Tổng lực ứng phó bão số 4

Đời sống - Ngày đăng : 18:29, 16/08/2018

(HNMO) - Bão số 4 đã tiến sát vùng biển và đất liền các tỉnh từ Nam Định đến Thanh Hóa. Các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng đang gấp rút triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó và xây dựng phương án khắc phục hậu quả bão số 4.

Huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội) xử lý giờ đầu sự cố xói lở 30m đê hữu Bùi.


Hoàn thành công tác di dân

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hồi 16h chiều nay (16-8), tâm bão số 4 cách tỉnh Nam Định 130km, cách tỉnh Thanh Hóa 170km; sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 110km tính từ tâm bão.

Ứng phó với bão số 4, ngày 16-8, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai đã tổ chức 3 đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 7 tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đã kiểm tra các vị trí xung yếu đê biển Hà Nam (tỉnh Quảng Ninh) và đê biển Cát Hải (TP Hải Phòng)…

Báo cáo với đoàn công tác, các tỉnh ven biển chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 4 cho biết, đã lệnh cấm biển và sẽ hoàn thành công tác sơ tán dân trước 16h ngày 16-8. Các tỉnh cũng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 36.314 phương tiện, với 137.774 người đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Trong ngày 16-8, trên vùng biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình vẫn còn 17.036 người sản xuất trên 13.420 lồng bè, lều, chòi... các địa phương đã tuyên truyền, vận động và nhân dân cam kết sẽ trở vào bờ trước khi bão đổ bộ. Các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Bắc Bộ tiếp tục vận hành 481 máy bơm và 81 cống tiêu để chủ động tiêu kiệt nước đệm nội đồng.

Kiểm soát chặt chẽ 138 hồ chứa xung yếu

Ngày 16-8, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay, trên địa bàn các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ có 286 hồ chứa lớn, 2.699 hồ chứa nhỏ; trong đó có 82 hồ chứa lớn và 990 hồ chứa nhỏ đã tích đầy nước. Đáng quan tâm, khu vực Bắc Bộ còn 138 hồ chứa xung yếu...

Ứng phó với bão số 4, Tổng cục Thủy lợi đề nghị các tỉnh, thành phố hạ thấp mực nước các hồ chứa có cửa van xuống mức chủ động đón mưa, lũ, bảo đảm an toàn công trình và không xả lũ bất thường làm ảnh hưởng đến vùng hạ du; kiểm soát chặt chẽ các hồ chứa nhỏ đang đầy nước, hồ chứa xung yếu, sẵn sàng triển khai xử lý ngay từ giờ đầu khi có nguy cơ xảy ra sự cố công trình…

* Điện lực phía Bắc đã chuẩn bị sẵn sàng

Theo ông Trần Mạnh Sỹ, Giám đốc Công ty Điện lực Nam Định (PC Nam Định), Công ty đã tổ chức ứng trực 100% quân số. Đến thời điểm hiện nay, PC Nam Định đã phối hợp với các đơn vị trên địa bàn kiểm tra việc bảo đảm cấp điện, kiểm tra khả năng sử dụng của các máy bơm tại trạm bơm để khi cần thiết có thể huy động bơm tiêu úng cứu lúa, chống ngập ngay cho địa phương. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nam Định có 6 trạm bơm đầu mối, 28 trạm bơm vừa và hơn 4000 trạm bơm dã chiến. Về cơ bản các trạm bơm đã được kiểm tra, đầu tư, đại tu sửa chữa trước mùa mưa bão, bảo đảm sẵn sàng hoạt động hết công suất khi địa phương cần huy động. 

Tại Ninh Bình, lãnh đạo Công ty Điện lực Ninh Bình và CBCNV đã chủ động, sẵn sàng các phương án chống bão. Theo đó, từ chiều 15-8, các đoàn công tác của Công ty đã xuống ứng trực tại các Điện lực trên địa bàn để theo dõi và chuẩn bị các công việc ứng phó với bão số 4. Tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, ngành điện cũng đã lên phương án và sẵn sàng vật tư thiết bị, nhân lực theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với bão và ảnh hưởng sau bão với phương châm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản trên lưới điện, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho con người, cung cấp điện ổn định cho các phụ tải trọng điểm, nỗ lực khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất với mức độ an toàn cao nhất.

