Tăng lương tối thiểu vùng năm 2019: Phương án nào hợp lý?
Đời sống - Ngày đăng : 07:24, 05/08/2018
Việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 sẽ giúp người lao động nâng cao chất lượng cuộc sống. Ảnh: Nhật Nam |
Đòi hỏi tất yếu
Để hiểu hơn về tiền lương và đời sống người lao động, phóng viên Báo Hànộimới đã tới một số khu nhà trọ xung quanh khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP Hà Nội vào những ngày cuối tháng 7-2018. Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, vì thu nhập chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu, nên sau một ngày (8 giờ) làm việc vất vả, thay vì nghỉ ngơi, tham gia hoạt động thể thao, nhiều công nhân phải tăng ca để có thêm thu nhập.
Vừa trông con nhỏ, vừa dọn căn phòng trọ cấp 4 rộng khoảng 15m2 tại thôn Bầu, xã Kim Chung (huyện Đông Anh), chị Nguyễn Thị Vân, đến từ xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông (Phú Thọ) chia sẻ: "Vợ chồng chị làm công nhân cho một nhà máy trong Khu công nghiệp Bắc Thăng Long với tổng thu nhập khoảng 12 triệu đồng/tháng, trong đó có 3 triệu đồng làm thêm giờ". Số tiền này vừa đủ cho gia đình chị, gồm 6 người chi phí các nhu cầu tối thiểu hằng ngày.
“Nếu có biến cố xảy ra, tôi không biết phải làm thế nào. Chúng tôi luôn mong muốn doanh nghiệp, các cơ quan chức năng dành sự quan tâm nhiều hơn đến đời sống công nhân”, chị Nguyễn Thị Vân bày tỏ.
Kết quả khảo sát về tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống người lao động năm 2018 do Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) thực hiện cho thấy, mức tiền lương và thu nhập hiện nay chưa thể mang đến cho người lao động một cuộc sống tốt. Cụ thể, mỗi người lao động làm đủ giờ công, ngày công sẽ nhận được mức lương cơ bản là 4.670.000 đồng/tháng, tăng 4,24% so với năm 2017. Nhận được mức lương này, hơn 17% người lao động cảm thấy hài lòng và có dư để tích lũy. Tuy nhiên, 82,8% cho biết họ tạm hài lòng hoặc không hài lòng; 26,5% người lao động khẳng định họ phải chi tiêu tằn tiện; 12,5% nói không đủ sống từ lương.
Trên thực tế, sau nhiều lần điều chỉnh tăng lương, hiện nay, mức lương tối thiểu vùng mới đáp ứng khoảng 92% mức sống tối thiểu của người lao động. Trong khi đó, Nghị quyết số 27-NQ/TƯ, ngày 21-5-2018 của Hội nghị Trung ương 7, khóa XII đã đề ra mục tiêu, từ nay đến năm 2020, lương tối thiểu vùng phải bảo đảm được mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ. Như vậy, việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 là yêu cầu, đòi hỏi tất yếu khách quan.
Hướng đến bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động
Trong quá trình bàn bạc về phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2019, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (đại diện cho người lao động) đề xuất mức tăng 8%. Mức tăng này sẽ đáp ứng được khoảng 95,4% mức sống tối thiểu của người lao động.
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính, căn cứ để xác định mức tăng dựa vào các yếu tố cơ bản: Mức trượt giá của nền kinh tế, mức tăng năng suất lao động, khoảng cách thiếu hụt về tiền lương và nhu cầu cuộc sống. Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 7,08%, cao nhất trong 7 năm qua; năng suất lao động tăng hơn 5% và có xu hướng tiếp tục tăng…, nên người lao động phải được hưởng những thành quả này.
Việc tăng lương tối thiểu vùng cần bảo đảm hài hòa với tất cả các bên. Ảnh: Viết Thành |
Hơn nữa, lương cơ sở khu vực nhà nước đã được điều chỉnh tăng 7% từ ngày 1-7-2018, thì lương tối thiểu vùng khu vực doanh nghiệp cũng phải tăng từ 7% trở lên. Đáng lưu ý, việc tăng lương tối thiểu nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động chỉ còn thời gian 2 năm để điều chỉnh, năm 2019 tăng thấp, thì năm 2020 buộc phải tăng rất cao, khi đó sẽ gây ra “cú sốc” cho các bên liên quan.
Trái ngược với quan điểm trên, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (đại diện cho các doanh nghiệp) đề xuất, chưa nên tăng lương tối thiểu vùng năm 2019. Nếu điều chỉnh tăng, mức tăng nên là 2%.
“Trong nhiều chương trình làm việc, các doanh nghiệp đều kiến nghị chưa nên điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng trong thời gian tới để họ có điều kiện nâng cao tay nghề cho người lao động, nâng cao sức cạnh tranh”, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng phản ánh.
Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam và đại diện một số doanh nghiệp cũng gửi văn bản tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan chức năng bày tỏ quan điểm không nên tăng lương tối thiểu vùng quá cao trong năm 2019.
Trước những quan điểm trái chiều, Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 là 5,3% để các bên liên quan tham khảo. Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, mức lương tối thiểu vùng là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động; đồng thời là căn cứ quan trọng để thỏa thuận tiền lương, điều tiết thị trường lao động. Do đó, các bên liên quan sẽ tiếp tục trao đổi, bàn bạc kỹ lưỡng để tìm ra phương án hợp lý, hài hòa nhất. Phương án nhận được sự đồng thuận cao sẽ được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Trong bối cảnh hiện nay, rõ ràng việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 theo phương án nào không quan trọng bằng việc mức lương đó có thể giúp người lao động và gia đình họ nâng cao chất lượng cuộc sống hay không. Để người lao động có cuộc sống tốt hơn, nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài việc tăng lương, các cơ quan chức năng cần quan tâm đến những yếu tố khác, như cải thiện điều kiện làm việc, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho người lao động; tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh trên trường quốc tế…
Năm 2017, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 13,3%, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề xuất tăng dưới 5%. Sau 3 phiên đàm phán, Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất phương án tăng 6,5%. |