Không gian khu đô thị mới và làng xóm đô thị hóa: Còn thiếu sự kết nối
Bất động sản - Ngày đăng : 06:30, 03/08/2018
Hoài Đức là một trong những địa phương có nhiều khu đô thị mới thiếu kết nối với hạ tầng chung. Ảnh: Bá Hoạt |
Phát triển thiếu gắn kết
Trận mưa lớn kéo dài từ chiều tối 20-7, rạng sáng 21-7 và chiều 31-7, ngày 1-8 đã khiến nhiều đoạn đường, khu vực dân cư, khu đô thị ở khu vực phía Tây Hà Nội lại ngập nặng. Đáng chú ý là “làng” biệt thự triệu đô với hàng loạt dãy nhà phố liền kề, biệt thự thuộc khu đô thị mới Lê Trọng Tấn - Geleximco đã bị úng ngập. Khu đô thị này nằm chủ yếu trên địa bàn huyện Hoài Đức và một phần của quận Hà Đông, dọc 2 bên đường Lê Trọng Tấn nối từ Đại lộ Thăng Long, có diện tích 135ha. Mặc dù đã đưa vào sử dụng nhiều năm nay nhưng người dân ở đây cho rằng, chủ đầu tư chỉ lo xây nhà, mà “quên” triển khai đồng bộ hạ tầng, hệ thống thoát nước chung nên cứ mưa to là ngập.
Thực tế, không riêng gì khu đô thị mới Lê Trọng Tấn - Geleximco, tại một số quận, huyện và khu vực chuyển từ nông thôn lên đô thị như: Hoàng Mai, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức,… đã và đang tồn tại một số hệ quả của sự phát triển lệch, thiếu tính kết nối đồng bộ giữa khu đô thị mới và làng xóm hiện hữu. Tại quận Hoàng Mai, Khu đô thị Linh Ðàm được xem như một dự án có mật độ dân cư thuộc tốp đông nhất của Hà Nội, thường xuyên ùn tắc do hạ tầng giao thông chưa được đầu tư bài bản. Tình trạng ùn tắc “như cơm bữa” vào giờ cao điểm buổi sáng và chiều cũng xảy ra dọc hai bên tuyến đường ven sông Tô Lịch, đoạn nút giao với các cây cầu bắc qua sông nối giữa hai khu dân cư dọc tuyến phố Khương Trung và Khương Đình (Thanh Xuân).
Theo GS.TS.KTS Đỗ Hậu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do phần lớn đồ án quy hoạch chi tiết các khu đô thị mới chủ yếu chỉ được nghiên cứu và thực hiện trong phạm vi ranh giới dự án (được giao đất), mà thiếu sự cập nhật, trao đổi thông tin với những không gian lân cận, nhất là với quy hoạch hạ tầng chung nên dẫn đến sự thiếu gắn kết giữa hai không gian.
Sự thiếu gắn kết này thể hiện trước hết là thiếu kết nối giao thông giữa khu đô thị mới và làng xóm đô thị hóa như không có sự ổn định của hoạt động đi lại, thiếu bổ sung các điểm giao thông tĩnh, các giao cắt không hợp lý. Đó còn là tình trạng tương phản về kiến trúc và công trình xây dựng, kéo theo cảnh quan tại khu vực giáp ranh giữa khu đô thị mới và làng xóm đô thị hóa thiếu thẩm mỹ. Trong nhiều khu vực giáp ranh không có tuyến giao thông phân cách mà được xây dựng các dãy nhà quay lưng, áp sát với khu dân cư làng xóm hiện có nhằm tận dụng quỹ đất được giao cho xây dựng đô thị mới, tạo ra môi trường xây dựng lộn xộn.
Đâu là giải pháp?
Phát triển thiếu gắn kết giữa không gian kiến trúc với hạ tầng đã gây ngập úng đường Quang Trung (quận Hà Đông). Ảnh: Bá Hoạt |
Cùng với tiến trình đổi mới phát triển kinh tế - xã hội, mức độ đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ lớn, kéo theo sự gia tăng dân số tự nhiên. Tại Hà Nội, sự phân định lại ranh giới nội thành Hà Nội qua các sự kiện: Thành lập quận Thanh Xuân và Cầu Giấy (năm 1996), quận Long Biên và Hoàng Mai (năm 2003), quận Hà Đông (năm 2009), quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm (năm 2013) đã chứng minh quá trình chuyển hóa từ nông thôn lên đô thị diễn ra ở vùng ven đô Hà Nội rất mạnh mẽ.
Đô thị mở rộng là xu hướng tất yếu mang tới nhiều điều kiện tốt hơn cho người dân. Song, bên cạnh đó có những tác động tiêu cực tới đời sống nông dân tại các làng xóm đô thị hóa, tới môi trường đô thị, cũng như nảy sinh nhiều vấn đề trong quy hoạch và quản lý sử dụng đất đai.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, theo Nghị định 11/2013/NĐ-CP ngày 14-1-2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị, khi thực hiện các dự án phát triển đô thị mới, chủ đầu tư phải có trách nhiệm xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội bảo đảm đồng bộ với hệ thống hạ tầng khu vực xung quanh, phù hợp với tiến độ thực hiện dự án đã được phê duyệt. Nghị định cũng nêu rõ: Bảo đảm kết nối tạm thời giữa hạ tầng kỹ thuật trong khu vực dự án với hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài phạm vi dự án trong trường hợp hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài phạm vi dự án chưa được đầu tư theo đúng quy hoạch được duyệt. Tuy nhiên, không ít chủ đầu tư chỉ lo xây dựng nhà ở để bán, nên đã “lờ” trách nhiệm.
Giải quyết tình trạng này, kiến trúc sư Nguyễn Huy Khanh - Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (Bộ Xây dựng) cho rằng, ngay từ bước lập, phê duyệt dự án, các ngành chức năng cần có chế tài bắt buộc các chủ đầu tư dự án nhà ở phải có đủ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và có quy chế quản lý rõ ràng.
Bàn giải pháp khắc phục những tồn tại về sự thiếu khớp nối tại các khu đô thị hiện nay, Tiến sĩ Lê Xuân Hùng, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đề xuất một số giải pháp. Đó là cần cơ cấu phân bố chức năng tại khu vực giáp ranh, thực hiện bổ sung nhóm chức năng hoàn chỉnh cấu trúc đô thị là một số công trình hạ tầng xã hội: Cây xanh, sân chơi… ở quy mô cấp khu vực; đồng thời thêm nhóm chức năng tạo động lực phát triển gồm: Thương mại dịch vụ, nhà ở hỗn hợp, các tuyến đường giao thông được thiết lập bổ trợ. Giải pháp tổ chức mạng lưới kết nối giao thông theo cấu trúc khép kín và liên hoàn, đa dạng hóa các cấp độ đường giao thông, mở rộng cải tạo ngõ, đường nhánh tiếp cận tới tuyến trục chính cũng rất cần được tính đến. Bên cạnh đó, có thể áp dụng giải pháp kiểm soát kiến trúc công trình, thiết lập chuyển tiếp về chiều cao xây dựng, thiết kế hợp khối và tách khối công trình xây dựng; Tổ chức không gian mở có tính gắn kết, chia sẻ nhiều hoạt động như điểm dừng đỗ xe, vui chơi, tập luyện thể thao...