Giữ an toàn giao thông tối đa cho học sinh
Giao thông - Ngày đăng : 06:22, 26/10/2022
Vi phạm còn nhiều
Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) lưu ý, việc xử lý không ảnh hưởng đến quá trình học tập của học sinh và tuân thủ quy chế phối hợp giữa lực lượng công an - nhà trường đã được cam kết. Với các đơn vị cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trong nội thành vừa bảo đảm điều tiết an toàn giao thông trước cổng trường học, vừa xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Trong đó tập trung vào việc cha mẹ và học sinh khi tham gia giao thông bằng xe máy không đội mũ bảo hiểm; học sinh đi xe máy khi chưa đủ tuổi quy định… Đối với khu vực ngoại thành, ngoài xử lý học sinh, phụ huynh có hành vi vi phạm, các đơn vị cần tăng cường kiểm tra các điều kiện an toàn của xe ô tô đưa đón học sinh.
Tham gia cùng tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông số 1 (Phòng Cảnh sát giao thông) làm nhiệm vụ tại ngã tư Ngô Quyền - Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm) vào một buổi sáng trong giờ đến trường cho thấy rất nhiều phụ huynh vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Điển hình là một số phụ huynh đi xe máy chở theo con nhỏ nhưng đều không đội mũ bảo hiểm. Trong đó, một trường hợp khi qua ngã tư phát hiện tổ công tác định tăng ga bỏ chạy song đã bị giữ lại. Tại chốt, người này nói tên là L.V.L. (ở quận Hoàn Kiếm) và cho biết vừa đưa con đến một trường học và đang trên đường về nhà để tiếp tục đưa con thứ hai tới một trường học khác. “Do tôi “vội quá” nên không kịp mang theo mũ bảo hiểm...”, người này giải thích.
Tiếp đó, khi phát hiện anh L.A.T. (ở quận Hoàn Kiếm) điều khiển xe máy chở theo 2 học sinh, cả 3 không đội mũ bảo hiểm. Cũng giống trường hợp kể trên, anh T. cho biết bản thân do “vội đưa con cho kịp giờ học” nên đã quên mang mũ bảo hiểm. Sau khi được tuyên truyền nhắc nhở, anh T. hứa sẽ không tái phạm.
Trực tiếp làm nhiệm vụ tại đây, Đại úy Ngô Xuân Giang (Đội Cảnh sát giao thông số 1) cho biết, do trên địa bàn có nhiều trường học nên cứ vào cao điểm giờ đến lớp và khi tan học, hiện tượng phụ huynh, học sinh điều khiển xe máy vi phạm Luật Giao thông đường bộ là không hiếm gặp.
Đề cao trách nhiệm của phụ huynh
Trong chương trình phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022-2025, Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định thời gian gần đây, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên có chiều hướng gia tăng. Thực tế này cho thấy, việc xử lý nghiêm các bậc phụ huynh vi phạm Luật Giao thông đường bộ khi đưa trẻ đến trường là cần thiết.
Về vấn đề này, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình Lê Đức Thuận khẳng định, đầu năm học 2022-2023, đơn vị đã phối hợp với các nhà trường, tổ chức hoạt động ngoại khóa để tuyên truyền, giúp học sinh hiểu và nắm rõ Luật Giao thông đường bộ, qua đó lan tỏa đến phụ huynh nhằm ngăn chặn vi phạm pháp luật về giao thông.
Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoàng Long Đào Thị Thu Trang cho biết, để giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật giao thông với nhóm đối tượng học sinh thì trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về các bậc phụ huynh. Bên cạnh đó là sự kết hợp giáo dục từ nhà trường. Việc xử lý nghiêm các trường hợp phụ huynh vi phạm pháp luật giao thông sẽ giúp học sinh nâng cao nhận thức, đồng thời có thể hiểu và nắm rõ về luật, qua đó áp dụng luật vào thực tiễn một cách hiệu quả.
Tiếp tục triển khai việc xử lý trên diện rộng và có chiều sâu, Thiếu tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 6 (Phòng Cảnh sát giao thông) khẳng định, bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho học sinh đến trường không chỉ kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông có thể xảy ra, mà còn góp phần nâng cao văn hóa giao thông.
Được biết trong tháng 9-2022, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) đã xử lý 413 trường hợp vi phạm pháp luật giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên, với các hành vi phổ biến là vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm, không chấp hành tín hiệu giao thông và hiệu lệnh dừng xe… Phòng Cảnh sát giao thông khuyến cáo, thực hiện Luật Giao thông đường bộ, trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về các bậc phụ huynh và sự kết hợp giáo dục học sinh từ nhà trường. Qua đó, sẽ giúp học sinh có thể biết và nắm rõ về luật, cũng như áp dụng luật vào thực tiễn. Ngoài ra, các bậc phụ huynh phải làm gương để con em học tập, noi theo.