Cấp thiết tìm giải pháp bền vững
Đời sống - Ngày đăng : 06:38, 05/08/2018
Cần những giải pháp căn cơ để khắc phục ngập lụt do lũ rừng ngang ở xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội). Ảnh: Phạm Thắng |
Lũ lớn, khả năng tiêu thoát chậm
Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai: Nguyên nhân gây úng ngập ở các huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức ngoài biến đổi khí hậu làm xuất hiện nhiều trận mưa lớn, còn do kết hợp với lũ rừng ngang từ tỉnh Hòa Bình dồn về. Lũ rừng ngang có xu hướng xuất hiện dày hơn sau mỗi trận mưa lớn, bởi rừng và thảm thực vật bị suy giảm. Khi lượng nước mưa không được giữ lại, hoặc sau thời gian mưa kéo dài, mặt đất ngậm đủ nước thì toàn bộ lượng nước sẽ đổ vào sông Tích, sông Bùi, gây ngập lụt các địa phương vùng hạ lưu.
Xét trên bình diện địa lý, lượng nước lớn dồn về huyện Chương Mỹ, Quốc Oai trong những ngày qua là do lượng mưa lớn ở rừng ngang và ở vùng núi thuộc tỉnh Hòa Bình đổ về sông Bùi. Lũ theo các nhánh suối đổ về sông Bùi và nước sông Bùi dâng cao đổ vào nhánh sông Đáy.
Trong khi đó, mưa lớn ở đầu nguồn Ba Vì, Quốc Oai dồn về sông Tích; nước sông Tích dâng cao cũng đổ vào nhánh sông Đáy. Từ đó, sông Tích, sông Bùi và nhánh sông Đáy đều đổ vào dòng Đáy chính ở Ba Thá - khu vực giáp ranh huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ.
Cùng với đó, trên địa bàn các huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ xảy ra mưa lớn nên các hồ chứa như: Đồng Sương, Văn Sơn, Miễu (Chương Mỹ), Quan Sơn (Mỹ Đức)... mực nước đã vượt dung tích thiết kế nên không thể làm nhiệm vụ cắt lũ rừng ngang. Cùng thời điểm đó, hạ lưu các sông chính vùng Ninh Bình, Hà Nam mưa to kéo dài khiến nước các sông dâng cao nên đã hạn chế sự thoát nước ở sông Đáy. Chưa kể, khả năng thoát nước của các sông: Tích, Bùi, Đáy ngày càng hạn chế vì bị bồi lắng, hành lang thoát lũ ngày càng thu hẹp…
Do vừa mang đặc trưng của vùng đồng bằng và bán sơn địa, địa hình phức tạp, đất đai chia cắt bởi đồi gò, đồng trũng nên mỗi khi có lũ rừng ngang một số khu vực đồng trũng thuộc các huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất thường xuyên chịu cảnh ngập lụt. Các khu vực này có địa hình thấp dần, xen kẽ vùng đất thấp, dẫn đến việc tiêu thoát nước lũ tự nhiên lại thường rất chậm.
Với huyện Chương Mỹ, đê tả Bùi là tuyến đê quan trọng nhất của huyện bảo vệ cho hơn 6.000ha lúa thuộc 19 xã, thị trấn, hằng năm liên tục phải đối phó với lũ rừng ngang. Những năm gần đây, đã có 3 trận mưa lũ đặc biệt lớn vào các năm 2008, 2017 và vào năm nay. Đáng lưu ý, mực nước sông Bùi năm nay đã thiết lập mức lịch sử, đạt 7,51m vào 13h ngày 30-7, cao hơn cả trận lụt "lịch sử" 2008. Thiệt hại do mưa lũ, úng ngập khó có thể đong đếm và có xu hướng năm sau nghiêm trọng hơn năm trước.
