Tạo mọi điều kiện thuận lợi để trẻ em được phát triển toàn diện
Chính trị - Ngày đăng : 13:19, 06/08/2018
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu trung ương |
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trong những năm vừa qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành chức năng và cộng đồng xã hội. Dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng trên thực tế, một số trẻ em ở nước ta vẫn chưa nhận được sự chăm sóc, bảo vệ cần thiết, thậm chí bị bạo lực cả về thể xác và tinh thần.
Theo thống kê, mỗi năm, cả nước có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện, trong đó chủ yếu là xâm hại tình dục. Theo Phó Thủ tướng, những vụ việc được phát hiện chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Trên thực tế, có nhiều trường hợp trẻ em bị bạo hành không được phát hiện hoặc có được phát hiện, song những người chứng kiến coi đó là hành vi “bình thường”. Đau lòng hơn, nhiều trẻ em bị chính người thân xâm hại, bạo hành, để lại những di chứng nặng nề cho chính trẻ em, gia đình và xã hội.
Các ý kiến tham luận tại hội nghị tập trung phản ánh, trao đổi về những vấn đề đặt ra trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em hiện nay. Nổi cộm là sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ; chính quyền các địa phương có chỗ, có nơi chưa quan tâm tới công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về trẻ em còn mỏng; các dịch vụ hỗ trợ trẻ em vừa thiếu, vừa yếu. Nhiều cha mẹ, người chăm sóc trẻ chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm tự bảo vệ con em, thiếu kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em. Nhiều gia đình sao nhãng việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; có tâm lý che giấu các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, không báo cáo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em đến các cơ quan chức năng…
Từ thực tế đó, các đại biểu kiến nghị Nhà nước và các địa phương tăng cường đầu tư ngân sách cho công tác bảo vệ trẻ em; xây dựng mạng lưới các dịch vụ hỗ trợ trẻ em; bổ sung, hoàn thiện và nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về trẻ em; hoàn thiện các chính sách pháp luật, tăng nặng hình phạt đối với các hành vi xâm hại trẻ em…
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hành vi bạo lực, xâm hại, ngược đãi trẻ em vừa vi phạm pháp luật, vừa ảnh hưởng tới những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp; không thể chấp nhận, dung tha. Thủ tướng kêu gọi cả xã hội mạnh mẽ lên án những hành vi sai trái, kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; chung tay chăm sóc, bảo vệ trẻ em…
Để nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc, nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về trẻ em; tăng cường giáo dục đạo lức, lối sống trong gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị liên quan cần quan tâm bố trí nguồn lực vật chất và con người cho hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em; tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất để trẻ em có cơ hội phát triển toàn diện. Các gia đình chú trọng xây dựng văn hóa gia đình, quan tâm chăm sóc, giáo dục con em mình, đồng thời chủ động trang bị cho trẻ em những kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực, xâm hại.
Thủ tướng giao trách nhiệm cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt đề án vận động nguồn lực xã hội để hỗ trợ chăm sóc trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Ủy ban MTTQ Việt Nam tiếp tục phát động phong trào ủng hộ áo ấm cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các cấp, các ngành phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ trẻ em và thực hiện phong trào này song song, lồng ghép với Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.