Hà Nội quyết liệt ứng phó bão số 4


Ứng phó với bão số 4, trong ngày 15 và 16-8, UBND thành phố và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đã có 3 công điện; trong đó Công điện số 03/CĐ-UBND ngày 16-8 của UBND thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 4 và tình hình mưa, lũ, úng ngập, sự cố thiên tai; kiểm tra các trọng điểm xung yếu, công trình xây dựng, hồ, đập, công trình thủy lợi; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện theo phương châm “3 sẵn sàng”, “4 tại chỗ”, “5 không” chủ động ứng phó với mọi diễn biến của bão, mưa, lũ, úng ngập, sự cố thiên tai, bảo đảm tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Thực hiện các chỉ đạo trên, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức các đoàn kiểm tra công tác ứng trực, sẵn sàng xử lý sự cố tại các vị trí đê điều trọng điểm, xung yếu: Cống Cẩm Đình - Hiệp Thuận, kè Cổ Đô…; đồng thời, kiểm tra hoạt động bơm tiêu nước đệm tại các doanh nghiệp thủy lợi. Báo cáo với đoàn công tác, 5 doanh nghiệp thủy lợi thành phố cho biết, đã huy động 100% lực lượng kiểm tra, vận hành thử máy bơm, khơi thông hệ thống dẫn nước…

Trong ngày, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy vận hành 5 trạm với 10 máy bơm các loại. Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ vận hành 54 trạm, 166 máy bơm. Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích vận hành 6 trạm với 16 máy bơm…

Huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội) xử lý giờ đầu sự cố xói lở 30m đê hữu Bùi.


Tại huyện Chương Mỹ, trong ngày 16-8, đã thành lập 3 đoàn kiểm tra công tác khắc phục hậu quả úng ngập do hoàn lưu bão số 3 gây ra và công tác chuẩn bị ứng phó bão số 4. Hiện mực nước sông Bùi tại trạm đo Yên Duyệt còn 4,35m - thấp hơn báo động lũ cấp I là 1,65m.

Các xã bị úng ngập: Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Tốt Động… không còn tuyến đường, hộ dân, trường học bị úng ngập; công tác khắc phục hậu quả đã cơ bản hoàn thành. Trong ngày, hơn 30 bác sĩ thuộc các bệnh viện mắt, da liễu của thành phố và bệnh viện huyện đã khám, chữa bệnh cho hơn 300 người dân của xã Hoàng Văn Thụ.

Về công tác ứng phó bão số 4, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho biết đã yêu cầu các xã, thị trấn; đặc biệt là những xã thường xuyên xảy ra úng ngập, thông báo diễn biến của bão để nhân dân chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống, đèn chiếu sáng, sẵn sàng di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn.

Trong ngày, Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai đã bố trí 50 công nhân và 15 xe chuyên dụng vận chuyển toàn bộ rác thải sinh hoạt tại 6 xã vùng trũng thấp nhất huyện Chương Mỹ đến các khu xử lý tập trung. Xã Hoàng Văn Thụ huy động hơn 30 người phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện xử lý ngay từ giờ đầu sự cố sạt lở 30m đê hữu Bùi, đoạn Yên Trình - Nhân Lý bằng phương pháp đặt rọ đá, bê tông trộn sẵn đông kết nhanh…

Tại huyện Quốc Oai, Chủ tịch UBND huyện Đỗ Huy Chiến cho biết, đã yêu cầu các xã, thị trấn kiểm tra, lập danh sách các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đá, úng ngập, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn. Huyện đã bố trí gần 150 người thường xuyên ứng trực kiểm tra, kịp thời phát hiện các sự cố đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn…

Tiếp tục hỗ trợ nhân dân vùng úng ngập khắc phục hậu quả, chiều 16-8, đoàn công tác huyện Gia Lâm do Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Tiến Việt làm trưởng đoàn đã đến thăm hỏi và hỗ trợ huyện Quốc Oai 100 triệu đồng. Đây là số tiền do cán bộ, nhân dân huyện Gia Lâm đóng góp, ủng hộ nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai, ngập lụt.

Kim Nhuệ - Ánh Dương - Thanh Hải