Xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ đạt mốc kỷ lục mới với 40 tỷ USD
Kinh tế - Ngày đăng : 19:06, 13/08/2018
Đóng bao sản phẩm gạo xuất khẩu tại Công ty Lương thực Sông Hậu (Sông Hậu Food), thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN) |
Với tốc độ tăng trưởng này, khả năng năm nay nông lâm thủy sản xuất khẩu sẽ đạt mốc kỷ lục mới với 40 tỷ USD.
Đóng góp vào sự phát triển "tươi sáng" này phải kể đến các mặt hàng như gạo, rau quả, lâm sản, thủy sản...
Dự báo, đây vẫn là những mặt hàng triển vọng mang lại giá trị xuất khẩu cao cùng với xu hướng tiêu dùng cuối năm.
Đóng góp điển hình nhất với giá trị xuất siêu ấn tượng của ngành nông nghiệp từ đầu năm đến nay chính là lâm sản.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng giá trị xuất khẩu lâm sản chính 7 tháng đạt 5,025 tỷ USD, chiếm 22,6% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp.
Giá trị xuất siêu của lâm sản chính 7 tháng ước đạt 3,77 tỷ USD.
Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc luôn là 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 78,5% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Ngoài ra, các thị trường khác như Malaysia, Pháp, Australia cũng có giá trị xuất khẩu gỗ tăng mạnh.
Theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp dự báo, những tháng cuối năm luôn đạt giá trị tăng cao hơn so với các tháng đầu năm với ngành gỗ và các sản phẩm từ gỗ do thói quen tiêu dùng, mua sắm, thay thế nội, ngoại thất cũng như xây dựng trong nước và thế giới.
Bên cạnh đó, một số thị trường như Mỹ cũng có những cơ hội để sản phẩm gỗ Việt đẩy mạnh phát triển ở thị trường này trong tương lai.
Mặt khác, các đơn hàng thường được hoàn thành vào cuối năm, do đó dự báo gỗ và các sản phẩm từ gỗ sẽ là nhóm hàng có những tín hiệu khả quan và là điểm sáng của xuất khẩu nông lâm thủy sản năm nay.
Việt Nam và EU đang dần hoàn thành những thủ tục pháp lý trong tiến trình phê duyệt ký kết và phê chuẩn Hiệp định VPA/FLEGT (Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản).
Không chỉ với EU, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh đàm phán và ký kết các hiệp định song phương về thương mại lâm sản với một số thị trường tiềm năng như Australia, Nga, Canada, Ấn Độ; đàm phán về công nhận lẫn nhau các quy định gỗ hợp pháp.
Những hoạt động tích cực này sẽ giúp ngành gỗ Việt Nam đảm bảo được uy tín trên trường quốc tế về nguồn gốc gỗ hợp pháp, tạo cơ hội cho ngành gỗ phát triển, xuất khẩu bền vững trong tương lai.
Với thủy sản, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu thủy sản đạt 4,63 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường xuất khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 53,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.
Nhiều thị trường có giá trị xuất khẩu tăng mạnh với hai con số như Hà Lan, Đức, Anh, Thái Lan và Trung Quốc...
Chế biến cá thát lát xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN) |
Gần đây thị trường tôm nguyên liệu đang có xu hướng tăng giá nhẹ. Dự báo giá tôm vẫn tiếp tục phục hồi và tăng trong những tháng cuối năm do nhu cầu thị trường tăng cao.
Với cá tra, thuế nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc đã được điều chỉnh giảm khoảng 3-4% kể từ ngày 1-7 vừa qua.
Mặt khác, việc Mỹ áp thuế 10% đối với tất cả các sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tạo cơ hội để doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường này.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ có nhiều khởi sắc trong những tháng tới, đặc biệt tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ và EU.
Tuy nhiên, tại một số thị trường ngách (Saudi Arabia, Kuwait), đã có những biện pháp gia tăng kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh đối với các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc nhập khẩu từ Việt Nam.
Do vậy, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp thủy sản cần có các biện pháp tăng cường giám sát, đảm bảo chất lượng, an toàn dịch bệnh và tháo gỡ khó khăn vướng mắc từ các thị trường này.
Tuy không có mức tăng trưởng ấn tượng như năm 2017, nhưng đến nay, rau quả đã mang về giá trị xuất khẩu đạt 2,3 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước đó.
