Bài cuối: Không chủ quan, mất cảnh giác
Chính trị - Ngày đăng : 06:38, 10/08/2018
Khắc phục biểu hiện chững lại
Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn cho rằng, kết quả thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU có ý nghĩa quan trọng, nhưng chưa thực sự bền vững. Đồng chí phân tích: “Một số tổ chức cơ sở Đảng mới chỉ tốt trong điều kiện bình thường; sự năng động, sáng tạo, uy tín cũng có mức độ. Do đó, các cấp ủy phải nỗ lực hơn nữa để tổ chức cơ sở Đảng có đủ năng lực, sức chiến đấu, đứng vững khi xảy ra vấn đề khó khăn”.
Lãnh đạo TP Hà Nội định kỳ tiếp công dân, qua đó lắng nghe và chỉ đạo giải quyết kịp thời nhiều bức xúc, kiến nghị. Ảnh: Duy Linh |
Theo Ban Tổ chức Thành ủy, đến nay vẫn còn 112 vụ việc phức tạp trong số 200 vụ việc theo Báo cáo số 102-BC/BTCTU ngày 2-6-2017 chưa được giải quyết (chiếm 56%), trong đó phần lớn thuộc thẩm quyền các quận, huyện, thị xã (88 vụ việc). Huyện Mê Linh và Sóc Sơn chưa giải quyết xong vụ việc nào; trong khi không ít nơi còn số lượng lớn vụ việc chưa giải quyết như: Quận Hoàng Mai (còn 14/21 vụ), quận Ba Đình (13/15 vụ), huyện Đông Anh (10/19 vụ). Trên 48% số vụ việc do các quận, huyện, thị xã tự rà soát (157/326 vụ) cũng chưa được giải quyết xong; chưa kể 23 vụ mới phát sinh năm 2018. Hiện nay, 150 vụ việc phức tạp đã được Ban Nội chính Thành ủy thống kê đưa vào danh sách theo dõi chung của thành phố. Ngoài ra còn 21 tổ chức cơ sở Đảng chưa được củng cố. Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho rằng, tiến độ giải quyết các vụ việc phức tạp trong 6 tháng đầu năm 2018 có biểu hiện chững lại.
Trong khi đó, đúng như đồng chí Đào Đức Toàn phân tích, tính chất chưa thực sự bền vững thể hiện ở rất nhiều “điểm nóng” dù đã được làm “nguội”, nhưng nguy cơ bùng phát trở lại vẫn còn. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Vũ Hồng Khanh cho rằng: “Thời gian qua, không phải lúc nào, nơi nào cũng đủ quyết liệt trong xử lý cán bộ yếu kém. Không ít cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; có nơi còn phó mặc cho bộ phận chuyên môn”.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo nhận định, năm 2017, toàn thành phố có 5 tổ chức cơ sở Đảng yếu kém, qua thực tế kiểm tra một tổ chức cơ sở Đảng được đánh giá “hoàn thành nhiệm vụ” nhưng lại có nhiều cán bộ vi phạm bị kỷ luật hoặc xử lý về pháp luật. “Việc rà soát, đánh giá chất lượng tổ chức và hoạt động tổ chức cơ sở Đảng thời gian qua tuy có tiến bộ, nhưng vẫn chưa phản ánh đúng thực chất tình hình”- đồng chí Vũ Đức Bảo chỉ rõ.
Thực hiện đối thoại theo từng cấp
Trước khi Nghị quyết số 15-NQ/TU được ban hành, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 16-12-2016 về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP Hà Nội”; Thành ủy Hà Nội ban hành Quyết định số 2200-QĐ/TU ngày 25-5-2017 về “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội”. Đây là những chủ trương đồng bộ, có ý nghĩa hỗ trợ tích cực trong thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU.
Tuy nhiên, việc thực hiện tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở với người dân vẫn nặng về định kỳ, hình thức; ít thấy sự chủ động đối thoại với dân từ sớm. Nhiều vụ việc phức tạp, các đồng chí lãnh đạo cấp thành phố phải trực tiếp đối thoại mới giảm được bức xúc. Lãnh đạo thành phố yêu cầu thời gian tới, phải thực hiện bằng được việc đối thoại theo từng cấp. Vụ việc xảy ra ở phường, xã, lãnh đạo phường, xã phải vào cuộc đối thoại ngay.
Chánh Thanh tra thành phố Nguyễn An Huy cho biết thêm, trong quá trình giải quyết các vụ việc phức tạp ở cơ sở theo tinh thần Nghị quyết 15-NQ/TU cho thấy, một trong những khó khăn lớn hiện nay là do hiểu biết pháp luật hạn chế, nên công tác tham mưu của các phòng, ban thuộc các quận, huyện, thị xã cho lãnh đạo “chưa tới”. Vì vậy, trước những vụ việc phức tạp thì các sở, ngành, địa phương phải “chụm đầu” vào để cùng bàn giải pháp. Các địa phương cũng phải chủ động mời các sở, ngành tham gia. Khi được mời tham gia, lãnh đạo sở, ngành cần trực tiếp dự hoặc cử cán bộ có khả năng đóng góp ý kiến giải quyết, không nên cử cán bộ chỉ đến để nghe. “Ví dụ như vụ việc số 46 Hàng Cót (quận Hoàn Kiếm) hay 6 vụ việc ở quận Nam Từ Liêm chúng tôi phải mời từng đơn vị và quận ngồi với nhau mới ra được vấn đề” - đồng chí Nguyễn An Huy nói.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chỉ đạo: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên" phải được coi là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Đây cũng chính là nhiệm vụ cốt lõi của Nghị quyết 15-NQ/TU đặt ra, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, tiếp tục đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm cao của cấp ủy các cấp cũng như mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.