Hóc dị vật ở trẻ - Hậu họa khôn lường

Sức khỏe - Ngày đăng : 06:36, 13/08/2018

(HNM) - Hóc dị vật luôn là một trong những nguy cơ gây tử vong hàng đầu ở trẻ nhỏ. Dù đã được cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện truyền thông nhưng những trường hợp trẻ bị hóc dị vật vẫn liên tiếp xảy ra.

Các bác sĩ tiến hành nội soi gắp dị vật trong mũi của một bệnh nhi.


Sống thực vật chỉ vì... hạt nhãn

Tại Bệnh viện Nhi trung ương, hầu như mùa vải, mùa nhãn nào cũng tiếp nhận một vài trường hợp bị dị vật đường thở do hạt nhãn, hạt vải trôi vào họng. Thế nhưng, khi tai nạn xảy ra rất ít phụ huynh biết sơ cứu đúng cách để cứu được con.

Mới đây, bé trai N.T.M. (2 tuổi ở Nam Định) được đưa vào Bệnh viện Nhi trung ương trong tình trạng nguy kịch vì hóc hạt nhãn. Người nhà bệnh nhân cho biết, cháu bé được chú cho ăn nhãn để nguyên quả và hạt. Trong khi ăn, hai chú cháu trêu đùa nhau, cháu bé bật cười nên ho sặc sụa, vì thế hạt nhãn đã rơi vào đường thở.

Sau đó, bé có biểu hiện tím tái cơ thể, ngừng tim, gia đình đã tiến hành sơ cứu và đưa đến bệnh viện huyện. Khi chuyển lên Bệnh viện Nhi trung ương, qua thăm khám các bác sĩ phát hiện hạt nhãn bị mắc ngay ở nắp thanh môn.

Tuy nhiên, do xử lý ban đầu không đúng cách nên khi được đưa đến viện bé M. đã rơi vào trạng thái hôn mê. Dù đã được các bác sĩ tích cực cấp cứu nhưng do bị tổn thương não vì thiếu oxy lâu nên M. phải sống thực vật.

Trước đó, Khoa Tai mũi họng (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) đã thực hiện cấp cứu thành công cho bệnh nhi D.M.Q. (7 tuổi ở Vạn Phúc, Hà Đông) bị hóc đồng xu. Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện trong tình trạng đau họng, nuốt vướng, không ăn uống được. Kết quả chụp X-quang cho thấy, đồng xu nằm ngang giữa cổ. Rất may là gia đình đã nhanh chóng đưa cháu bé đến bệnh viện và dị vật mắc kẹt tròn xung quanh nên không gây tổn thương niêm mạc. Các bác sĩ đã tiến hành nội soi gắp thành công đồng xu, cứu sống cháu bé.

Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, phụ trách Khoa Tai mũi họng (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) cho biết, trong trường hợp dị vật bị kẹt ở khí quản, chỉ trong vòng từ 3 đến 5 phút có thể gây tử vong hoặc sưng, nhiễm trùng rất khó khăn để xử lý. Do đó, việc xử trí cấp cứu đúng cách trong vài phút đầu khi tai nạn xảy ra mới có thể cứu sống bệnh nhân, nhất là dị vật kẹt ở đường thở. Nếu muộn hoặc sơ cứu không đúng, khi vận chuyển trẻ tới bệnh viện, trẻ bị thiếu oxy lên não, dù cứu sống được cũng để lại di chứng suốt đời.

Bác sĩ Phạm Ngọc Toàn, Khoa Cấp cứu chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương) hướng dẫn sơ cứu trẻ hóc dị vật.


Sơ cứu đúng cách

Thực tế cho thấy, việc sơ cứu đúng cách và kịp thời khi trẻ bị hóc dị vật rất quan trọng và cần thiết. Theo bác sĩ Phạm Ngọc Toàn, Khoa Cấp cứu Chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương), các bậc phụ huynh nên lưu ý, khi trẻ bị hóc dị vật, nếu trường hợp trẻ tỉnh táo, ho được thì nên khuyến khích ho, rồi đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý. Trong trường hợp trẻ không ho được, ho không hiệu quả, hoặc không tỉnh thì cần mở thông đường thở, nghe xem trẻ còn thở không. Nếu tim ngừng đập thì cần phải ép tim ngoài lồng ngực. Nếu trẻ tỉnh nhưng ho không hiệu quả thì cần vỗ lưng, ấn ngực.

Cụ thể, cho trẻ ngồi trên ghế và đặt lên cánh tay mình, cho đầu chúi xuống, nghiêng một bên, sau đó vỗ lưng 5 lần. Sau khi thực hiện các phương pháp trên, cần kiểm tra xem dị vật có ra không. Nếu dị vật vẫn bị mắc thì lật ngược trẻ dậy rồi ấn ngực trẻ nhiều lần, sau đó, đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất, hoặc gọi sự hỗ trợ của bác sĩ...

Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng đưa ra khuyến cáo, tốt nhất không cho trẻ cầm các loại đồ chơi, các vật nhỏ dễ khiến trẻ bỏ vào miệng. Nếu thấy trẻ đang ngậm hoặc ăn những thứ dễ gây hóc, không nên hoảng hốt, la hét vì như vậy sẽ khiến trẻ sợ hãi và dễ bị hóc hơn. Khi trẻ đang khóc hoặc cười lớn thì không nên đút thức ăn, hoặc cho uống thuốc, tuyệt đối không để trẻ vừa ăn vừa chơi…

Thêm vào đó, các bậc cha mẹ nên chú ý, trước khi cho trẻ ăn phải gỡ bỏ các hạt, mảnh xương… trong thức ăn. Bên cạnh đó, người thân trong gia đình cần quan tâm trông trẻ, không cho các bé chơi một mình xung quanh những vật dụng, đồ chơi có kích thước nhỏ.

Thậm chí, trong nhà hoặc phòng của bé chơi phải sạch sẽ, không có các vật như: Viên bi, pin, kèn, ngòi bút, lò xo... Nếu thấy trẻ ngậm vào miệng các vật nhỏ có thể gây hóc thì phải nhẹ nhàng, dỗ cho trẻ tự nhè ra; không cho tay móc miệng làm cho trẻ sợ, khóc, dễ nuốt dị vật vào đường ăn hoặc hít vào đường thở.

Không chỉ với dị vật, đối với trường hợp trẻ sặc chất lỏng như cháo, bột, sữa bị khó thở, tím tái, thì người lớn cần dốc ngược trẻ, vỗ lưng để trẻ ho tống các chất này ra khỏi đường thở. Sau đó khẩn trương đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị đúng cách, kịp thời, tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

Bài, ảnh: Thu Trang