Nước rút, 1.800 hộ dân ở huyện Chương Mỹ trở về nhà

Đời sống - Ngày đăng : 13:17, 05/08/2018

(HNMO) - Nước sông Bùi chảy qua địa bàn huyện Chương Mỹ đang rút nhưng rất chậm. Hiện đã có 1.800 hộ dân đi sơ tán đã trở về nhà. Hôm nay, huyện tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tập trung cấp phát hỗ trợ nhân dân lương thực, nước uống, thuốc men và khám chữa bệnh…


Nhân dân các xã vùng ngập úng Tân Tiến, Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) nỗ lực thu gom rác thải, xử lý môi trường.


Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội cho biết, 10h sáng 5-8, mực nước trên sông Tích tại trạm đo Vĩnh Phúc giảm còn 7,62m, ở mức dưới báo động III là 0,42m, trên báo động II là 0,42m. Mực nước các hồ: Tân Xã, Kèo Cà, Quan Sơn, Văn Sơn, Miễu, Đồng Sương vượt thiết kế, đang ở ngưỡng tràn.

Trên địa bàn thành phố hiện còn 2.445ha sản xuất nông nghiệp bị úng ngập, trong đó có 835ha ngập sâu, 1.852ha bị ngập trắng. Diện tích ngập chủ yếu ở khu vực lòng sông Tích, sông Bùi và sông Đáy. Địa phương còn nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp bị úng ngập gồm các huyện, thị xã: Ba Vì (542ha), Thanh Oai (115ha), Sơn Tây (122ha), Chương Mỹ (95ha), Quốc Oai (89ha), Mỹ Đức (55ha)… Sáng nay, 5 doanh nghiệp thủy lợi của thành phố tiếp tục vận hành 71 trạm, 183 máy bơm các loại để tiêu úng cứu lúa, giảm ngập lụt khu dân cư.

Tại huyện Chương Mỹ, theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện, tính đến 10h ngày 5-8, mực nước trên sông Bùi chỉ còn 6,47m, ở mức dưới báo động III là 0,53m, giảm 1,04m so với đỉnh lũ ngày 30-7.


Hiện trên địa bàn huyện còn khoảng 1.883 hộ dân bị úng ngập, 1.800 hộ dân đi sơ tán đã trở về nhà. Hôm nay, huyện Chương Mỹ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tập trung cấp phát hỗ trợ nhân dân lương thực, nước uống, thuốc men và khám chữa bệnh; đồng thời, huy động toàn bộ lực lượng của địa phương và nhân dân tổ chức thu gom rác thải, tổng vệ sinh môi trường, lau dọn nhà cửa… Theo thống kê mới nhất của UBND huyện Chương Mỹ, trên địa bàn huyện còn 3.173 người phải sơ tán; 4 trường học, 1 trạm y tế, 6 nhà văn hóa và 14 công trình di tích bị ngập…


Sáng 5-8, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến: Hiện các địa phương tích cực huy động nhân dân cùng các hội đoàn thể, Công ty môi trường đô thị Xuân Mai tập trung thu gom xử lý rác thải, ngăn chặn dịch bệnh có nguy cơ bùng phát. Đối với các khu vực nước chưa rút, địa phương bố trí thuyền chuyển rác đến vị trí tập kết để Công ty môi trường thu gom xử lý ngay trong ngày. 

Trong ngày 5-8, huyện Chương Mỹ tiếp tục huy động toàn bộ số máy bơm của các trạm bơm tiêu, tổ chức khoanh vùng, khơi thông dòng chảy. Với sự nỗ lực khắc phục lũ lụt, huyện Chương Mỹ, còn 784 hộ gia đình có nhà bị ngập sâu và 652 hộ bị ngập đến sân. Bên cạnh đó, cụm phụ trách các tuyến đê, lực lượng canh đê thường xuyên kiểm tra để kịp thời xử lý các sự cố có thể xảy ra.

Theo Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai, từ khi các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai xảy ra úng ngập, đơn vị đã huy động 100% lực lượng, phương tiện đi vớt rác, vận chuyển rác đến khu xử lý tập trung. Cụ thể, đơn vị đã bố trí 39 công nhân, phối hợp với 60 người dân của các xã: Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ) đi vớt, thu gom, vận chuyển hơn 40 tấn rác. Tại huyện Quốc Oai, đơn vị đã bố trí 42 người, phối hợp với 70 người thuộc các xã bị úng ngập đi vớt, thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý tập trung hơn 50 tấn rác. Hiện nay, Công ty yêu cầu toàn bộ công nhân túc trực tại địa phương để khi nước rút tới đâu, dọn vệ sinh, thu gom, vận chuyển rác tới đó…


Tại "rốn" lũ xã Nam Phương Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Chiến Thắng cho biết, tính đến 10h sáng nay, trên địa bàn xã còn 425 hộ bị úng ngập và 547 hộ vẫn phải đi sơ tán; so với ngày 31-7, giảm 417 hộ bị ngập úng, 100 hộ không phải đi sơ tán… Nếu không mưa thì 3 ngày tới, xã Nam Phương Tiến sẽ không còn bị ngập lụt cô lập, người dân đi sơ tán sẽ trở về nhà.

