Hòa cùng nhịp đập phố phường
Văn hóa - Ngày đăng : 06:25, 12/08/2018
Điệu múa “Con đĩ đánh bồng” được trình diễn tại lễ hội đường phố “Tinh hoa Hà Nội - Hội tụ và tỏa sáng”, tháng 7-2018. Ảnh: Viết Thành |
Tạo nhiều không gian biểu diễn
Trong lễ hội đường phố “Tinh hoa Hà Nội - Hội tụ và tỏa sáng” nhân kỷ niệm 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô diễn ra tại không gian đi bộ Khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận vừa qua, phần trình diễn múa “Con đĩ đánh bồng” của các nam nghệ nhân làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) đã thực sự gây “sốt” với những tràng pháo tay, lời trầm trồ và mong muốn được xem biểu diễn thêm của người dân, du khách. Nhiều ngày sau đó, những bức ảnh, clip về phần trình diễn của các chàng trai mặt hoa, da phấn, xúng xính áo tứ thân, chít khăn mỏ quạ với những bước nhảy theo nhịp trống uyển chuyển, mềm mại và không kém phần lẳng lơ ấy tiếp tục lan truyền trên mạng, nhận được nhiều bình luận bày tỏ thích thú của giới trẻ.
Quả thật, nếu không bước ra không gian biểu diễn công cộng, hòa cùng đời sống, ít ai biết, “Con đĩ đánh bồng” là điệu múa cổ của Hà Nội, được giữ gìn ở làng Triều Khúc từ đời này qua đời khác, là một phần không thể thiếu trong lễ hội làng đầu năm. Tại đất tổ của điệu múa, nghệ nhân Triệu Đình Hồng - người cuối cùng của làng Triều Khúc còn truyền dạy được điệu múa, nay đã hơn 70 tuổi - cho biết, điệu múa này hấp dẫn công chúng, bởi nó phô được nét duyên dáng của cơ thể, có đoàn nhạc sống hộ tống và tạo được không khí lễ hội tưng bừng, vui vẻ.
Giống như điệu múa trên, nhiều môn nghệ thuật truyền thống của đất Thăng Long - Hà Nội như chèo, xẩm, ca trù, chầu văn, múa rối… rất gần gũi, hấp dẫn khán giả, nhưng lại đang thiếu hụt những nghệ nhân giữ nghề và bị cạnh tranh bởi các loại hình giải trí hiện đại. Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam cho rằng, nghệ thuật truyền thống là loại hình biểu diễn dân gian, vì vậy chúng được cảm thụ tốt nhất khi ở những không gian dân dã, trên đường phố hoặc sân khấu nhỏ...
Trên địa bàn Hà Nội, ngoài những sân khấu của các đơn vị nghệ thuật truyền thống chuyên nghiệp, gần đây có nhiều điểm diễn nhỏ, hấp dẫn, thu hút được khán giả. Trong không gian phố cổ, sân khấu biểu diễn ca trù tại ngôi nhà cổ 87 Mã Mây, đền Quan Đế (28 Hàng Buồm) của Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long và tại đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc) của Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội trở thành địa chỉ quen thuộc của du khách thập phương những năm qua. Sân khấu nhỏ của Giáo phường ca trù Phó Thị Kim Đức - đào nương cuối cùng của Giáo phường ca trù Khâm Thiên, tại phố Tô Ngọc Vân (quận Tây Hồ) đã có lượng khách quen sau gần một năm ra mắt.
Còn sân khấu biểu diễn của nhóm xẩm Hà thành ở đền Vua Lê trong không gian đi bộ Khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận thường xuyên thu hút đông đảo khán giả vào các tối cuối tuần. Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, thành viên nhóm chia sẻ: Khán giả của chúng tôi không chỉ là những người lớn tuổi, mà rất đông thanh, thiếu niên. Vắng diễn một buổi là khán giả lại hỏi...
Trong khi đó, Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam cũng đang tổ chức những sân khấu biểu diễn chèo, cải lương, chầu văn tại các làng nghề truyền thống như: Làng lụa Vạn Phúc, làng gốm sứ Bát Tràng vào dịp cuối tuần để phục vụ nhân dân và du khách. Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cũng đã có kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, đưa nghệ thuật truyền thống đến không gian công cộng biểu diễn.
Trao truyền cho người trẻ
Điều trăn trở lớn nhất của những người gìn giữ nghệ thuật truyền thống ở Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung là thiếu lớp kế cận, từ khán giả cho đến người học nghề. Nghệ nhân Triệu Đình Hồng cho biết, điệu múa “Con đĩ đánh bồng” chỉ truyền cho người trẻ, là những chàng trai khôi ngô, ngoan ngoãn, học hành giỏi giang trong làng. Đặc trưng của điệu múa này là nam đóng giả nữ, phải trang điểm, múa dẻo…, nên không phải thanh niên nào cũng muốn. Lứa này lớn tuổi một chút, lại phải tuyển lứa mới. “Tôi rất muốn điệu múa này lan rộng hơn trong cộng đồng, nhưng theo quy định, điệu múa chỉ được truyền dạy cho người làng, nên rất khó” - nghệ nhân Triệu Đình Hồng chia sẻ.
Tương tự, các bộ môn nghệ thuật truyền thống ít khắt khe trong đối tượng truyền dạy như chèo, ca trù, chầu văn, xẩm, múa lân sư rồng… vẫn ít được phổ biến. Theo dõi nghệ thuật truyền thống nhiều năm, người viết gặp không ít ý kiến của các bạn trẻ giãi bày rằng, không phải họ quay lưng với nghệ thuật truyền thống, mà thực tế là nghệ thuật truyền thống ít xuất hiện trước họ.
Là một trong những người sáng lập dự án “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương” đưa các bạn trẻ trải nghiệm nghệ thuật chèo, đồng thời tham gia và hiện là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tuyên truyền văn hóa - lịch sử (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) Ngô Quang Minh cho rằng, bên cạnh sức hấp dẫn của nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật truyền thống là cầu nối để mỗi người tìm hiểu văn hóa, lịch sử dân tộc - vốn là những thứ cần thiết đối với người trẻ. Minh chứng là các chương trình trải nghiệm nghệ thuật truyền thống được tổ chức tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, không chỉ nhận được sự hưởng ứng của sinh viên trong trường, mà còn của sinh viên nhiều trường học khác ở Hà Nội.
Ba năm nay, Trung tâm Văn hóa TP Hà Nội phối hợp với Câu lạc bộ Tuyên truyền văn hóa - lịch sử tổ chức hoạt động “Về nguồn”, đưa các bạn trẻ tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa truyền thống. “Về nguồn 2018” gồm chuỗi 5 chương trình trải nghiệm cùng các di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của Hà Nội là múa “Con đĩ đánh bồng”, ca trù, xẩm, chèo, chầu văn được kỳ vọng để người tham gia hòa nhập, gánh vác một phần trách nhiệm bảo tồn, phát triển di sản; đồng thời, nuôi dưỡng thái độ ứng xử văn minh đối với di sản trong giới trẻ. Hiện tại, những số đầu tiên của hoạt động đã nhận được sự đăng ký tham gia của đông đảo bạn trẻ, hứa hẹn một mùa thành công.
Tạo nhiều cơ hội tiếp cận với công chúng, trao truyền cho thế hệ trẻ, đó là cách tự nhiên để nghệ thuật truyền thống được bảo tồn và phát triển trong đời sống hôm nay.