Tu bổ di tích xuống cấp thế nào là đúng?

Văn hóa - Ngày đăng : 21:59, 15/08/2018

(HNMO) - Vụ việc sai phạm trong hoạt động tu bổ, tôn tạo đình Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa vừa qua lại một lần giữa gióng lên hồi chuông cảnh báo cho tình trạng xâm hại di tích nghiêm trọng tại một số địa phương trên địa bàn Hà Nội.

Ứng xử với “báu vật”

Theo báo cáo của Sở Văn hoá và Thể thao (VH-TT) thành phố, Hà Nội là địa phương có số lượng di tích, di sản nhiều nhất cả nước với 5.922 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 14 di tích quốc gia cấp đặc biệt, 1.164 di tích cấp quốc gia, 1.325 di tích cấp thành phố.

Các địa phương có nhiều di tích là huyện Thường Tín (440 di tích), Ứng Hòa (433 di tích), Ba Vì (394 di tích), Chương Mỹ (374 di tích), Phú Xuyên (345 di tích), Sóc Sơn (341 di tích)… Với khối lượng di sản đồ sộ, Hà Nội đang sở hữu nhiều “báu vật” quý - tiềm năng lớn trong việc phát huy vốn văn hóa phong phú và phát triển kinh tế du lịch.

Việc bê tông hóa đình Lương Xá 300 tuổi tại huyện Ứng Hòa khiến nhiều người xót xa.


Theo thời gian, nhiều di tích xuống cấp nghiêm trọng. Tình trạng di tích “kêu cứu” do xập xệ nhưng không được để ý, quan tâm kịp thời đã trở thành “bài toán khó” cho những đơn vị quản lý di tích của Hà Nội cũng như của các địa phương.

Đã từng có nhiều bài học đau lòng về vi phạm trong tu bổ, tôn tạo di tích tại Hà Nội, điển hình như vụ việc sư trụ trì tự ý hạ giải nhà Tổ, khiến ngôi chùa Trăm Gian (Chương Mỹ) có giá trị kiến trúc đặc biệt từ thời Lý Cao Tông (1176-1210) bị “biến dạng”. Hoặc hành động xây mới, bổ sung nhiều hiện vật lòe loẹt ở ngôi chùa đã xếp hạng cấp quốc gia - chùa Khúc Thủy (Thanh Oai) cũng làm những người yêu mến với di sản Thủ đô phải trăn trở. Mới đây là vụ việc ngôi đình có tuổi đời 300 tuổi ở thôn Lương Xá bị phá đi xây mới bằng bê tông một lần nữa khiến dư luận lo lắng.

Về vấn đề ứng xử thế nào với những di tích xuống cấp, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có quá nửa số di tích chưa xếp hạng, trong số đó có những di tích xứng đáng ở cấp quốc gia, cấp thành phố. Hàng năm Sở đã trình khoảng 100 bộ hồ sơ xếp hạng di tích. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi nhiều thủ tục, yêu cầu hồ sơ khoa học, bản đồ địa chính... do vậy số hồ sơ trình được là chưa nhiều.

“Hiện nay, trong phân cấp của thành phố đã quy định rõ đến trách nhiệm của chính quyền xã, phường, thị trấn. Các di tích ở địa phương do nhân dân địa phương xây dựng, tạo nên, nhưng khi trở thành di sản phải do Nhà nước quản lý. Việc này để tránh tình trạng nhiều địa phương coi di tích là tài sản riêng, người dân coi đó là tài sản của ông cha họ nên dẫn đến tình trạng "muốn làm gì thì làm", ông Trương Minh Tiến bày tỏ.

Tìm giải pháp cho tu bổ, tôn tạo di tích?


Hà Nội hiện có 1.500 di tích bị xuống cấp, trong đó có 500 di tích cần được tu bổ, tôn tạo, 200 di tích cần được tôn tạo ngay. Nhưng việc tu bổ, tôn tạo thế nào cho đúng và phù hợp với điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất của địa phương và nhân dân lại là vấn đề lớn.

Trước đó, sai phạm trong việc tu bổ chùa Trăm Gian cũng gây bức xúc trong dư luận.


Về vấn đề này, ông Vũ Hồng Hải - Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phúc Thọ bày tỏ, các di tích xuống cấp khẩn cấp, vẫn phải lập hồ sơ khoa học trình các cấp có thẩm quyền thẩm định. Việc này trì hoãn quá trình tu bổ các di tích, ảnh hưởng đến hiệu quả duy tu, bảo tồn.

Ông Vũ Hồng Hải kiến nghị một số biện pháp là: Nên có sự thống nhất quản lý nhà nước về đất đai trong lĩnh vực tôn giáo, tin ngưỡng; đề xuất giao thẩm quyền phê duyệt chủ trương, thẩm định hồ sơ thiết kế bảo tồn cho cấp huyện đối với các di tích chưa xếp hạng; cần giảm bớt thủ tục hành chính, đầu tư tu bổ di tích…

PGS.TS Phạm Mai Hùng lại cho rằng, ngân sách nhà nước hạn chế nên việc huy động các nguồn xã hội hóa là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc này cũng nảy sinh vấn đề là có quá nhiều di tích bị làm mới vì xu hướng thích hoành tráng của một số cá nhân, đặc biệt các cá nhân có nguồn tiền xã hội hóa hỗ trợ công tác tu bổ. PGS.TS Phạm Mai Hùng đề nghị, nên đề ra quy chế, quy định để giảm thiểu ý kiến không đúng với nguyên tắc tu bổ của các nhà hảo tâm.

Về vấn đề làm thế nào tôn tạo, tu bổ nguyên vẹn được di tích, bảo đảm sử dụng những vật liệu truyền thống như gỗ trong khi đây lại là vật liệu đắt và khó kiếm, ông Trương Minh Tiến cho biết, hiện tại, chưa có hướng dẫn chính thức thức từ Bộ VH-TT&DL về vấn đề này nhưng chúng ta phải thực hiện tu bổ dựa trên nguyên tắc tôn trọng yếu tố gốc của di tích để tìm loại vật liệu thay thế cho phù hợp.

TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, trong hoạt động tu bổ, có những hạng mục có ý nghĩa, giá trị văn hóa, lịch sử to lớn thì phải giữ nguyên gốc, những cái ít quan trọng hơn mới thay thế.

Thực tế, thời gian qua TP Hà Nội rất quan tâm tới việc đầu tư bảo tồn di sản. Điển hình như từ năm 2010 - 2012, ngân sách cũng như từ nguồn huy động xã hội hóa cho bảo tồn di sản đã đạt 2.950 tỷ đồng. Trong năm 2013, ngân sách TP và nguồn vốn huy động xã hội hóa cho bảo tồn di sản đạt 830 tỷ đồng. Thời gian qua, Thủ đô đã thực hiện việc bảo tồn cho 1.475 di tích. Điều này cho thấy, Hà Nội rất chú trọng trong việc bảo tồn, giữ gìn những “báu vật” văn hóa.

Việc tu bổ, tôn tạo di tích rõ ràng là vấn đề còn nhiều thách thức, đòi hỏi sự phối hợp các cấp trong công tác bảo vệ, trùng tu di tích, di sản. Để làm tốt điều này, Hà Nội cần phải có sự phân cấp quản lý và quy rõ trách nhiệm cụ thể. Bên cạnh đó, Hà Nội cần sự chung tay, vào cuộc của đội ngũ chuyên gia có chuyên môn và hiểu biết về di sản để có tư vấn và hướng dẫn cụ thể trong các bước bảo vệ, tôn tạo di tích.

Hoàng Lân