Không để người nghèo phải ở lại phía sau
Đời sống - Ngày đăng : 06:29, 07/08/2018
Đẩy mạnh đào tạo nghề sẽ giúp lao động nông thôn có việc làm, thoát nghèo bền vững. Ảnh: Sơn Hà |
Lấp lánh niềm vui
Cuối tháng 7 vừa qua, gia đình bà Nguyễn Thị Hà, thôn Vệ Sơn Đoài, xã Tân Minh (Sóc Sơn) rất vui vì có nhà mới. Ở địa phương, do sức khỏe yếu, thiếu lao động, gia đình bà Hà thuộc diện nghèo “bền vững”. Ước mơ về ngôi nhà vững chãi, khang trang của gia đình mãi xa vời, nếu không có sự giúp đỡ từ cộng đồng. “Không còn phải nơm nớp lo nhà đổ sập, từ nay, các thành viên yên tâm sinh sống, làm việc, chăm sóc sức khỏe” - bà Nguyễn Thị Hà chia sẻ.
Nhận bàn giao nhà mới từ Ban Chỉ đạo trợ giúp người nghèo quận Long Biên vào ngày 1-8-2018, bà Bùi Thị Hiên, tổ 15, phường Thạch Bàn; bà Mã Thị Mai, tổ 14, phường Đức Giang vô cùng phấn khởi. Bị câm điếc nặng, lại mắc bệnh thần kinh, kinh tế khó khăn nên bà Hiên phải sống ở nhờ nhà anh trai và mẹ già trong nhiều năm. Còn bà Mai và chồng đều tuổi cao, sức yếu, không có khả năng xây dựng nhà mới.
Ngoài những gia đình kể trên, trong giai đoạn 2016-2018, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn Hà Nội được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở. Riêng năm 2018, toàn thành phố đã giúp cho 4.341 hộ nghèo hoàn thành tâm nguyện có nhà mới. Đến nay, Hà Nội cơ bản không còn các hộ gia đình phải ở nhà xuống cấp, dột nát.
Không chỉ được hỗ trợ về nhà ở, nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn Hà Nội còn được trao nguồn sinh kế để chủ động thoát nghèo. Những hộ thiếu vốn phát triển sản xuất, kinh doanh được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ về giống, kỹ thuật; các gia đình nghèo, có người trong độ tuổi lao động được hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu việc làm; một số gia đình được trao tặng bò sinh sản. Ngoài ra, nhiều hộ nghèo còn được tặng sổ tiết kiệm, xe máy làm phương tiện đi lại, tặng các thiết bị nghe, nhìn, giúp các hộ nâng cao khả năng tiếp cận thông tin. “Gia đình tôi may mắn được tặng bò vào cuối năm 2016. Hiện nay, bò đã sinh được một con bê cái. Nhờ nguồn hỗ trợ này, gia đình tôi đã thoát nghèo” - anh Đỗ Thế Yêu, thôn Việt Yên, xã Đông Yên (huyện Quốc Oai) vui vẻ cho biết.
Song song với hình thức hỗ trợ trực tiếp dựa vào nhu cầu của từng hộ, các ngành, địa phương còn đầu tư một số chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn, miền núi. Đó là mô hình trồng và chế biến thuốc nam ở xã Ba Vì; trồng, chăm sóc cây chè, chế biến chè búp khô ở xã Ba Trại, Vân Hòa, Yên Bài thuộc huyện Ba Vì; mô hình trồng hoa ly, chuối tiêu hồng ở xã Yên Bình, Tiến Xuân (huyện Thạch Thất); mô hình phát triển chăn nuôi, làm du lịch ở xã An Phú (huyện Mỹ Đức)…
Giảm nghèo bền vững
Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội trao tặng bò sinh sản cho hộ nghèo ở huyện Ứng Hòa. |
Những kết quả đạt được từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2018, giúp Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu cả nước về các chỉ số phát triển văn hóa, xã hội. Tuy vậy, cũng như nhiều địa phương khác, việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn TP Hà Nội gặp không ít khó khăn. Đó là, đa số hộ nghèo còn lại khó có khả năng thoát nghèo; nhiều hộ đã thoát nghèo, nhưng chưa bền vững. Trong khi đó, trước tình hình thời tiết, thiên tai diễn biến phức tạp thời gian gần đây, không ít gia đình, nhất là những hộ làm nông nghiệp ở vùng chịu lũ lụt có nguy cơ mất trắng tài sản và rơi vào cảnh nghèo.
Để công tác giảm nghèo đạt kết quả toàn diện, bền vững hơn, ngoài các giải pháp đã và đang triển khai, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn mong muốn trung ương và thành phố quan tâm nâng cao chất lượng dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn; vận động doanh nghiệp giúp người dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch; đồng thời triển khai sớm các dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng…
Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Văn Phương kiến nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội xây dựng, trình UBND thành phố xem xét, ban hành chính sách đặc thù dành cho hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo. Chẳng hạn, những người cao tuổi cô đơn, người đơn thân nuôi con nhỏ, người mắc bệnh hiểm nghèo… nên được xóa khỏi hộ nghèo, chuyển sang đối tượng bảo trợ xã hội và giải quyết chế độ trợ cấp hằng tháng.
Hiện Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đang đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở; tiếp tục xây dựng, triển khai một số đề án giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các địa phương còn nhiều khó khăn; thực hiện tốt các chính sách bảo trợ xã hội… Cùng với đó, tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Khuất Văn Thành cho rằng, các cơ quan chức năng ở trung ương cần có những chính sách cụ thể, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo nghề cho người lao động. Đồng thời, UBND TP Hà Nội cũng nên cho phép một số cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi bố hoặc mẹ thuộc hộ nghèo, giúp các cháu có cuộc sống tốt hơn, giảm bớt khó khăn cho các gia đình.
Hy vọng, các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác giảm nghèo sẽ được các cơ quan chức năng nghiên cứu, triển khai, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Hà Nội xuống dưới 1,2% vào năm 2020. Và mọi người nghèo đều được hưởng các chính sách an sinh xã hội, không ai phải ở lại phía sau.
Theo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của TP Hà Nội đã giảm từ 3,64% vào đầu năm 2016, xuống còn 1,69% vào đầu năm 2018. Điển hình là huyện Quốc Oai giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3,65% (năm 2016), xuống còn 0,5% (năm 2018) và huyện Mê Linh giảm từ 5,96%, xuống còn hơn 2%. Quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân... cơ bản không còn hộ nghèo. Dự báo, tỷ lệ hộ nghèo ở Hà Nội sẽ giảm xuống dưới 1,3% vào cuối năm 2018, đầu năm 2019. Tính theo chuẩn nghèo của trung ương, hiện Hà Nội chỉ còn dưới 1% hộ nghèo. |