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố có 20 tuyến đê chính dài hơn 626km được phân cấp quản lý và đê phân lũ về cơ bản đáp ứng đủ khả năng chống lũ theo thiết kế thường xuyên. Nhưng còn 41 tuyến đê bao, đê bối, đê chuyên dùng với tổng chiều dài gần 133km chưa được phân cấp, trong đó có một số tuyến đê ngăn lũ rừng ngang chưa được nâng cấp đầu tư. Trong khi, những tuyến đê này thân nhỏ, mái dốc, kết cấu bằng nhiều loại vật liệu, đi qua nhiều vùng ruộng trũng, cao trình thiết kế chưa đáp ứng yêu cầu là những thách thức không nhỏ trong phòng chống lũ lụt.
Cần giải pháp tổng thể chung sống với lũ
Những năm gần đây, được sự quan tâm của thành phố, các tuyến đê ngăn lũ rừng ngang đã được đầu tư, tuy nhiên vẫn thiếu đồng bộ, tổng thể. Vì vậy, các dự án chưa phát huy được hết hiệu quả và mục tiêu đề ra. Trong khi, tình hình mưa lũ bất thường xảy ra liên tiếp, gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều.
Lực lượng chức năng sơ tán người dân bị ngập lụt ở huyện Chương Mỹ. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Nhiều sở, ngành thành phố và địa phương chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang kiến nghị, cần thực hiện các giải pháp căn cơ bảo đảm việc trị thủy, khơi thông dòng chảy, tổ chức lại sản xuất, quy hoạch dân cư mới đủ sức ứng phó với thiên tai lũ lụt.
Ông Hứa Bá Trình, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì đề xuất các cấp, ngành rà soát, di dời các hộ dân sống trong đường thoát lũ, vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; đồng thời, xây dựng hệ thống hồ chứa để cắt lũ… Còn ông Lê Hải Hồng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức cho rằng, để chống lũ rừng ngang, các bộ, ngành cần yêu cầu địa phương liên quan trồng và bảo vệ diện tích rừng; đầu tư nâng cấp hệ thống đê cấp 4, cấp 5…
Theo ông Nguyễn Minh Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, khả năng tiêu nước lũ rừng ngang đã giảm rất nhiều trong những năm qua. Tại huyện Chương Mỹ việc tiêu thoát nước phụ thuộc vào sự tiêu thoát nước của sông Đáy và sông Hoàng Long, nếu không đầu tư thì khả năng tiêu thoát sẽ chậm hơn.
Do vậy, huyện đã đề xuất, sở, ngành thành phố nghiên cứu phương án xây dựng tuyến kênh cắt lũ, điểm xuất phát từ xã Thủy Xuân Tiên và điểm cuối ra Cầu Tây (xã Hoàng Văn Thụ), để ngăn không đưa vào sông Bùi.
Về lâu dài, giải pháp khắc phục hậu quả lũ rừng ngang ở huyện này vẫn theo hướng đã được thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu là: Xây dựng phương án nạo vét sông Bùi; nâng cấp cao trình của tuyến đê tả Bùi lên thành 9m...
Trực tiếp kiểm tra tình hình khắc phục úng ngập trên địa bàn huyện Chương Mỹ ngày 30-7 vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã giao Sở NN& PTNT tham mưu UBND thành phố đề xuất việc đầu tư củng cố đê, làm thông thoáng dòng chảy sông Bùi, báo cáo Bộ NN&PTNT hỗ trợ kinh phí và thỏa thuận giải pháp kỹ thuật. Đồng thời nghiên cứu đề xuất phương án cứng hóa các đoạn đê xung yếu của sông Bùi bằng bê tông như một số quốc gia tiên tiến đã làm để trị thủy.
Cùng với việc nạo vét sông và nâng cấp đê; một giải pháp mang tính chiến lược lâu dài là các vùng thường chịu ảnh hưởng nặng của lũ rừng ngang, cần được quy hoạch lại mạng lưới giao thông, hệ thống cấp nước, tổ chức lại sản xuất và di dời, sắp xếp lại khu dân cư để nhân dân có cuộc sống tốt hơn.