Quan trọng là hậu kiểm

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:09, 04/08/2018

(HNM) - Nghị định số 81/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại (có hiệu lực từ ngày 15-7-2018) cho phép doanh nghiệp được khuyến mãi, giảm giá 100% giá trị hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp tổ chức các chương trình tập trung (theo giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mãi, giảm giá). Đặc biệt, hàng hóa thực hiện chính sách bình ổn giá của Nhà nước, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp giải thể, phá sản, thay đổi ngành nghề… sẽ không phải áp hạn mức giảm giá tối đa khi khuyến mãi.


Ngay khi Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ban hành, nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp nhận xét, so với dự thảo nghị định đưa ra lấy ý kiến trước đó, quy định trần hạn mức khuyến mãi đã được nâng từ 70% lên 100% cho thấy cơ quan soạn thảo đã lắng nghe, tiếp thu góp ý của dư luận. Sự “cởi mở” này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, thay đổi mẫu mã, thu hồi vốn và chủ động hơn trong tổ chức các chương trình khuyến mại, giảm giá phục vụ người tiêu dùng. Từ đó, hàng hóa vận động trên thị trường hiệu quả hơn, dòng tiền của doanh nghiệp thông thoáng hơn.

Về phía người tiêu dùng, khi hạn mức khuyến mãi, giảm giá được nâng lên tối đa 100% giá trị hàng hóa, dịch vụ, rõ ràng nhiều người, nhất là khách hàng thu nhập thấp, sẽ được hưởng lợi hơn; mua được những sản phẩm tốt với mức giá rẻ nhất.

Trên thực tế, hoạt động khuyến mãi, giảm giá không còn xa lạ với người tiêu dùng, nhất là trong mùa cao điểm mua sắm cuối năm. Các trung tâm thương mại, siêu thị điện máy, cửa hàng thời trang hay các trang bán hàng trực tuyến là nơi thường xuyên tổ chức chương trình khuyến mãi lớn, dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên cũng từ đó nảy sinh vi phạm quy định về thực hiện khuyến mãi, mà điển hình là tình trạng trà trộn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; là tình trạng khuyến mãi ảo, khuyến mãi giả… Cùng với đó, không ít doanh nghiệp tự ý vượt khung hạn mức khuyến mãi, giảm giá; thậm chí nhiều doanh nghiệp đa quốc gia đầu tư tại Việt Nam, với tiềm lực tài chính lớn đã đưa ra mức khuyến mãi, giảm giá sâu để cạnh tranh không lành mạnh, chiếm lĩnh thị trường, ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhỏ trong nước.

Vì thế, khi quy định càng “cởi mở” tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh thì công tác giám sát, hậu kiểm của cơ quan quản lý nhà nước cũng phải chặt chẽ hơn. Trong đó, đối với hoạt động khuyến mãi, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là bảo đảm bình ổn thị trường; bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng; bảo đảm môi trường kinh doanh, cạnh tranh công bằng, lành mạnh.

Trước hết, cơ quan chức năng làm tốt công tác quản lý đăng ký hoạt động khuyến mãi (như giá cũ - giá mới, chất lượng hàng hóa…) từ đó giám sát việc bán hàng của doanh nghiệp đăng ký. Việc cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước đứng ra tổ chức các chương trình khuyến mãi tập trung (như hội chợ khuyến mại, tuần khuyến mãi…) vừa là cách kiểm soát, quản lý hoạt động khuyến mãi của doanh nghiệp tốt hơn, vừa là cầu nối giúp người tiêu dùng đến với sản phẩm có chất lượng của doanh nghiệp.

Trường hợp phát hiện khuyến mãi ảo, trà trộn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, cơ quan quản lý phải xử lý nghiêm; đồng thời công khai danh tính đơn vị vi phạm để người tiêu dùng biết, tẩy chay.

Tiếp đó, các doanh nghiệp nêu cao trách nhiệm với người tiêu dùng, không đánh đổi thương hiệu, uy tín, niềm tin của người tiêu dùng vào những chiêu trò này.

Cuối cùng, người tiêu dùng cần lên án mạnh mẽ đối với những doanh nghiệp vi phạm khuyến mãi; cung cấp ngay thông tin đơn vị gian dối cho cơ quan chức năng xử lý thay vì chọn cách im lặng, bởi sự im lặng là tiếp tay cho doanh nghiệp tiếp tục hành vi gian dối.

Rõ ràng, việc giám sát, hậu kiểm của cơ quan quản lý và người tiêu dùng có ý nghĩa vô cùng quan trọng để hoạt động khuyến mãi bảo đảm công khai, khách quan, công bằng. 

Gia Khánh