Việc chấm dứt hợp đồng với giáo viên tại huyện Thanh Oai: Cần thấu tình, đạt lý!
Giáo dục - Ngày đăng : 06:39, 07/08/2018
Trăn trở của giáo viên
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, một số giáo viên trên địa bàn huyện Thanh Oai tỏ ra bức xúc khi cho biết, hàng trăm giáo viên đang giảng dạy bỗng dưng nhận được thông tin từ ngày 1-9 tới đây, UBND huyện sẽ chấm dứt hợp đồng đối với những trường hợp trước đây được UBND huyện đã ký hợp đồng lao động làm giáo viên và nhân viên tại các trường công lập thuộc huyện để chuyển về các nhà trường do hiệu trưởng xem xét, ký hợp đồng theo thẩm quyền.
Việc chấm dứt hợp đồng đối với giáo viên hợp đồng tại huyện Thanh Oai được thực hiện đúng chỉ đạo của cấp trên. |
Một giáo viên Trường THCS Xuân Dương (xin giấu tên) cho biết: "Tôi thực sự bị “sốc” khi biết được thông tin từ ngày 1-9-2018 sẽ bị UBND huyện chấm dứt hợp đồng. Không chỉ tôi mà nhiều giáo viên khác rất hoang mang và không hiểu vì sao lại bị UBND huyện chấm dứt hợp đồng khi bản thân luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một giáo viên đứng lớp trong nhiều năm học qua". Cùng cảnh ngộ, nhiều giáo viên tại các xã: Cao Dương, Thanh Cao, Mỹ Hưng, Phương Trung... cũng lo lắng khi biết nếu UBND huyện chấm dứt hợp đồng sẽ đi đâu, về đâu khi mà nhiều người đã ở tuổi “xế chiều”, trong đó có không ít người đã có 22 năm công tác (?). “Mong rằng UBND huyện Thanh Oai xem xét, tạo mọi điều kiện để đội ngũ giáo viên hợp đồng tiếp tục được cống hiến và có cơ chế đặc thù khi thi tuyển để những giáo viên hợp đồng lâu năm sớm được biên chế vào ngành” - một nữ giáo viên hợp đồng dạy môn tiếng Anh, Trường THCS Mỹ Hưng chia sẻ.
Theo rà soát mới nhất, tổng số biên chế được giao cả 3 bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn Thanh Oai là 2.821 biên chế, song toàn huyện hiện chỉ có 2.658 biên chế, thiếu 163 biên chế. Thế nhưng từ năm 1996 đến năm 2015, UBND huyện Thanh Oai đã ký hợp đồng với tổng số 441 giáo viên ở 3 bậc học kể trên. Như vậy, đối chiếu với số biên chế thiếu, sẽ có 278 giáo viên hợp đồng dôi dư.
Sắp xếp từng bước kết hợp thi tuyển viên chức
Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, ông Nguyễn Tuệ Sơn, Trưởng phòng Nội vụ huyện Thanh Oai cho biết, việc UBND huyện chấm dứt hợp đồng đối với 441 giáo viên trên địa bàn huyện được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 17/NQ-HĐND ngày 5-12-2017 về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp TP Hà Nội năm 2018 và Quyết định số 14/2017/QĐ-UBND ngày 13-4-2017 của UBND TP Hà Nội ban hành quy định về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP Hà Nội. Việc làm này nhằm khắc phục tình trạng thừa lao động hợp đồng trên địa bàn hiện nay.
“Khi bắt tay làm việc này, chúng tôi cũng rất trăn trở, nhưng không thể không làm vì Thanh Oai là huyện cuối cùng thực hiện Quyết định số 14/2017/QĐ-UBND của UBND thành phố. Chúng tôi cố gắng để thực hiện việc chấm dứt hợp đồng trên cơ sở thấu tình, đạt lý. Huyện cũng có kế hoạch hỗ trợ kinh phí học nghề, tìm việc làm đối với những giáo viên chấp thuận thanh lý hợp đồng…” - ông Sơn chia sẻ.
Thực hiện các nghị quyết, quyết định của HĐND, UBND TP Hà Nội và hướng dẫn của Sở Nội vụ, Phòng Nội vụ huyện đã tham mưu cho UBND huyện Thanh Oai ban hành Văn bản số 1020/UBND-NV ngày 19-7-2018 về việc thực hiện một số nội dung tại Quyết định số 14/2017/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội. Theo ông Sơn, văn bản này được xem như một "dự lệnh" đối với những lao động hợp đồng đang giảng dạy tại các trường để có kế hoạch chủ động trong công việc ở giai đoạn tiếp theo.
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc UBND huyện chấm dứt hợp đồng để chuyển về cho các nhà trường ký với người lao động là hình thức chuyển chủ thể ký hợp đồng theo Quyết định số 14/2017/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội. Thời gian chuyển giao chủ thể ký hợp đồng bắt đầu thực hiện từ ngày 1-9-2018 đến 31-12-2018 đối với tất cả số lao động hợp đồng do UBND huyện ký trước đây. Trong giai đoạn này UBND huyện vẫn cấp kinh phí để các nhà trường thực hiện chi trả đối với người lao động bảo đảm như khi thực hiện hợp đồng của huyện. Trong khi chờ thành phố tổ chức thi tuyển, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động, UBND huyện Thanh Oai giao cho Phòng Nội vụ và Phòng Giáo dục và Đào tạo, hiệu trưởng các nhà trường rà soát biên chế, tham mưu cho UBND huyện điều chuyển từ trường thừa sang trường thiếu, bảo đảm cân đối hài hòa số biên chế giữa các trường...
Trả lời câu hỏi vì sao huyện Thanh Oai lại thừa nhiều giáo viên hợp đồng như vậy, ông Đoàn Việt Dũng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai cho biết, từ năm 1996 đến năm 2015, UBND huyện đã ký hợp đồng với tổng số 441 giáo viên. Sau mỗi lần thi tuyển viên chức, lẽ ra khi số giáo viên trúng tuyển được bổ sung, UBND huyện phải chấm dứt đối với những giáo viên hợp đồng, nhưng nhiều năm qua huyện chưa thực hiện được, dẫn đến số giáo viên hợp đồng nhiều như vậy. Theo ông Dũng, nhằm bảo đảm quyền lợi cho giáo viên, UBND huyện giao cho các ngành xây dựng dự thảo “Đề án giải quyết tình trạng dôi dư lao động hợp đồng đang làm việc trong các trường công lập trên địa bàn”; huyện đã đề xuất với Sở Nội vụ Hà Nội sớm có kế hoạch thi tuyển viên chức, tạo điều kiện cho số giáo viên hợp đồng được tham gia thi tuyển.
Hy vọng nguyên tắc "thấu tình, đạt lý" sẽ được xuyên suốt trong Đề án này, để một vấn đề "lịch sử để lại" sẽ được giải quyết hiệu quả, êm thuận.