Tìm sự hỗ trợ hóa giải bế tắc

Thế giới - Ngày đăng : 07:10, 05/08/2018

(HNM) - Ngày 3-8, Thủ tướng Anh Theresa May bất ngờ cắt ngắn kỳ nghỉ của mình tại Italia để tới Pháo đài Bregancon.

Anh đang cố gắng thuyết phục các nhà lãnh đạo EU tìm lối thoát cho các bế tắc đang cản trở tiến trình Brexit.


Chuyến thăm của người đứng đầu Chính phủ Anh diễn ra trong bối cảnh bản thân đảo quốc Sương mù đang vấp phải những bế tắc về Brexit, đặc biệt là sau khi hai bộ trưởng hàng đầu của nước này từ chức. Áp lực giờ đây đè nặng lên vai đương kim Thủ tướng T.May bởi chỉ còn vài tháng nữa thỏa thuận về việc Anh rời khỏi EU phải được chấp thuận về mặt nguyên tắc tại Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu (tháng 10-2018). Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh Mark Carney cho rằng, nhiều khả năng thỏa thuận Brexit sẽ không đạt được, bởi thời gian còn lại quá ngắn trong khi bất đồng lại quá nhiều.

Hiện tại, London vẫn chưa đạt được thỏa thuận về Brexit với các nhà đàm phán EU, bởi những rào cản như mối quan hệ thương mại giữa hai bên; biên giới Bắc Ireland của Anh và Cộng hòa Ireland (thành viên EU). Bên cạnh đó, những hợp tác về an ninh thời kỳ hậu Brexit ẩn chứa nhiều phức tạp. Tình hình càng bi quan hơn khi Trưởng đoàn đàm phán về Brexit của EU Michel Barnier mới đây đã thẳng thừng bác bỏ đề xuất của Thủ tướng Anh T.May về vấn đề ranh giới lãnh thổ, cũng như loại bỏ “biên giới cứng” có thể gây cản trở thương mại.

Rơi vào thế khó, London giờ đây coi việc tìm kiếm sự ủng hộ của từng lãnh đạo các quốc gia thành viên còn lại trong EU là hướng tiếp cận mới, tuy khó khăn nhưng có lẽ là khả thi nhất. Và đó là lý do Thủ tướng Anh T.May có cuộc gặp với Tổng thống Pháp E.Macron. Mặc dù nội dung cuộc gặp được giữ kín, cũng không có thông cáo chung nào được đưa ra nhưng nguồn tin từ Điện Elysee cho biết, hai nhà lãnh đạo đã có những thảo luận xoay quanh vấn đề Brexit, cũng như mối quan hệ trong tương lai giữa Anh và EU.

Chia sẻ thông tin với Báo Le Monde, nguồn tin này cũng phủ nhận thông tin Pháp là trở ngại chính đối với tiến trình Brexit, đồng thời tái khẳng định việc không thể đạt được thỏa thuận Brexit không phải là kịch bản mà Pháp và các thành viên EU mong muốn.

Về phần mình, EU cũng có những lý do để lo ngại đàm phán đổ vỡ. Nếu các bế tắc không được giải quyết, hai bên sẽ không thể tiến tới đàm phán về thương mại. Trong tình huống thỏa thuận thương mại không đạt được khi thời điểm Brexit diễn ra, khoản "phí ly hôn" trị giá 55 tỷ USD mà London dành cho Brussels sẽ "bốc hơi" hoàn toàn, đồng thời các nước thành viên khối này sẽ không thể tiếp cận được thị trường Anh.

Trong khi đó, việc không có thỏa thuận thương mại cụ thể đồng nghĩa rằng quan hệ kinh tế giữa Anh và các nước EU sẽ trở lại tuân thủ theo những quy định của Tổ chức Thương mại thế giới, vốn có lợi hơn cho London. Tuy nhiên, với kịch bản này, Anh sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn như doanh nghiệp Anh khó làm ăn trong EU, giá cả tiêu dùng nội địa tăng lên, thu nhập người dân giảm sút...

Theo nhận định của giới phân tích, cả Anh và EU đều đang lo ngại trước một "cuộc chia tay" mà không có thỏa thuận thương mại cụ thể, hay còn gọi là kịch bản "Brexit cứng". Bởi vậy, việc tìm ra lối thoát cho những bế tắc lúc này vô cùng cấp thiết, cần có sự đồng thuận ở cả hai phía. Và cuộc gặp của Thủ tướng Anh T.May với Tổng thống Pháp E.Macron được kỳ vọng sẽ hóa giải một phần những bế tắc đó.

Hoàng Linh