Đề nghị án tử hình với nguyên Giám đốc Agribank Bến Thành
Pháp đình - Ngày đăng : 21:54, 10/08/2018
Bị cáo Oanh bị kháng nghị tử hình. |
Theo cáo trạng, năm 2008, Nguyễn Thị Hoàng Oanh được bổ nhiệm làm Giám đốc Agribank Bến Thành. Từ khi được bổ nhiệm, Oanh đã câu kết với em rể là Trương Thế Thanh (nguyên Trưởng phòng Kế hoạch - kinh doanh Agribank Bến Thành) thực hiện hàng loạt sai phạm để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.
Cụ thể, Oanh đã dùng tên của 8 cá nhân, sau đó chỉ đạo nhân viên dưới quyền lập khống các hồ sơ vay tiền, vàng của ngân hàng để chiếm đoạt.
Với thẩm quyền của mình, Oanh đã duyệt cho vay tổng cộng 2.660 lượng vàng SJC (tương đương hơn 47 tỉ đồng, thời giá lúc xảy ra vụ án) của Agribank Bến Thành.
Số tiền vay được, Oanh dùng để sử dụng mục đích cá nhân và mua nhà tại quận 1, TP Hồ Chí Minh. Sau đó, Oanh dùng chính căn nhà này cho Ngân hàng thuê làm trụ sở với giá 5.800 USD/tháng. Tính đến tháng 4-2013, Agribank Bến Thành đã phải trả cho Oanh 5,6 tỉ đồng tiền thuê căn nhà mà Oanh dùng tiền vay Ngân hàng để mua.
Khi đến hạn phải trả nợ số vàng trên, Oanh chỉ đạo em rể và cấp dưới dùng Công ty TNHH Liên Lục Địa cùng tên một số cá nhân, doanh nghiệp khác để lập các hợp đồng vay tiền, vàng của Agribank Bến Thành nhằm mục đích đảo nợ.
Bản án sơ thẩm nhận định bị cáo Oanh để xảy ra thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, là chủ mưu, cầm đầu, lẽ ra cần có mức hình phạt nghiêm khắc nhất như VKSND TP đề nghị. Tuy nhiên, hậu quả thiệt hại đều đã được khắc phục, phần lớn số vàng chiếm đoạt được Oanh sử dụng để mua căn nhà 225B-C Trần Quang Khải, quá trình đảo nợ đã đưa vào thế chấp tại Agribank Bến Thành cùng nhiều tài sản là bất động sản của cá nhân và gia đình bị cáo.
Theo bản án sơ thẩm, trong số tiền xác định Oanh nhận hối lộ 24,6 tỉ đồng, phần lớn bị cáo sử dụng để đảo nợ cũng như trả lãi cho Agribank. Ngoài ra, bị cáo thành khẩn khai báo, có thời gian dài phục vụ, đóng góp trong ngành Ngân hàng… Vì vậy, tổng hợp hình phạt của Oanh cho các tội tham ô tài sản, nhận hối lộ, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng là tù chung thân.
Trước đó TAND TP Hồ Chí Minh tuyên phạt bị cáo Oanh tù chung thân về tội tham ô tài sản, chung thân về tội nhận hối lộ, 12 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, tổng hợp hình phạt là chung thân.
Viện KSND TP Hồ Chí Minh cho rằng bản án sơ thẩm nhận định hậu quả thiệt hại do bị cáo Oanh cùng các đồng phạm gây ra cho Agribank Bến Thành trong tội tham ô tài sản phần lớn đã được khắc phục là không có căn cứ.
Theo Viện KSND TPHồ Chí Minh, để không bị phát hiện hành vi tham ô tài sản, Oanh đã dùng thủ đoạn đảo nợ nhiều lần và số tiền chiếm đoạt là hơn 31 tỉ đồng. Đặc biệt, tài sản đưa vào thế chấp đảo nợ chỉ có căn nhà 225B-C Trần Quang Khải và thửa đất tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, căn nhà được định giá 12,1 tỉ đồng và thửa đất 358 triệu đồng đều do con gái Oanh đứng tên. Nghĩa là, những tài sản này chỉ bảo đảm cho các nghĩa vụ phải thanh toán cho khoản vay chứ không phải việc khắc phục hậu quả vụ án như nhận định của bản án sơ thẩm. Chưa kể, bị cáo còn là đồng phạm giúp sức cho em rể tham ô của Agribank Bến Thành hơn 8,8 tỉ đồng.
Kháng nghị của Viện KSND TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng TAND TP Hồ Chí Minh tuyên phạt Oanh tù chung thân về tội tham ô tài sản là chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ, hậu quả và hành vi phạm tội của bị cáo do số tiền chiếm đoạt từ hành vi tham ô đặc biệt lớn. Ngoài ra, bị cáo còn là kẻ chủ mưu, cầm đầu, thủ đoạn phạm tội rất tinh vi, được che đậy, kéo dài trong nhiều năm, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Để bảo đảm tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật, Viện KSND TP Hồ Chí Minh kháng nghị cần thiết phải xử phạt Nguyễn Thị Hoàng Oanh mức tử hình.