Bắt đầu với người trẻ

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:22, 12/08/2018

(HNM) - Xem xét vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị các bộ môn nghệ thuật truyền thống hiện nay trên phạm vi toàn quốc cũng như ở từng địa phương, trong đó có Hà Nội, dễ thấy sự khó là điều thường được đề cập. Nghệ thuật truyền thống không còn nhiều khán giả như trước, loay hoay mãi mà không tìm ra cách thật sự hiệu quả để kéo người xem đến với mình.


Nhiều đoàn, nhà hát nghệ thuật truyền thống sống trong cảnh “lay lắt”, muốn được “đỏ đèn” thường xuyên mà phải bó tay, vì nhiều nhẽ. Đa số thiếu kịch bản vừa hay vừa mới để thoát khỏi cảnh nương nhờ vào bài bản cũ hoặc diễn trích đoạn những tác phẩm kinh điển. Nguyên nhân chủ yếu là đội ngũ viết kịch bản không còn hùng hậu như trước, nhuận bút không đủ kích thích giới sáng tạo nghệ thuật.

Ở làng xã, cái nôi của nghệ thuật truyền thống, sinh hoạt văn hóa văn nghệ không còn được duy trì thường xuyên; những nghệ nhân hàng đầu đều đã cao tuổi, có người ra đi, mang theo vốn quý di sản mãi mãi. Người trẻ, cả với vai trò khán giả và trong vai người trực tiếp tham gia sáng tạo, đang có xu hướng xa rời nghệ thuật truyền thống để đến với những loại hình nghệ thuật - giải trí hiện đại…

Nghĩ về sự khó nói trên, ngoài những yếu tố liên quan đến chất lượng công tác triển khai thực hiện chủ trương, đường lối, chiến lược, kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống đúng đắn của Đảng, Nhà nước và các địa phương, dễ thấy sự khó bao trùm liên quan đến giới trẻ. Từ số lượng khán giả trẻ đến việc truyền dạy kỹ năng biểu diễn, tinh hoa nghệ thuật truyền thống, những bài bản cổ để người trẻ vận dụng khả năng sáng tạo đưa những giá trị đó hòa vào cuộc sống mà không làm méo mó giá trị cổ truyền. Từ việc xây dựng giáo trình đào tạo bài bản trong các nhà trường đến công tác tuyển sinh. Từ phát hiện, bồi dưỡng đến áp dụng chính sách trọng dụng nhân tài…

Vướng mắc trong những phần việc nói trên đã dẫn đến một thực tế là chúng ta không chỉ thiếu khán giả trẻ làm bệ đỡ cho nghệ thuật truyền thống tồn tại và phát triển bền vững, mà còn thiếu lực lượng nòng cốt đủ mạnh để đem tinh hoa nghệ thuật dân tộc đến với người xem, thuyết phục họ rằng nghệ thuật truyền thống là điều không thể thiếu trong đời sống hiện đại. Hai yếu tố quan trọng đó - khán giả trẻ và người làm nghệ thuật trẻ - không được quan tâm đầy đủ thì nghệ thuật truyền thống dễ lâm vào cảnh lung lay gốc rễ.

Do vậy, hiện nay, bên cạnh việc hoàn chỉnh chính sách, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống, điều quan trọng là cùng lúc phải dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác đào tạo “khán giả” và đào tạo đội ngũ biểu diễn, sáng tác. Đó là điều không đơn giản bởi nghệ thuật truyền thống là bộ môn khó cả về chuyên môn và về cảm thụ, lại không thuộc số loại hình nghệ thuật - giải trí “thời thượng”, “thấy mặt là thấy tiền”, thậm chí là rất nhiều tiền.

Muốn tăng sức hút cho nghệ thuật truyền thống, hướng vào mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững thì cần đồng thời giải quyết hai nhiệm vụ nói trên. Bên cạnh đó, cần có giải pháp bổ trợ hiệu quả, chẳng hạn như dành kinh phí tổ chức sân chơi chuyên nghiệp và không chuyên cho giới trẻ yêu thích, theo học các bộ môn nghệ thuật truyền thống; khởi động lại chương trình sân khấu học đường; tuyển chọn hạt nhân nghệ thuật truyền thống tại các nhà trường và thông qua các hoạt động của tổ chức Đoàn để những hạt nhân đó có cơ hội rèn luyện, thể hiện, góp phần tạo thói quen theo dõi cũng như nâng cao hiểu biết về nghệ thuật truyền thống trong đội ngũ học sinh, sinh viên…

Bắt đầu từ người trẻ không những giúp vực dậy nền nghệ thuật truyền thống mà còn đồng nghĩa với việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Dục Tú