Số hóa dữ liệu liệt sĩ, mộ liệt sĩ: Hành động tri ân ý nghĩa

Đời sống - Ngày đăng : 07:08, 12/08/2018

Từ ngày 26-7-2018, thông tin, dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ tại hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước đã được số hóa, công bố tại địa chỉ http://thongtinlietsi.gov.vn.

Cán bộ, nhân viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam trực tiếp thu thập thông tin về liệt sĩ để tiến hành số hóa.


Còn hơn 500.000 liệt sĩ chưa rõ thông tin

Sau chiến tranh, Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành, đơn vị, địa phương, cộng đồng xã hội không ngừng nỗ lực tìm kiếm thông tin, hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ. Đặc biệt, việc triển khai “Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin” theo tinh thần Quyết định số 150/QĐ-TTg, ngày 14-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ đã góp phần “tìm lại tên” cho hàng nghìn liệt sĩ.

Đại tá Nguyễn Lê Cát, Chủ nhiệm Khoa Xét nghiệm, Viện Pháp y quân đội cho biết, Viện đã được đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại để có thể đẩy nhanh tiến độ, phân tích chính xác các mẫu ADN xác định danh tính liệt sĩ. Tuy nhiên, quá trình này gặp không ít khó khăn do có những trường hợp không đủ thông tin để xác minh, đối chiếu…

Dù vậy nhưng những người làm công việc thầm lặng và thiêng liêng này chưa bao giờ nguôi hy vọng. Nhiều năm qua, Đại tá Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam cùng các cộng sự đã lượm lặt, phân tích, khớp nối thông tin về liệt sĩ làm căn cứ để tìm kiếm, quy tập hài cốt và xác định danh tính liệt sĩ. Kết quả, Hội đã giúp hàng trăm gia đình đón liệt sĩ trở về với người thân, với đất mẹ. Nhiều đơn vị quân đội cũng tham gia tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên mọi chiến trường.

“Việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhưng đó là trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng của chiến sĩ trong thời bình. Chỉ cần có thông tin về liệt sĩ, dù ở bất cứ đâu, chúng tôi cũng đến đưa các anh về”, Đại tá Lê Văn Mỹ, Đội K71, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh cho biết.

Tham gia vào cuộc tìm kiếm thông tin về liệt sĩ còn có những cá nhân từng vào sinh ra tử trên các chiến trường. Ông Tiêu Văn Tấn (Khu tập thể Binh đoàn 11, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) đã có gần 20 năm đi tìm đồng đội, giúp đưa nhiều hài cốt liệt sĩ trở về quê hương. Ông Phạm Song Toàn (xã Nhị Khê, huyện Thường Tín) có hàng chục chuyến đi đến nghĩa trang liệt sĩ ở các tỉnh miền Trung tìm thông tin liệt sĩ. Sau khi ghi chép đầy đủ thông tin, ông Toàn gửi thư đến các gia đình liệt sĩ hoặc thông báo tìm thân nhân liệt sĩ trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Hễ thu xếp được công việc gia đình, ông Nguyễn Đức Phổ (thôn Hạ, xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức) lại “khăn gói” lên đường tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Từ chiến trường xưa, ông Nguyễn Đức Phổ đã gửi niềm vui, niềm tin về cho hàng trăm gia đình…

Tuy đã rất cố gắng nhưng hiện nay, cả nước vẫn còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập, chủ yếu nằm ở các tỉnh phía Nam và nước bạn Lào, Campuchia. Hệ thống nghĩa trang trên phạm vi cả nước còn hơn 300.000 mộ phần có hài cốt nhưng chưa có hoặc chưa rõ thông tin. Như vậy, số liệt sĩ chưa xác định được thông tin lên đến hơn 500.000, trong khi những đồng đội có thể biết thông tin về liệt sĩ ngày càng ít đi.

Xây dựng ngân hàng thông tin về liệt sĩ

Nhằm nâng cao hiệu quả tìm kiếm thông tin về liệt sĩ, Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng xây dựng Cổng thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ. Bắt tay thực hiện từ đầu năm 2018 với sự tham gia của hàng vạn người, đến nay, các cơ quan chức năng đã số hóa tương đối đầy đủ thông tin, dữ liệu về hơn 800.000 phần mộ liệt sĩ, hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ tại địa chỉ http://thongtinlietsi.gov.vn.

Ông Trần Minh, Viện trưởng Viện Công nghệ phần mềm và nội dung số Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông) hướng dẫn: Người dân truy cập vào tên miền này sẽ thấy danh sách nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước, bản đồ chỉ đường đến nghĩa trang, hình ảnh tổng quan về nghĩa trang, sơ đồ, danh sách mộ và hình ảnh từng ngôi mộ. Riêng thông tin về liệt sĩ tại Nghĩa trang Đường 9, Trường Sơn, Tân Biên, Việt Lào và Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Thuận có thể hiển thị trên bản đồ Google Maps.

Mục “Tra cứu” hiển thị trên Cổng thông tin giúp người dân tìm hiểu về thân nhân, đồng đội. Thân nhân liệt sĩ có thể vào chức năng này, nhập tên liệt sĩ và hệ thống sẽ hiển thị tất cả thông tin liên quan. Trong trường hợp thông tin chưa rõ, người dân tiếp tục vào mục “Liên hệ - phản hồi” đề nghị được cung cấp thông tin. Những người biết thông tin về liệt sĩ cũng có thể cung cấp tại mục “Liên hệ - phản hồi”. Mọi thông tin do nhân dân cung cấp sẽ được chuyển đến các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền để phân tích, xử lý.

Ông Hồ Tất Ái, Trưởng ban Quản lý Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị) xác nhận, sau hơn 2 tuần Cổng thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ đi vào hoạt động, lượng người gọi điện hoặc đến Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn tìm thông tin liệt sĩ giảm hẳn; lượng người trao đổi, cung cấp thông tin lại tăng lên.

Ngoài những dữ liệu đã cập nhật, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam khẳng định, đơn vị này sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thu thập, bổ sung thông tin về liệt sĩ, tiến tới xây dựng một ngân hàng thông tin về liệt sĩ đầy đủ, chính xác. Với nhiều tiện ích, kênh thông tin này sẽ giúp cho việc tìm kiếm mộ và xác định danh tính liệt sĩ được thuận tiện, chính xác hơn. Đó cũng là giải pháp góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh, là hành động tri ân đối với những người đã hy sinh vì đất nước.

Hà Hiền