Quyết tâm dẫn đầu về đổi mới giáo dục
Giáo dục - Ngày đăng : 06:51, 10/08/2018
Duy trì chất lượng
Năm học 2017-2018, ngành Giáo dục - Đào tạo Thủ đô tiếp tục phát triển mạnh về quy mô với 2.641 trường học, gần 1,9 triệu học sinh. Được sự quan tâm, đầu tư của thành phố, sự nỗ lực của đội ngũ thầy, cô giáo, học sinh và sự đồng hành, ủng hộ của các bậc phụ huynh, chất lượng giáo dục ở mọi cấp học, ngành học tiếp tục có nhiều chuyển biến.
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 xây dựng được 70% trường học đạt chuẩn quốc gia. |
Ở cấp học mầm non, 583/584 xã, phường, thị trấn duy trì kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 30/30 quận, huyện, thị xã đã phê duyệt kế hoạch “Phát triển giáo dục mầm non đến năm 2020”, tạo điều kiện để trẻ mầm non được phát triển toàn diện, làm nền tảng vững chắc cho các bậc học sau. Giáo dục tiểu học được công nhận đạt chuẩn phổ cập mức độ 3. Hơn 90% số trường tiểu học đã tổ chức cho học sinh học 2 buổi/ngày, là cơ sở thuận lợi cho việc triển khai chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn ở bậc trung học tiếp tục được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao, tỷ lệ học sinh xếp loại văn hóa khá, giỏi tăng so với năm học trước.
Đặc biệt, Hà Nội đã tổ chức thành công kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 - kỳ thi được Bộ Giáo dục và Đào tạo trao quyền cho địa phương chủ trì thực hiện toàn bộ các khâu. Với gần 80.000 học sinh dự thi, Hà Nội có tỷ lệ tốt nghiệp đạt 99,38%; tỷ lệ học sinh đăng ký dự thi đại học có tổng điểm 3 môn thi ở các khối thi truyền thống đạt từ 15,0 điểm trở lên chiếm gần 76%. Đây cũng là năm Hà Nội duy trì vị trí dẫn đầu cả nước về số lượng bài thi THPT quốc gia đạt điểm 10. Đáng chú ý, đóng góp vào kết quả chung của ngành Giáo dục - Đào tạo Thủ đô năm học vừa qua, có sự nỗ lực không nhỏ của các trường ngoài công lập. Minh chứng cho điều ấy là trong số 72 trường có tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 100%, thì có 38 trường ngoài công lập. Cũng trong năm học vừa qua, học sinh Thủ đô tiếp tục khẳng định tài năng trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, trong đó có 138 giải và huy chương các loại ở đấu trường quốc tế.
Ở bậc học giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp, mặc dù còn nhiều khó khăn, song các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đã tổ chức có chất lượng việc vừa dạy văn hóa, vừa dạy nghề, góp phần đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT.
Tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục
Trước yêu cầu, nhiệm vụ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TƯ Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", nhất là để chuẩn bị cho việc triển khai chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới, năm học 2018-2019, TP Hà Nội đặt mục tiêu tăng cường đầu tư các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, trong đó, cơ sở vật chất trường, lớp học là yếu tố quan trọng.
Với quan điểm "giáo dục là quốc sách hàng đầu", nhiều năm qua, mặc dù nguồn ngân sách còn hạn hẹp, song Hà Nội luôn dành sự quan tâm thiết thực cho sự nghiệp giáo dục. Đón năm học mới 2018-2019, TP Hà Nội đã dành 19.000 tỷ đồng để xây dựng và cải tạo cơ sở vật chất trường, lớp học, chiếm 25,5% mức chi từ ngân sách. Toàn thành phố có thêm 66 trường học và 22.000 phòng học mới. Không chỉ ưu tiên dành quỹ đất để bổ sung trường học, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chỗ học cho học sinh Thủ đô, việc xây dựng trường học theo hướng đồng bộ, hiện đại và đạt chuẩn quốc gia được coi là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, với mục tiêu nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia từ 62% hiện nay, lên 70% vào năm 2020. Cũng trong năm học mới này, Hà Nội phấn đấu hoàn thành việc rà soát, bổ sung quy hoạch hệ thống trường học toàn thành phố; quyết tâm giải quyết những vấn đề còn nổi cộm của giáo dục hiện nay, bằng việc quan tâm xây dựng, cải tạo hệ thống nhà vệ sinh trường học; ngăn chặn hiện tượng bạo lực học đường và các hành vi vi phạm pháp luật; xử lý nghiêm khắc hiệu trưởng để xảy ra lạm thu...
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh: Năm học mới, ngành Giáo dục - Đào tạo Thủ đô quyết tâm giữ vững thành tích đã đạt được, khẳng định vị trí dẫn đầu trong việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ; tích cực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để triển khai chương trình, sách giáo khoa mới. Một nhiệm vụ quan trọng khác của ngành Giáo dục - Đào tạo Hà Nội trong năm học mới là tăng cường kỷ cương, nền nếp ở các nhà trường, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh. Để hoàn thành được mục tiêu này, việc đầu tư cho đội ngũ nhà giáo tiếp tục được ngành Giáo dục - Đào tạo Hà Nội đặt ra là nhiệm vụ trọng tâm. Hà Nội sẽ phối hợp với các trường sư phạm xây dựng kế hoạch linh hoạt về đào tạo, đào tạo lại; quan tâm bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo về cả trình độ chuyên môn, năng lực nghiệp vụ và ý thức, đạo đức, nêu cao tính gương mẫu và sự nhiệt huyết của người thầy.