Lo ngại có nhiều chính sách giảm nghèo nhưng không đủ nguồn lực đầu tư

Đời sống - Ngày đăng : 09:01, 15/08/2018

(HNM) - Ngày 14-8, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã làm việc với Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thực hiện chính sách giảm nghèo.


Thời gian qua, ngân sách trung ương bố trí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020 là hơn 21.597 tỷ đồng. Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước còn 6,7% (giảm 1,53% so với cuối năm 2016), trong đó bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 40% (giảm 5% so với cuối năm 2016); bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới... giảm 3% đến 4% so với cuối năm 2016, đạt mục tiêu đề ra.

Tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành cho biết, vừa qua Chính phủ, các bộ, ngành đã tích cực triển khai việc tích hợp chính sách, giảm được đáng kể tình trạng trùng lặp chính sách và đã chuyển dần từ chính sách “cho không” sang chính sách hỗ trợ có điều kiện. Các chính sách phát triển, thu hút, ưu đãi doanh nghiệp hoạt động đầu tư đã cơ bản đầy đủ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi… Tuy nhiên, bất cập lớn nhất hiện nay là chính sách rất nhiều, nhưng không bảo đảm đủ nguồn lực đầu tư.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi, các bộ, ngành, cơ quan phải đồng lòng, thống nhất để thúc đẩy việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng và kiến nghị cấp có thẩm quyền mô hình giảm nghèo bền vững quốc gia trong giai đoạn tới. Đặc biệt là phải thay đổi cách thức hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện chính sách giảm nghèo; đẩy mạnh việc tích hợp chính sách, thu gọn đầu mối quản lý và tập trung nguồn lực để bảo đảm có chính sách là có nguồn lực thực thi.

Phong Thu