Trong các tháng cuối năm, xuất khẩu rau quả có thể sẽ khó khăn do ảnh hưởng mùa mưa, sản lượng một số loại giảm. Đặc biệt, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc làm hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc giảm; Trung Quốc sẽ tăng cường tìm kiếm thị trường xuất khẩu nông sản mới và đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, nhu cầu nhập khẩu giảm xuống. Điều này có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu rau quả Việt Nam vào thị trường này.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhờ ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), đã tạo điều kiện cho ngành rau quả Việt Nam mở cửa các thị trường mới.
Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả giảm phụ thuộc vào một thị trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần tăng cường các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi đảm bảo chất lượng rau quả phục vụ xuất khẩu, nhất là với việc thông tin, kiểm tra chất lượng của thị trường nhập khẩu.
Từ đầu năm đến nay, mặt hàng gạo xuất khẩu có sự phát triển khá ấn tượng nhờ duy trì đúng hướng với phân khúc thị trường gạo chất lượng cao nên giá gạo xuất khẩu từ đầu năm đến nay đạt trung bình trên 500 USD/tấn, tăng trên 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bởi vậy, 7 tháng qua, khối lượng xuất khẩu gạo đạt 3,9 triệu tấn với gần 2 tỷ USD, tăng 12,2% về khối lượng và tăng 29,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Về cơ cấu gạo xuất khẩu, gạo trắng chiếm tỷ lệ cao nhất 30,8%, chủ yếu sang thị trường Indonesia và Philippines; tiếp đến là các loại gạo thơm có kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ lệ 26,5%, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc, Ghana và Iraq…
Nhiều thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh như Indonesia (gấp 60 lần), Iraq (gấp 2,5 lần), Malaysia (gấp 2,1 lần)…
Chế biến long nhãn. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN) |
Dự báo, thị trường lúa gạo trong nước sẽ tiếp tục sôi động do nhu cầu tiêu thụ tăng từ các thị trường nhập khẩu. Điển hình Philippines, với nhu cầu nhập thêm 500.000 tấn gạo vào tháng 12. Iraq sẽ tăng nhập khẩu do phải cắt giảm diện tích canh tác lúa để đối phó với tình trạng thiếu nước. Ngoài ra, các nước châu Phi vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo để đáp ứng nhu cầu nội địa ngày càng cao.
Mặt khác, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ sẽ có khả năng cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh như Việt Nam hay Thái Lan do Chính phủ Ấn Độ vừa công bố nâng giá mua gạo từ nông dân lên 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là những cơ hội cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Tuy nhiên, ngành gạo cũng sẽ đối mặt nhiều khó khăn khi muốn tăng xuất khẩu, do thị trường lớn nhất là Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu và tăng cường kiểm soát chất lượng.
Đồng thời, giá gạo cũng sẽ khó đạt được mức cao do đồng USD tăng giá, gây sức ép lên giá xuất khẩu, nguồn cung từ vụ hè thu ở Việt Nam, Thái Lan cũng đang tăng cao. Do đó, các doanh nghiệp cần tập trung đẩy mạnh kiểm soát chất lượng gạo xuất khẩu và tìm kiếm thêm các thị trường xuất khẩu mới.
Hiện các mặt hàng nông sản của Việt Nam đã xuất khẩu sang 180 thị trường trên thế giới. Việc đang đàm phán và ký kết 16 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) sẽ giúp hàng hóa nông sản của Việt Nam được miễn giảm thuế và dễ dàng tiếp cận các thị trường lớn.
Cùng với đó là chất lượng hàng nông sản Việt Nam đã được cải thiện nhiều, tỷ trọng hàng chất lượng cao trong cơ cấu hàng xuất khẩu tăng mạnh.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, mặc dù các FTA, thỏa thuận song phương tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu nông sản, nhưng sự gia tăng bảo hộ của các nước đối với sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trong nước Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc…; các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm của các nước nhập khẩu ngày càng cao.
Việc đàm phán mở cửa thị trường cho các sản phẩn nông nghiệp của Việt Nam vào các thị trường gặp rất nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian.
Do đó, các đơn vị cần nâng cao chất lượng thu thập, phân tích thông tin, dự báo thị trường, đặc biệt là những thị trường trọng điểm để kịp thời cảnh báo các quy định về rào cản, vấn đề phát sinh có thể gặp… để các doanh nghiệp chủ động trong xuất khẩu.