền khác nhau với mục tiêu điều hành chung là linh hoạt, chặt chẽ, ổn định giá trị tiền tệ, kinh tế vĩ mô.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai: Trong số 750 doanh nghiệp cổ phần hóa, mới đưa lên sàn chứng khoán được 150 doanh nghiệp. Trong cuộc họp gần đây nhất, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chỉ đạo các bộ chủ quản và các địa phương phải rà soát, sắp xếp tất cả doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa, khi đủ điều kiện phải niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Hà Phong