Xứ Đài - đi và cảm nhận

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:04, 05/08/2018

(HNM) - Chạm nhau ở Sân bay quốc tế Nội Bài, anh chàng hướng dẫn viên du lịch Nguyễn Văn Diện và tôi mới hay rằng cả hai cùng chung điểm đến Đài Loan (Trung Quốc).


Thuận tiện bắt đầu từ Easy Card

Anh chàng hướng dẫn viên du lịch Nguyễn Văn Diện dường như chẳng nói quá. Khi tới Sân bay quốc tế Taoyuan (Đài Bắc), đã có ít nhất 3 đoàn khách Việt Nam. Tôi cũng gặp một nhóm bạn trẻ người Việt khác lựa chọn cách đi du lịch bụi. Họ gặp nhau trên mạng xã hội để rồi hẹn nhau cùng tới Đài Loan.

Khách du lịch thả đèn trời ở điểm đến Thập Phần (Đài Bắc, Đài Loan - Trung Quốc).


Họ và ngay cả chúng tôi cũng tự tin có thể đi lại thoải mái tại Đài Loan với tấm thẻ “Easy Card”. Mất 100 Đài tệ (khoảng 75.000 đồng) để nộp phí làm thẻ. Còn sau đó, khách thích nạp bao nhiêu tiền vào thẻ (phụ thuộc nhu cầu đi lại, tiêu dùng) thì chỉ cần nhờ nhân viên ở trạm điều hành mỗi ga tàu điện ngầm hoặc tàu hỏa trợ giúp.

Với tấm thẻ này, khách du lịch có thể đi lại bằng các phương tiện công cộng từ tàu điện ngầm, tàu hỏa đến xe buýt. Thậm chí, thẻ này còn có thể dùng mua hàng ở các siêu thị tiện ích. Cho đến khi ra sân bay chuẩn bị rời Đài Loan, nếu trong thẻ vẫn còn tiền thì người sở hữu có thể mua thứ gì đó tại sân bay. Rồi sau đó, bạn mang thẻ về coi như món đồ lưu niệm với giá 75.000 đồng. Và sau này có thể sử dụng lại thẻ nếu quay lại Đài Loan.

Chi phí đi lại bằng tàu điện ngầm (còn gọi là MRT) hay tàu hỏa ở Đài Loan không cao so với Nhật Bản, Singapore khiến dân phượt thích thú ra mặt. Nếu đến các địa điểm du lịch nổi tiếng tại Đài Bắc trong vòng 3-4 ngày thì khoảng 600 cho đến 800 Đài tệ là thoải mái di chuyển. Riêng khoản di chuyển từ Sân bay Taoyuan về Nhà ga trung tâm (Taipei Main Station) ở Đài Bắc được xem là ngốn nhiều tiền nhất so với các tuyến khác cũng chỉ vào khoảng 160 Đài tệ/người. Nếu đi taxi cũng mất khoảng 1.000 Đài tệ cho tuyến Sân bay Taoyuan về Nhà ga trung tâm.

Điều đáng nói, ngoài sự thuận tiện của tấm thẻ Easy Card, thì còn có sự chỉ dẫn cụ thể, tỉ mỉ tại từng bến tàu cũng như việc xây dựng luồng tuyến giao thông từ tàu điện ngầm, tàu hỏa đến xe buýt để đưa du khách đến từng điểm rất hợp lý, tiện lợi.

Với việc lựa chọn tấm thẻ Easy Card để di chuyển trong suốt hành trình của mình, tôi đã nhận ra rằng các địa điểm vận chuyển hành khách công cộng ở Đài Loan thực sự sạch sẽ. Ở đó, khách không được ăn, thậm chí uống khi ngồi chờ ở bến và đương nhiên là cả khi ngồi trên phương tiện. Nếu là khách du lịch thì còn “được” nhắc nhở. Người bản địa sẽ bị phạt. Chợt nhớ, ít nữa Hà Nội cũng có bến tàu trên cao. Liệu rồi chúng ta có thể áp dụng quy định tương tự để bến tàu thực sự sạch sẽ, văn minh chứ không nhếch nhác?

Khai phá tiềm năng

Ở Đài Bắc (Đài Loan), chỉ đi độ 3-4 ngày là hết các địa điểm du lịch. Nhưng có điều, hầu hết những điểm du lịch ấy đều gợi cho mọi người cảm giác muốn đến do cách tiếp thị, xây dựng thương hiệu du lịch khá tốt của người Đài Loan.

Như làng cổ Cửu Phần ở phía Bắc chẳng hạn. Người ta kể rằng, làng tên Cửu Phần bởi trước đây chỉ có 9 gia đình sinh sống. Mỗi khi mua hàng chuyển từ dưới núi lên đều đặt 9 phần cho mỗi sản phẩm. Ngôi làng này mang đậm kiến trúc Nhật Bản và được biết đến nhiều hơn từ khi bộ phim nổi tiếng “Chiiro và vùng đất linh hồn” của Nhật Bản được công chiếu. Bối cảnh chính của phim được lấy ý tưởng từ sự phát triển ngôi làng này. Làng cổ Cửu Phần vào dịp cuối tuần, khách du lịch - đương nhiên có không ít khách Việt Nam đến đông nghìn nghịt, kín cả lối đi mà cũng chỉ là đi ngắm nhà, ngắm cửa và thưởng thức bát mỳ, bát chè (có quán do người Việt Nam bán hàng)...

