Chủ động kiềm chế lạm phát

Kinh tế - Ngày đăng : 07:11, 03/08/2018

(HNM) - Dù còn 5 tháng nữa mới hết năm kế hoạch 2018 nhưng vấn đề kiểm soát, kiềm chế lạm phát sao cho tăng không quá 4% cả năm là mục tiêu hàng đầu trong công tác điều hành kinh tế vĩ mô.

Việc giảm giá nhiều dịch vụ y tế đã góp phần giảm CPI tháng 7 của cả nước. Ảnh: Bá Hoạt


Trước hết cần khẳng định, dư địa còn lại cho chỉ tiêu lạm phát không còn nhiều và điều đó đồng nghĩa với việc áp lực lạm phát đang hiện diện, gây sức ép cho các hoạt động điều hành chỉ đạo liên quan. Vì thế, các cơ quan quản lý cần quan tâm thỏa đáng, kịp thời để chủ động kiểm soát diễn biến thực tế và ứng phó phù hợp. Đó là sự xuất hiện bất ngờ về thiên tai, tình huống bất khả kháng này nếu xảy ra sẽ tạo điều kiện cho giá của nhóm hàng ăn và lương thực, thực phẩm tăng lên...

Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), hiện tại vẫn có thể không quá lo ngại về sự đe dọa CPI sẽ vượt ngưỡng kiểm soát. Thực tế cho thấy, sản xuất nông nghiệp nói chung và khả năng cung ứng nông, thủy sản đang trong tình trạng dồi dào. Việc bảo đảm về sản lượng đầu vào là yếu tố tiên quyết để bảo đảm giữ ổn định giá, thậm chí còn là giảm giá nông sản; từ đó triệt tiêu mầm mống tăng giá của nhóm hàng ăn và lương thực, thực phẩm.

Trong một diễn biến mới, Tổng cục Thống kê vừa công bố CPI tháng 7 của cả nước đã giảm 0,09% so với tháng trước dưới tác động từ việc giảm giá của nhóm giao thông, y tế và bưu chính viễn thông. Như vậy, sự chỉ đạo điều hành giá theo hướng giảm bớt áp lực chi phí đối với nhóm y tế, dược phẩm cũng như chủ động sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu của Chính phủ đang phát huy tác dụng. Thực tế này cũng nhóm lên niềm tin, CPI có thể diễn biến theo hướng "đi ngang" hoặc giảm trong thời gian tới khi có biện pháp phù hợp và triển khai một cách hiệu quả.

Tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 1-8 về tình hình KT-XH tháng 7, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, mặc dù CPI tăng khá cao trong tháng trước nhưng tháng 7 đã giảm nhẹ vì Chính phủ đã có sự chỉ đạo quyết liệt trong điều hành giá, bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra... Mặt khác, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo các bộ, ngành quán triệt yêu cầu cân nhắc lộ trình tăng giá với một số mặt hàng, theo hướng bảo đảm ổn định giá tiêu dùng. Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu không tăng giá điện cũng như sử dụng chi Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu một cách tỉnh táo, linh hoạt để khống chế giá xăng, dầu.

Đến nay Ban Chỉ đạo điều hành giá Chính phủ gồm đại diện Bộ Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Y tế, Tổng cục Thống kê đang duy trì họp định kỳ theo quý, nhưng cũng sẵn sàng họp khẩn nếu có tình huống mới xảy ra để tìm cách ứng phó, kiềm chế lạm phát. Hiện các cơ quan chức năng đã đưa ra 3 kịch bản về CPI, trong đó có 2 kịch bản CPI sẽ tăng thấp hơn 4%. Kịch bản thứ 3 là CPI bình quân cả năm có thể tăng trên 4% - khi giá xăng, dầu và lương thực, thực phẩm có thể cùng tăng mạnh ngoài mong muốn, khiến việc điều hành bị động.

Từ thực tiễn trên, vấn đề được đặt ra là làm sao để đối phó hữu hiệu với kịch bản thứ 3 (nếu xảy ra). Ban Chỉ đạo điều hành giá sẽ theo sát các diễn biến, kịp thời can thiệp để ngăn chặn việc tăng giá bất hợp lý, vận động người dân chủ động tăng gia sản xuất, tái đàn lợn, tăng cường khai thác thủy sản... bảo đảm nguồn cung ra thị trường. Bên cạnh đó, nếu giá xăng, dầu giảm thì tranh thủ tăng mức trích nộp vào Quỹ Bình ổn xăng, dầu cũng như kết hợp giảm giá bán lẻ xăng, dầu. Cuối cùng, cộng đồng doanh nghiệp cần thực hành tiết kiệm, giảm thiểu nhập khẩu và chủ động trở thành bạn hàng - khách hàng của nhau nhằm thúc đẩy hoạt động trao đổi hàng hóa giữa các đơn vị, tạo sự ổn định về giá. Tất cả để góp phần hiện thực hóa mục tiêu kiểm soát, ổn định CPI...

Hồng Sơn