Nhật hoàng Hirohito và "Thần kỳ Nhật Bản"
Hồ sơ - Ngày đăng : 07:28, 06/08/2018
Vị Nhật hoàng trị vì lâu nhất
Nhật hoàng Hirohito là cháu nội của “Người vĩ đại” Minh Trị. Ông lên ngôi vào năm 1926, lấy niên hiệu là Chiêu Hòa.
Nhật hoàng Hirohito |
Ngay từ đầu, Hirohito đã tỏ ra là một vị Hoàng đế hết sức năng động. Ông là người đầu tiên của Hoàng gia Nhật Bản xuất ngoại đi châu Âu suốt 6 tháng.
Dưới thời trị vì của ông, nước Nhật đã trải qua những cuộc biến động lớn như: Cuộc chiến tranh Trung Quốc năm 1937, chiến tranh châu Á – Thái Bình Dương năm 1941, tham gia vào Thế chiến thứ hai (1941 – 1945), sự bại trận của Nhật Bản, công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh và đưa nước Nhật trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại vào bậc nhất thế giới.
Con người mâu thuẫn
Sau khi đầu hàng Đồng minh tháng 8-1945, Nhật hoàng Hirohito đứng trước những áp lực ở trong và ngoài nước liên quan đến nghi vấn về trách nhiệm của ông trong vai trò của Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai. Với tư cách là người đứng đầu Nhà nước Nhật Bản trong vòng 20 năm, Nhật hoàng Hirohito đã đưa ra một văn bản bào chữa cho những hành động của mình. Trong cuốn “Tự bạch”, Nhật hoàng đã cố gắng bày tỏ rằng, ngoại trừ hai sự kiện đặc biệt: Một là cuộc nổi loạn quân sự vào năm 1936 và hai là, việc chấm dứt chiến tranh vào năm 1945, ông không dính dáng đến chính trị và đã cố gắng không can thiệp trực tiếp vào việc đưa ra các quyết định liên quan đến chính trị. “Thật sự, tôi hầu như là một tù nhân và chẳng có chút quyền lực nào”, và “Với tư cách là một quốc vương theo hiến pháp dưới sự chỉ đạo của chính phủ lập hiến, tôi không thể tránh được việc phải phê chuẩn quyết định của nội các của Thủ tướng Tojo vào thời điểm nổ ra chiến sự” – Nhật hoàng bày tỏ.
Dưới thời Chiêu Hòa, Hoàng gia Nhật Bản có khuynh hướng đi theo lối mòn của tư tưởng bảo thủ, coi trọng lực lượng quân đội. Vì thế, trong thập niên 1920 và 1930, quyền lực triều đình rơi vào tay phe phái quân sự. Được các cố vấn khuyên hạn chế tham dự vào các quyết định chính trị, Nhật hoàng đã không đảm nhận vai trò trực tiếp nào trong các vấn đề quốc gia. Ông hầu như chỉ giữ im lặng và chỉ phải phê chuẩn các chính sách khi nó đã được thông qua. Tuy nhiên, hình ảnh ông xuất hiện trước công chúng với bộ quân phục, theo dõi diễn tập quân sự hoặc duyệt quân đã khiến dư luận cho rằng ông ủng hộ quân đội gây chiến tranh.
Tư lệnh tối cao Lực lượng Đồng minh Douglas MacArthur và Nhật hoàng Hirohito |
May mắn cho ông là chính sách của Mỹ và cuộc chiến tranh Lạnh đã giúp ông tiếp tục nắm giữ ngai vàng. Tướng Douglas MacArthur - Tư lệnh tối cao Lực lượng Đồng minh cho rằng: “Nếu như Nhật hoàng Hirohito thoái vị và bị khởi tố với tội danh tội phạm chiến tranh, chắc chắn Nhật Bản sẽ trở nên hỗn loạn. Mặc dù Nhật hoàng không phải vô tội trong vai trò của Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai, nhưng Nhật hoàng là biểu tượng sống của nước Nhật, biểu tượng cho sự ổn định và hòa hợp của người Nhật, nếu không có Thiên hoàng thì các phe phái sẽ tranh giành quyền lực, gây mất ổn định chính trị, tàn binh Nhật sẽ tổ chức đánh du kích chống lại quân Đồng minh”. Quan điểm này về sau đã được chứng minh là đúng. Dân Nhật có truyền thống tuyệt đối nghiêm chỉnh chấp hành lời Nhật hoàng, họ không hề có hành động nào chống lại quân đồn trú.
