Gian nan thu hồi nợ thuế
Kinh tế - Ngày đăng : 06:56, 16/08/2018
Người dân nộp thuế tại Cục Thuế TP Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam |
Thống kê của Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) cho thấy, đa số khoản nợ khó đòi tại Hải quan các tỉnh, thành phố đều phát sinh trước ngày 1-7-2013. Đây là thời điểm doanh nghiệp vẫn được nợ, hoặc ân hạn thuế đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Lợi dụng chính sách, nhiều doanh nghiệp sau khi xuất, nhập khẩu hàng hóa đã rời khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh, hoặc tự giải thể để thành lập doanh nghiệp mới. Một số doanh nghiệp nợ thuế mặc dù đang hoạt động, nhưng không có khả năng trả nợ do kinh doanh thua lỗ, số khác lại nợ quá lâu (10-20 năm) và hiện không còn tồn tại trên hệ thống của cơ quan quản lý thuế, nhưng không nằm trong diện được xóa nợ.
Số nợ thuế của ngành Hải quan được phân ra 3 nhóm: Nhóm nợ có khả năng thu; nhóm nợ khó thu; nhóm nợ chờ xóa, xét miễn, giảm, khoanh, gia hạn. Theo phân tích của Cục Thuế xuất nhập khẩu, các khoản nợ của doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, nợ của người nộp thuế có liên quan đến trách nhiệm hình sự, nợ của doanh nghiệp không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa điểm đăng ký kinh doanh... là những khoản nợ mà khả năng thu hồi rất thấp, thậm chí không thể thu hồi.
Trên thực tế, công tác xử lý nợ thuế của cơ quan Hải quan gặp nhiều khó khăn, bởi có những đối tượng nợ thuế là doanh nghiệp nước ngoài, chủ doanh nghiệp đã bỏ về nước. Đơn cử trường hợp Công ty TNHH Greennet Việt Nam (mã số thuế 2500234031) có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc, Cục Hải quan Hà Nội. Công ty này được thành lập từ năm 2004, trụ sở đặt tại Khu công nghiệp Khai Quang, Vĩnh Phúc.
Sau khi hoạt động được vài năm, doanh nghiệp đã phát sinh các khoản nợ tiền chậm nộp thuế, nhưng khi cơ quan Hải quan thực hiện các biện pháp thu đòi nợ thuế thì chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh. Hiện, số nợ của doanh nghiệp này là gần 1,2 tỷ đồng, phát sinh từ năm 2008.
Sau đó, Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc đã thực hiện đầy đủ các biện pháp thu hồi nợ thuế theo quy định, nhưng không có kết quả. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp nợ thuế cũng bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh, giải thể, phá sản nhiều năm và không còn tài sản để nộp nợ vào ngân sách...
Trước tình trạng số nợ thuế không có khả năng thu ngày càng tăng do quy định phạt chậm nộp, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu Hải quan các địa phương rà soát, nắm tình hình nợ thuế của các chi cục trực thuộc, phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ khó thu hoặc nợ chờ xử lý. Đối với nhóm nợ khó thu, Tổng cục Hải quan yêu cầu phải rà soát, kiểm tra hồ sơ cụ thể, đối chiếu với các quy định hiện hành về xóa nợ, nếu đủ điều kiện thì lập hồ sơ báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, xóa nợ. Đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện xóa nợ, hoàn thiện hồ sơ, tuyệt đối không để tình trạng thất lạc hồ sơ nợ thuế, hoặc hồ sơ không đầy đủ theo quy định dẫn đến không xử lý được khoản nợ thuế khi cấp thẩm quyền yêu cầu.
Đối với nhóm nợ có khả năng thu, cần xây dựng kế hoạch chi tiết, theo dõi, đôn đốc các chi cục trực thuộc thu hồi và xử lý dứt điểm trên cơ sở áp dụng đầy đủ các biện pháp cưỡng chế đã hướng dẫn tại quy trình ban hành kèm theo quy định của Tổng cục Hải quan. Trường hợp phát sinh nợ thuế, phải làm rõ nguyên nhân, lý do, trách nhiệm, đồng thời áp dụng các biện pháp thu hồi... Với những nỗ lực trong công tác thu hồi, xử lý nợ của các cục hải quan tỉnh, thành phố, trong 7 tháng qua, toàn ngành Hải quan đã thu hồi và xử lý 934 tỷ đồng tiền nợ thuế.
Để xử lý các khoản nợ khó đòi của ngành Thuế và Hải quan, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không có khả năng thu. Trước đề xuất này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính đưa vấn đề trên vào đề án sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế và kiến nghị cho phép áp dụng ngay khi luật này được Quốc hội thông qua.