Ông Thắng cho biết thêm, trong những ngày xảy ra úng ngập, trên địa bàn xã không có hộ dân bị đói, bị thiếu nước uống… Tính đến thời điểm này, mỗi hộ dân ở xã đã được hỗ trợ trung bình khoảng 7 thùng mì tôm, 70kg gạo và được cấp đủ nước uống…

Hôm nay, xã Nam Phương Tiến tiếp tục cấp phát hàng hóa thiết yếu của thành phố hỗ trợ người dân. Bên cạnh đó, xã tiếp tục huy động toàn bộ lực lượng dân quân tự vệ, đoàn viên, phụ nữ, cựu chiến binh… vớt rác, vận chuyển rác đến khu xử lý tập trung, phun thuốc khử trùng, hỗ trợ nhân dân lau dọn nhà cửa…

* Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Quốc Oai cho biết, tính đến 7h sáng 5-8, mực nước trên sông Tích trên địa bàn là 7,65m, dưới mức báo động 3. Huyện còn xóm Bến Vôi, thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu vẫn ngập lụt. Tuy nhiên, nước đã rút so với những ngày qua hơn 1m.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho biết, mực nước sông Tích đang xuống, nhưng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện vẫn chỉ đạo các xã không lơ là chủ quan, mà thực hiện nghiêm việc kiểm tra hệ thống đê điều, cống dưới đê, công trình thủy lợi để phát hiện, xử lý kịp thời sự cố có thể xảy ra. 

Người dân xóm Bến Vôi, thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai đã đi lại dễ dàng hơn sau khi nước lũ rút.

Ở các khu dân cư, ngay khi nước lũ rút, các địa phương đã tập trung vệ sinh môi trường và khám sức khỏe cho người dân, đồng thời tiến hành phun thuốc tiêu độc, khử trùng, đồng thời triển khai khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.

Trên tuyến đê tả Tích, huyện Quốc Oai vẫn huy động toàn bộ lực lượng canh đê của các xã ven sông Tích, sông Đáy trực 24/24 giờ để kiểm tra, xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra...
* Tại huyện Ba Vì: Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Hứa Bá Trình cho biết, do tối qua 4-8, trên địa bàn huyện Ba Vì có mưa, lượng mưa khoảng 50mm, trong khi các vùng trồng lúa, rau màu bị ngập trước đó nước chưa rút nhiều, nên hơn 800ha lúa, rau màu bị ngập trắng, ngập sâu không còn khả năng khôi phục.

Huyện đang tập trung xử lý sự cố sạt lở kè tại khu vực thôn Cao Cương, xã Đông Quang. Các tuyến đê khác cơ bản ổn định. UBND huyện Ba Vì tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn và lực lượng chức năng ứng trực 24/24h, tổ chức tuần tra, kiểm tra các đoạn đê xung yếu, bảo đảm kịp thời xử lý khi xảy ra sự cố.

* Tại thị xã Sơn Tây, do nước sông Tích chưa rút, nên gần 300ha lúa, rau màu vẫn bị ngập trắng, ngập sâu, không có khả năng khôi phục. Do không kịp cấy lại trà lúa vụ mùa, nên các địa phương bị úng ngập dự kiến theo phương án chờ nước rút để làm vụ đông.

* Tại huyện Ứng Hòa:
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi, huyện thực hiện tốt công tác tiêu thoát nước, nên cơn bão số 3 không ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa và rau màu trên địa bàn huyện. Hiện tại, mực nước sông Đáy chung trên địa bàn huyện ở mức 3,6m. Riêng khu vực Ba Thá vẫn được đặt ở mức báo động lũ cấp I (5,1m) và chỉ có một số diện tích nhỏ trồng cây ăn quả ven sông bị ngập rễ, nhưng không đáng kể, không gây thiệt hại.

* Tại huyện Mỹ Đức, theo ông Lê Hải Hồng - Trưởng phòng Kinh tế, đến ngày 5-8, trên địa bàn huyện đã có 195 hộ bị ngập do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn, tổng thiệt hại về nông nghiệp ước tính khoảng 37,76 tỷ đồng.

Để giải quyết tình trạng ngập úng trên địa bàn, huyện thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai huyện và các xã đang tiếp tục ứng trực để theo dõi sát diễn biến của thời tiết và kịp thời xử lý; các xã, thị trấn, Xí nghiệp Đầu tư phát triển Thủy lợi Mỹ Đức tiếp tục vận hành các trạm bơm để tiêu úng cho diện tích trong vùng còn đầy nước. 

Bí thư Huyện ủy Đan Phượng trao tiền hỗ trợ người dân huyện Chương Mỹ.

*Sáng 5-8, lãnh đạo hai Huyện ủy Đan Phượng và Thạch Thất dẫn đầu đoàn công tác đã đến thăm hỏi, sẻ chia chung tay giúp đỡ nhân dân vùng ngập úng huyện Chương Mỹ. Mỗi huyện đã tặng 200 triệu đồng hỗ trợ cho nhân dân nơi đây. 

Nhóm PV Ban NN-NT