Rồi ở một địa điểm xưa vốn là nơi khai thác than nhưng sau này, người Đài Loan đã “đẩy” được thương hiệu của thác nước Thập Phần để khai thác du lịch. Mặc dù thác nước này không quá kỳ vĩ, chỉ như những thác nước vẫn có ở Việt Nam. Điểm khác biệt là ở đây thường tổ chức lễ hội thả đèn trời dọc đường ray xe lửa vào dịp tháng 2, tháng 3 hằng năm.

Tuy nhiên, khách đến đây vào bất cứ lúc nào cũng có thể thỏa ý định thả đèn trời. Chi ra 200 Đài tệ là khách có một chiếc đèn trời 4 màu, khoảng 150 Đài tệ thì có chiếc đèn một màu, mang ý nghĩa nhất định nào đó... Khách cứ việc viết lên đó những ước mơ của mình rồi được nhân viên châm đèn, quay phim, chụp ảnh giúp. Việc thả đèn trời diễn ra ngay tại đường ray xe lửa ở khu này. Thường thì sau 18h30, cuộc sống ở đây mới bớt nhộn nhịp khi chuyến tàu áp chót trong ngày đưa khách trở lại thành phố. Nếu khách nào lỡ ham chơi thì đành phải đợi đến gần 20h mới có thể lên chuyến tàu cuối trong ngày.

Ngoài ra, ngay ở Đài Bắc, Công viên Địa chất Dã Liễu với hàng trăm phiến đá có hình thù kỳ lạ được hình thành do sự xâm thực của biển vào đất liền cũng khiến du khách không thể bỏ qua. Hòn đá nổi tiếng nhất tại đây được đặt tên là "đầu nữ hoàng" có niên đại lên đến 4.000 năm tuổi. Khi đến đây, tôi cũng như nhiều du khách khác xếp hàng hơn 30 phút để được chụp ảnh.

Tất nhiên, khi đến Đài Loan, người ta không chỉ xem mà còn ăn. Trà sữa Đài Loan vốn nhan nhản trên đường phố Hà Nội và đông nghịt khách nên chẳng có lý gì khi đến Đài Loan mà không thưởng thức các thương hiệu trà sữa từ Gong Cha, Ten Ren, Orange Tea đến Chatime... Cánh thanh niên cứ tung tẩy với túi đựng cốc trà sữa đi khắp nơi với mức giá thường từ 50 đến 60 Đài tệ/cốc.

Rồi quán bún bò nổi tiếng trên đường Yong Kang (Đài Bắc) cũng được nhiều du khách tìm đến. 280 Đài tệ một bát cỡ vừa, dù cao so với mặt bằng chung về giá ở Đài Loan nhưng vào chiều tối, cả đoàn người cứ kiên nhẫn xếp hàng trước quán để đợi đến lượt thưởng thức. Cũng có thể bún ở đây ngon vì nước, vì cách hầm thịt, gân bò nhưng rõ là nếu không có tiếng lành đồn xa từ mạng xã hội hay từ các cẩm nang du lịch đến Đài Loan thì quán khó đông như vậy.

Trong khi ấy, hoa quả xứ Đài cũng là thứ không thể bỏ qua. Đất ít nhưng khoa học công nghệ được áp dụng triệt để nên người Đài Loan tạo ra được những giống quả to mà vẫn giữ được nguyên chất. Nhiều người ngạc nhiên khi thấy những quả dưa hấu, dứa, na, ổi, đào… to gấp đôi so với những quả cùng loại ở Việt Nam.

Tất nhiên, giá nhiều loại quả ở đây cũng đắt đỏ nếu khách chọn không đúng chỗ mua. Ở chợ đêm Shilin, tôi từng ngỡ ngàng khi nghe người bán hàng ở đây bán 40 Đài tệ một lạng ổi. Nếu mua cả cân thì cũng lên đến 400 Đài tệ (tương đương hơn 300 nghìn đồng). Thế nên mới có chuyện khách du lịch Đài Loan hoặc người Việt sống ở Đài Loan khi về Việt Nam chỉ mua hoa quả về làm quà...

Ngày về Sân bay Nội Bài, tôi gặp lại hướng dẫn viên Nguyễn Văn Diện, cậu kể rằng, tuần sau lại đưa khách đi Đài Loan. “Có lẽ em sẽ còn quay lại không ít lần, nhiều khách thích thú khi tới đây do chi phí hợp lý, có nhiều thứ để cảm nhận, khám phá. Từ đó, họ muốn quay lại để đi nốt, đi hết...”. Nghe Diện nói vậy, tôi chợt nghĩ, có lẽ mình cũng sẽ trong thành phần quay lại nơi đây để đi nốt, đi hết…

Bài và ảnh Minh An