Lấy Làng cổ Đường Lâm để thúc đẩy du lịch Sơn Tây
Du lịch - Ngày đăng : 21:16, 09/08/2018
Theo báo cáo của UBND thị xã Sơn Tây, tại Làng cổ Đường Lâm đang thực hiện đón khách với các tour tham quan như: Hành trình di sản (với các điểm tham quan cổng làng, đình, đền, chùa lăng mộ); nông thôn Việt Nam (với điểm tham qua là các ngôi nhà cổ, cánh đồng lúa, trải nghiệm nông nghiệp, làm nghề thủ công…).
Từ năm 2012, UBND thị xã Sơn Tây đã chỉ đạo Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm lập website giới thiệu quảng bá di tích Làng cổ Đường Lâm, thu hút đông đảo lượng người truy cập, tìm hiểu. Ngoài ra, UBND thị xã cũng tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế trong việc quảng bá, giới thiệu di tích Làng cổ Đường Lâm. Trong công tác phát triển sản phẩm du lịch, Ban Quản lý Làng cổ Đường Lâm đã ký liên hệ với nhiều hiệp hội, câu lạc bộ du lịch đưa khách đến tham quan Làng cổ Đường Lâm; đào tạo được 18 thuyết minh viên và 16 cộng tác viên là người địa phương. Ngoài ra, UBND thị xã phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội tổ chức 1 lớp tập huấn về du lịch cho người dân Đường Lâm…
Tuy vậy, UBND thị xã Sơn Tây cũng cho hay, việc quản lý và phát huy giá trị di tích Làng cổ Đường Lâm trong những năm gần đây còn nhiều bất cập. Trong đó, di tích này chưa có sản phẩm đặc thù để gia tăng giá trị du lịch, hệ thống nhà hàng, nhà nghỉ và các dịch vụ ăn theo cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, khó có thể phục vụ số lượng khách khoảng 300-400 người cùng lúc; công tác quảng bá dù được đẩy mạnh nhưng chưa thực sự như ý…
Trong thời gian tới UBND thị xã Sơn Tây đặt mục tiêu thu hút từ 170.000 đến 200.000 lượt khách/năm đến Làng cổ Đường Lâm, tốc độ trung bình tăng từ 8-10%.
Theo đại diện Sở Du lịch Hà Nội, thị xã Sơn Tây có nhiều điểm đến nhưng trước mắt cần chọn một điểm đến để đầu tư trọng điểm, qua đó đáp ứng được những tiêu chí cơ bản nhất trong phát triển du lịch. Trong số này, Làng cổ Đường Lâm cần được chú trọng phát triển hơn cả vì đã có thương hiệu, được nhiều doanh nghiệp lữ hành và du khách biết tới. Vấn đề là phải có chiến lược đầu tư bài bản để nâng thương hiệu của Làng cổ Đường Lâm. Trong số này, thương hiệu “Làng có hai vua” cần được chú trọng đầu tư, bởi đây là lực hút du khách riêng có của Sơn Tây.
Ngoài ra, công tác quảng bá Làng cổ Đường Lâm cần gắn với các công nghệ hiện đại, mang tính tương tác cao; việc áp dụng khoa học công nghệ cũng cần được coi trọng ở mảng thuyết minh với hệ thống thuyết minh tự động; hệ thống bảng biển chỉ dẫn du lịch cũng cần được tăng cường; việc lắp đặt wifi công cộng cũng là giải pháp cần được xem trọng. Bên cạnh đó, cũng cần có thêm các lớp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ du lịch tại đây…
Trong khi đó, đại diện Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cũng đề nghị UBND thị xã Sơn Tây phối hợp chặt chẽ hơn trong việc quảng bá Làng cổ Đường Lâm. Điều này sẽ giúp du khách đến Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (nằm trên địa bàn thị xã) có thêm lựa chọn, đồng thời thúc đẩy sự phát triển du lịch của chính Làng cổ Đường Lâm.