Sau đó, Hiến pháp mới do lực lượng Mỹ chiếm đóng Nhật soạn ra được ban bố tháng 11-1946 quy định Nhật hoàng chỉ là “biểu tượng cho sự đoàn kết và văn hóa của nước Nhật, không mang quyền lực chính trị thực tế, chỉ được thực hiện những hoạt động liên quan đến việc nước theo quy định của bản Hiến pháp và không có quyền lực liên quan tới chính phủ”.
Biểu tượng của hòa bình sau chiến tranh
Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Nhật Bản hoang tàn bởi bom đạn, phần đông dân số rơi vào cảnh đói ăn trầm trọng. 30% dân số không có nhà ở, 66 thành phố chính bị tàn phá nặng nề, cuộc sống ở khu vực nông thôn chỉ còn tương đương 65% so với trước chiến tranh.
Nhật hoàng Hirohito đi thăm các trường học, nhà máy, hầm mỏ để động viên dân chúng tái thiết đất nước. |
Là linh hồn của nước Nhật, Nhật hoàng kêu gọi người dân “hãy vững lòng tin vào đất nước thần minh bất diệt, ý thức về trách nhiệm nặng nề trên con đường dài trước mắt. Hãy cùng nhau góp hết sức cống hiến cho công cuộc xây dựng tương lai. Hãy tôi luyện tính trung thực, tinh thần cao cả, hãy làm việc hết mình để có thể nâng cao vinh quang của quốc gia và theo kịp đà tiến bộ của thế giới”.
Không quản ngại khó khăn, Nhật hoàng đi khắp đất nước, thăm các trường học, nhà máy, hầm mỏ... để động viên nhân dân trong công cuộc tái thiết đất nước. Báo chí Nhật Bản lần đầu tiên được cho phép chụp ảnh gia đình Hoàng gia, đã mô tả Nhật hoàng bình dị và gần gũi, có cuộc sống bình thường của giai cấp trung lưu.
Nhận được sự trợ giúp to lớn về kinh tế của Mỹ cùng với các chính sách phù hợp, kinh tế Nhật Bản đã nhanh chóng phục hồi (1945-1954) phát triển cao độ với mức tăng trưởng trung bình lên đến 9%/năm (1955-1973). Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau Hoa Kỳ vào năm 1968. Cả thế giới hết sức kinh ngạc và khâm phục tôn vinh "Thần kì Nhật Bản".
Nhật hoàng Hirohito thăm Disneyland ngày 9-10-1975 |
Cho đến những ngày cuối cùng trên ngôi vị, Nhật hoàng Hirohito vẫn tận tâm với sự nghiệp xây dựng Nhật Bản trở thành một quốc gia hiện đại.
Bên cạnh công việc chăm lo cho dân chúng, người ta thường thấy ông ở các trận thi đấu sumo. Ông cũng viết nhiều sách về hải sinh vật học, một đề tài mà ông đã say mê từ thời trẻ. Trong các dịp quan trọng, ông có sáng tác một số bài thơ waka theo phong cách của Nhật hoàng Minh Trị. Có tất cả 860 bài thơ, hầu hết đều viết sau năm 1945 và đã được xuất bản. Nhưng ông không cho xuất bản bất kỳ hồi ký nào của mình.
Khi Nhật hoàng Hirohito qua đời (7-1-1989), Thủ tướng Takeshita, trong lời điếu, đã nhắc lại 2 điều cốt lõi mà nền chính trị Nhật Bản trong suốt gần nửa thế kỷ sau của thế kỷ XX đã dựa vào: Thiên hoàng luôn là một người yêu hòa bình và là một vị Hoàng đế hợp hiến. Suốt cuộc đời, ông đã cầu nguyện cho hòa bình của thế giới và hạnh phúc của đất nước Nhật Bản.
Sinh thời, Nhật hoàng Hirohito đã nhiều lần bận tâm về niên hiệu Chiêu Hòa (nghĩa là hòa bình và khai sáng) của mình. Có những thời điểm dường như đây là một cái tên diễu cợt nhưng ông vẫn muốn giữ lại niên hiệu đó và hy vọng sẽ sống đến lúc có thể tự hào rằng, triều đại của ông thật sự là một triều đại "thái bình thịnh trị". Và ông đã toại nguyện.