Điện thoại bán ra tại châu Âu có thể phải sử dụng chung một loại sạc
Công nghệ - Ngày đăng : 20:20, 08/08/2018
Chính vì vậy, Ủy ban châu Âu (EC) mới đây đã tuyên bố sẽ mạnh tay hơn với vấn đề này. Theo Ủy viên phụ trách cạnh tranh EU Margrethe Vestager, trong thời gian trước mắt, cơ quan này sẽ tiến hành đánh giá tổng thể để xác định mức chi phí và những ích lợi đem lại của một số hướng tiếp cận xử lý khác nhau. Nếu kết quả nghiên cứu nói trên cho thấy sự khả thi, EU có thể sẽ triển khai đạo luật mới, buộc tất cả các doanh nghiệp sản xuất điện thoại di động trên lãnh thổ khối phải sử dụng chung một loại sạc.
Bước đi mới này của EU là điều không lạ, khi những bộ sạc không tương thích của điện thoại di động không chỉ gây phiền toái cho việc sử dụng của người tiêu dùng, mà còn tạo ra hơn 51.000 tấn rác thải điện tử mỗi năm tại châu Âu. Bởi lẽ mỗi chiếc điện thoại bán ra đều đi kèm một bộ sạc, và thường bộ sạc này sẽ vẫn sử dụng tốt kể cả khi máy hỏng hoặc người dùng lên đời máy mới. Sau nhiều năm, số lượng sạc dư thừa sẽ tăng lên nhanh chóng và trở thành "rác" do không tương thích các thế hệ máy mới về nhiều yếu tố.
Năm 2009, tổng cộng 14 doanh nghiệp lớn (gồm cả Apple, Samsung, Huawei) đã kí vào biên bản đồng ý sử dụng duy nhất chuẩn chân cắm micro-USB tại châu Âu. Sau đó, dù không ít trong số này đã tuân thủ đúng cam kết, số khác lại chọn lối đi riêng (điển hình là Apple với chân cắm Lightning). Trước thực trạng như vậy, EU đã đe dọa sẽ luật hóa vấn đề sạc, nhưng sau đó lại "giơ cao đánh khẽ" khi các công ty công nghệ thông qua một cam kết chung về việc sẽ tìm cách đưa ra một chuẩn thống nhất.
"Chuẩn hóa" sạc điện thoại không phải bước đi duy nhất của EU trong việc giảm rác thải điện tử. Trước đây, khối này đã từng buộc các nhà sản xuất phải áp dụng chế độ bảo hành hai năm (miễn phí sửa chữa, vận chuyển) đối với sản phẩm, đồng thời khuyến khích sử dụng các thiết kế dễ dàng sửa chữa khi cần. Nhờ vậy, các sản phẩm điện tử sẽ có tuổi thọ dài hơn, ít cơ hội trở thành rác thải hơn.