Bài 2: Nắm bắt sớm, xử lý nhanh

Chính trị - Ngày đăng : 06:50, 09/08/2018

(HNM) - Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả đã được phát hiện trong quá trình thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”.


Bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình


Quận Long Biên là một trong những địa phương có ít vụ việc phức tạp, tổ chức cơ sở Đảng cần củng cố nằm trong các danh sách rà soát, tổng hợp theo tinh thần Nghị quyết 15-NQ/TU. Theo đồng chí Nguyễn Huy Thắng, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Long Biên đã xây dựng được đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội rộng khắp. Hằng tháng, Quận ủy tiến hành giao ban cộng tác viên dư luận để nắm bắt thông tin, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo xử lý những vấn đề nổi cộm.

Kiểm tra, nắm bắt tình hình trực tiếp tại bộ phận “một cửa” giúp huyện Thanh Trì xử lý nhanh một số vụ việc vướng mắc. Ảnh: Bá Hoạt


Làm rõ hơn cách làm của quận, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Long Biên Nguyễn Thế Thạch cho biết: “Ngay khi phát hiện ý kiến, kiến nghị của người dân, Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy phụ trách địa bàn như tôi có trách nhiệm cung cấp thông tin, trao đổi với các cơ quan có thẩm quyền và theo dõi giải quyết đến khi hoàn thành. Chúng tôi xác định phải giải quyết càng nhanh càng tốt, làm “nguội” vấn đề ngay từ khi còn chưa “nóng”".

Quận ủy Long Biên còn triển khai thực hiện mô hình phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình, mỗi đồng chí đảng viên trở thành cầu nối tin cậy của 5-10 hộ gia đình với cấp ủy, chính quyền địa phương. Nhờ đó, những vấn đề mới nảy sinh đều được nắm bắt kịp thời, tập trung giải quyết.

Về kinh nghiệm nắm bắt tình hình, hằng tháng, Huyện ủy Thanh Trì chỉ đạo tất cả đảng viên cơ quan dân Đảng phải xuống dự sinh hoạt chi bộ ở thôn và tổ dân phố, sau đó tổng hợp báo cáo kết quả cho Ban Tổ chức Huyện ủy để phân tích thông tin, tham mưu xử lý. Hiện nay, 15 xã, 1 thị trấn của huyện chia làm 4 cụm, cứ hai Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy được phân công phụ trách một cụm, chịu trách nhiệm toàn diện trước Ban Thường vụ Huyện ủy về tình hình, nhất là giải quyết những vấn đề phát sinh.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Văn Thành, vận dụng các mô hình này, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy cũng chia cụm, phân công tất cả các đồng chí theo dõi 49 tổ chức cơ sở Đảng, dự tất cả các cuộc họp, nắm bắt thông tin để tham mưu giải quyết những vấn đề phát sinh.

Nhờ cách làm trên, Huyện ủy Thanh Trì đã kiểm soát chắc tình hình, biết rõ nơi nào “nóng” để tập trung “hạ nhiệt”. Thanh Trì cũng là nơi có sáng kiến sử dụng biện pháp tạm dừng công tác người đứng đầu cấp ủy, chính quyền để tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc trên địa bàn.

Quyết liệt thay thế cán bộ yếu kém

Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu, đối với những địa bàn đã phát sinh vấn đề phức tạp, nếu có nguyên nhân do cán bộ yếu kém thì phải kiên quyết xử lý, thay thế, cần thiết thì có phương án đặc thù về công tác cán bộ.

Dù thời gian chưa lâu, yêu cầu của đồng chí Bí thư Thành ủy đã thấm sâu vào nhận thức của cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy các cấp thành phố. Ví dụ, tại Phú Xuyên, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chủ động rà soát, xác định rõ những địa bàn khó khăn, nơi có tình hình phức tạp để bố trí cán bộ phù hợp. Huyện đã điều động, luân chuyển 19 cán bộ, trong đó ưu tiên đưa cán bộ giỏi về nơi khó khăn. Những xã như Phượng Dực, Hoàng Long đều đã chuyển biến mạnh sau khi được thay thế cán bộ chủ chốt.

Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Phạm Hải Hoa cho biết: “Mấu chốt để thực hiện thành công công tác điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ là phải vừa bảo đảm đúng nguyên tắc, đúng quy trình, nhưng phải bố trí đúng người, đúng việc, phát huy cao nhất năng lực, sở trường của họ”.

Tại Gia Lâm, năm 2017, Ban Thường vụ Huyện ủy đã kỷ luật 4 bí thư đảng ủy cấp xã, những tháng đầu năm 2018 đã tiến hành xem xét xử lý 2 trường hợp. Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì còn chủ động tổ chức kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với đảng ủy một xã, sau 6 tháng đã làm rõ vi phạm, hiện đang tiến hành các bước xử lý kỷ luật. Đây là nét mới trong công tác kiểm tra Đảng ở cấp ủy huyện cần được nhân rộng.

Những địa phương khác như quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm cũng đã mạnh dạn thay thế cán bộ chủ chốt, nhờ đó cải thiện trông thấy tình hình ở một số phường. Theo Chánh Thanh tra thành phố Nguyễn An Huy, để giải quyết những vụ việc phức tạp thì sự vào cuộc của bí thư cấp ủy cấp huyện; giám đốc các sở, ngành dành thời gian tham gia cùng địa phương có ý nghĩa quyết định.

Với tinh thần đó, từ khi thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU đến nay, toàn thành phố củng cố được 97/117 tổ chức cơ sở Đảng (đạt 82,9%). Trong số 200 vụ việc theo Báo cáo số 102-BC/BTCTU ngày 2-6-2017 của Ban Tổ chức Thành ủy, đến nay đã có 88 vụ việc được giải quyết xong. 5 quận, huyện báo cáo đã giải quyết xong các vụ việc, gồm: Cầu Giấy, Đan Phượng, Hoài Đức, Thạch Thất, Thường Tín. Các quận, huyện, thị xã cũng đã giải quyết xong 169/326 vụ việc phức tạp tự rà soát năm 2017; giải quyết xong 12/35 vụ việc phức tạp tự rà soát bổ sung năm 2018.

Hiệu quả thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU sẽ cao hơn, toàn diện hơn, khi những cách làm hay, mô hình tốt ngày càng được nhân rộng trên quy mô thành phố.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho rằng, kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU là cần nắm chắc tình hình từ ban đầu, phân công cán bộ giải quyết ngay, trong đó lực lượng công an là nòng cốt. Chính quyền cơ sở phải thường xuyên tiếp xúc, khi người dân gửi đơn phải cập nhật, phân loại nguyên nhân và phân công cán bộ giải quyết. Khi giải quyết phải xem xét thấu đáo để không làm phát sinh vấn đề mới. Khi nảy sinh vụ việc thì địa phương phải vào cuộc ngay, thực hiện đối thoại theo từng cấp...


(Còn nữa)

Võ Lâm