Loại bỏ tư tưởng “viên chức suốt đời”
Xã hội - Ngày đăng : 06:22, 05/08/2018
Cơ cấu viên chức chưa hợp lý, năng suất lao động thấp
- Luật Viên chức số 58/2010/QH12 được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 15-11-2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2012, tính đến nay đã được hơn 6 năm. Xin ông cho biết những ưu điểm chính của Luật Viên chức trong quá trình thực hiện?
Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức Trương Hải Long. |
- Luật Viên chức đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong công tác xây dựng, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước đối với đội ngũ viên chức, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước. Căn cứ quy định của Luật Viên chức, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hơn 30 văn bản; các bộ, ngành ban hành hơn 90 văn bản liên quan để hoàn thiện thể chế quản lý viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Cùng với đó, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành thể hiện rõ tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, đề cao trách nhiệm, thẩm quyền của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập. Thực tiễn cho thấy, đây là bước đi quan trọng để đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, thực hiện hạch toán độc lập, tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng điều hành các đơn vị sự nghiệp công lập.
Hiện nay, số lượng viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước khoảng 2 triệu người. Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2021 giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015; đến năm 2025 tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021; đến năm 2030 chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu; giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025.
- Bên cạnh những ưu điểm, Luật Viên chức cũng đã bộc lộ những bất cập, chồng chéo về chế độ, chính sách. Trong quá trình tổng kết, đánh giá luật, Bộ Nội vụ nhìn nhận vấn đề này thế nào, thưa ông?
- Như tôi đã nói, từ khi Luật Viên chức được ban hành, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa các nội dung của luật. Điều này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, bởi vì viên chức hoạt động trong rất nhiều ngành, nghề, lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém cũng như không ít những khó khăn, thách thức phải vượt qua. Hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp còn cồng kềnh, manh mún, phân tán, chồng chéo; chi tiêu ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập còn quá lớn.
Đặc biệt là cơ cấu đội ngũ cán bộ, viên chức chưa hợp lý, chất lượng chưa cao, năng suất lao động thấp… Nghị quyết số 19-NQ/TƯ đã chỉ rõ những hạn chế, yếu kém nêu trên chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan. Việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực sự nghiệp công còn chậm, chưa đầy đủ, đồng bộ và phù hợp với tình hình. Nhiều cấp ủy Đảng, lãnh đạo và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nhận thức chưa đầy đủ, thiếu quyết tâm chính trị, thiếu quyết liệt và đồng bộ trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện đổi mới, sắp xếp lại, quản lý biên chế các đơn vị sự nghiệp công lập...
Trên cơ sở đó, Nghị quyết số 19-NQ/TƯ đề ra các nhiệm vụ, giải pháp tổng thể về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập; quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập...
Do vậy, một số nội dung của Luật Viên chức không còn phù hợp, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung như: Quy định về cơ cấu tổ chức quản lý hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập và chính sách xây dựng, phát triển đơn vị sự nghiệp công lập; quy định những người làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập là công chức, nhưng không thực hiện việc giao biên chế, áp dụng chế độ, chính sách và cơ chế quản lý như công chức; quy định về việc thực hiện ký hợp đồng có thời hạn với viên chức mới được tuyển dụng...
Thêm nữa, quy định về chuyển đổi giữa cán bộ, công chức sang viên chức, giữa viên chức ở đơn vị này sang đơn vị khác, giữa viên chức sang công chức chưa tạo được sự liên thông, nhất quán; một số quy định về đánh giá, kỷ luật viên chức cũng cần được điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn.
Phân cấp, giao quyền gắn với làm rõ trách nhiệm
- Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức có những điểm mới gì để khắc phục những bất cập trên, thưa ông?
- Trong lần sửa đổi, bổ sung này, Bộ Nội vụ đề xuất đẩy mạnh phân cấp, giao quyền cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trên 3 lĩnh vực: Về chuyên môn, nghiệp vụ; về số lượng người làm việc, vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp; về áp dụng khoa học, kỹ thuật. Để đạt được yêu cầu này cần tách bạch giữa cán bộ, công chức và viên chức, theo đó không tiếp tục quy định đội ngũ lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập là công chức (trừ các đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước).
Quy định về hình thức hợp đồng làm việc phù hợp với viên chức; đồng thời cải tiến các quy định về chế độ tập sự, quyền, nghĩa vụ của viên chức trên cơ sở bảo đảm bình đẳng giữa người lao động và người sử dụng lao động, loại bỏ tư tưởng “viên chức suốt đời”, thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, “có vào, có ra”, quyền lợi đi đôi với trách nhiệm...
Bảo đảm thực hiện liên thông trong công tác cán bộ giữa các đơn vị sự nghiệp công lập, giữa cơ quan nhà nước với đơn vị sự nghiệp công lập và ngược lại trên nguyên tắc: Công tác cán bộ là công tác của Đảng; giảm thủ tục hành chính; bảo đảm chế độ, chính sách cho người được luân chuyển, điều động.
Ngoài ra, chúng tôi còn đề xuất bổ sung quy định kỷ luật đối với viên chức có hành vi vi phạm pháp luật, kể cả khi đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác để loại bỏ tâm lý “hạ cánh an toàn”, tình trạng trước khi nghỉ hưu ký một loạt các quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm như đã xảy ra.
- Thực tế tại nhiều đơn vị sự nghiệp có tình trạng cán bộ, viên chức không đảm đương được công việc, lãnh đạo không dám giao việc cho họ nhưng họ cũng không vi phạm kỷ luật nên cơ quan khó xử lý. Ông đánh giá thế nào về tình trạng này?
- Luật Viên chức đã có quy định về việc cán bộ, viên chức nếu 2 năm bị đánh giá phân loại ở mức độ không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ bị buộc thôi việc. Tuy nhiên, công tác đánh giá hiện nay vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất kết quả thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, viên chức do chúng ta chưa có tiêu chí, cơ chế hiệu quả để đánh giá đúng cán bộ, viên chức, tạo động lực bảo vệ cán bộ; trong đánh giá còn nể nang, né tránh, ngại va chạm. Chúng ta cũng chưa có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người yếu kém, uy tín thấp, làm việc không hiệu quả... Vì vậy, ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị đã xảy ra hiện tượng như trên.
Để khắc phục, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 89-QĐ/TƯ ngày 4-7-2017 về “Khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp” và tại Nghị quyết số 26-NQ/TƯ Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đã xác định một trong năm giải pháp đột phá trong công tác cán bộ là đổi mới công tác đánh giá cán bộ. Hiện nay, Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này.
- Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị TP Hà Nội. Điều này có phù hợp với nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức không, thưa ông?
- Một trong những giải pháp đột phá của công tác cán bộ là đổi mới đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm... Việc Thành ủy Hà Nội ban hành Quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị TP Hà Nội là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước hiện nay. Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu cách làm của Hà Nội để có thêm cơ sở thực tiễn khi đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian tới.
- Cũng có ý kiến cho rằng, bên cạnh việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, làm tốt đánh giá, phân loại viên chức; công tác tuyển dụng, thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức cũng cần được đổi mới để nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Nội vụ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến công tác tuyển dụng, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức theo hướng tổ chức thi tuyển thực chất, công khai, minh bạch, lựa chọn được người có năng lực, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu tổ chức thi; chuyển đổi sang cơ chế xét thăng hạng viên chức căn cứ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm và thành tích trong hoạt động nghề nghiệp của viên chức. Định hướng này được Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất trong quá trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức.
- Trân trọng cảm ơn ông!