"Trái tim lầm lỡ để trên đầu"
Văn hóa - Ngày đăng : 07:55, 05/08/2018
Một cảnh trong vở “Chiếc áo thiên nga” |
Kịch bản này của tác giả Lê Duy Hạnh từng được đầu tư lớn, là một cú đột phá của sân khấu đề tài lịch sử khi được Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (TP Hồ Chí Minh) dàn dựng 10 năm trước với sự hoành tráng cả về kinh phí lẫn diễn viên.
Nhưng vở diễn khi ấy nhận nhiều ý kiến phàn nàn rằng kết hợp rời rạc nhiều loại hình nghệ thuật như opera, xiếc, múa…, lại thiếu “chất” cải lương vốn là thế mạnh của đơn vị nghệ thuật này. Cũng vì mức độ hoành tráng, sử dụng nhiều phương tiện kỹ thuật mà vở diễn ít được “sáng đèn”.
Năm 2013, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tái dựng vở này ngắn gọn, đúng phong cách cải lương hơn và đã thành công. Nhắc lại điều đó để khẳng định rằng, “Chiếc áo thiên nga” là một kịch bản tốt, phù hợp với nghệ thuật cải lương.
Chính vì thế, Nhà hát Cải lương Việt Nam và Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Quỳnh Mai đã chọn tiếp tục dàn dựng tác phẩm với mong muốn đem đến một phiên bản ấn tượng cho công chúng Thủ đô nơi Cổ Loa thành xưa, vốn là bối cảnh câu chuyện. Kịch bản “Chiếc áo thiên nga” lần này do Phan Ngọc Chi chuyển thể cải lương có lời ca mang màu sắc Bắc Bộ rõ nét.
Vở diễn mở màn với hình ảnh đội quân cung nỏ và tiếng trống hào khí của Thục Phán An Dương Vương nước Âu Lạc chiến thắng quân Nam Việt của Triệu Đà xâm lược. Chiêu bài đưa con trai Trọng Thủy sang cầu hôn Mỵ Châu với mưu đồ tìm ra bí quyết của đội quân cung nỏ và trống đồng, hòng chiếm Âu Lạc của Triệu Đà tuy thành công nhưng được kể khác với truyền thuyết.
Bởi ở đây, tác giả và đạo diễn đã nhấn vào chữ “tình” để lý giải câu chuyện bi thương. Trọng Thủy và Mỵ Châu thực sự yêu nhau. Tình yêu của họ quyến luyến không rời như đôi thiên nga chung thủy. Đến mức Trọng Thủy quên cả trọng trách được giao, bị bắt về nước, để lại chiếc áo thiên nga chan chứa tình yêu và lời hẹn thề trở lại đón Mỵ Châu.
Tác giả sử dụng hình ảnh lông thiên nga thay vì lông ngỗng như trong truyền thuyết và đạo diễn đã hóa giải trên sân khấu tài tình thông qua phông nền, những chiếc lông thiên nga gắn vào cung tên, vào áo choàng… ẩn hiện suốt vở diễn.
Trong vở diễn, tội đánh cắp bí quyết đội quân cung nỏ và trống đồng là một tay gian thần Nhan Tấn gây nên. Trọng Thủy, Mỵ Châu chỉ là hai nạn nhân bị xoáy vào mưu đồ chính trị. Trọng Thủy cũng đã lên tiếng phản đối việc phá vỡ hiệp ước hòa bình của vua cha và Mỵ Châu luôn tin tưởng chồng mình không phản bội lời thề hẹn.
Nhưng bi kịch vẫn xảy đến bởi “trái tim lầm lỡ để trên đầu” ấy của cả hai trong hoàn cảnh hai nước đối địch. Mỵ Châu rải lông thiên nga trên đường chạy trốn cùng vua cha để Trọng Thủy tìm nàng. Vua cha bắt được, nàng đành lấy thanh kiếm của cha tự vẫn để minh chứng cho sự trong sạch của mình… Những hình tượng trong truyền thuyết như thành Cổ Loa, ngọc trai, tượng mất đầu, giếng ngọc… đều được lý giải hợp tình, hợp lý trong tác phẩm. Mối tình Mỵ Châu - Trọng Thủy cũng tránh được hai chữ “oan nghiệt”.
Tuy thiên về chuyện tình yêu, nhưng trong vở diễn cũng chứa đựng được nhiều thông điệp. Đó là lời cảnh báo còn nguyên giá trị ở bất cứ thời đại nào: Chúng ta phải luôn cảnh giác, không được ngủ quên trong hòa bình mà vùi dần ý chí chiến đấu. Đó là nuôi dưỡng tình yêu nước và ý thức giữ gìn giá trị cha ông để lại.
Sân khấu vở diễn được thiết kế bục xoay hình dạng xoáy trôn ốc của thành Cổ Loa. Hình tượng cung tên, lông thiên nga hay trống đồng nhiều lúc do diễn viên hóa thân nên sân khấu sinh động, uyển chuyển và rất có hồn. Tác phẩm sẽ được công diễn phục vụ công chúng Hà Nội và một số tỉnh lân cận trong tháng 8 và 9.