Đối ngoại quốc hội là một trụ cột quan trọng trong nền ngoại giao Việt Nam

Đối ngoại - Ngày đăng : 15:50, 16/08/2018

(HNMO) - Sáng 16-8, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Phiên toàn thể II trong khuôn khổ Hội nghị ngoại giao lần thứ 30.


Với chủ đề “Đối ngoại quốc hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng”, phiên họp lần này tập trung thảo luận, đánh giá kết quả triển khai công tác phối hợp phục vụ đối ngoại quốc hội từ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 tới nay và định hướng, nâng cao hiệu quả công tác phục vụ vụ đối ngoại quốc hội thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân biểu dương những đóng góp của ngành ngoại giao đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhấn mạnh ngành ngoại giao đã quán triệt đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII, kiên trì về nguyên tắc, kiên định về mục tiêu, chủ động và linh hoạt trong triển khai và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, nhìn lại kết quả nửa đầu nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XIV, nối tiếp những thành quả của các nhiệm kỳ trước, hoạt động đối ngoại của Quốc hội tiếp tục có những chuyển biến căn bản cả về đối ngoại song phương, đa phương cũng như qua các cơ chế nghị sĩ hữu nghị. Hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã phát huy vai trò là kênh đối ngoại quan trọng, phát huy lợi thế vừa mang tính đối ngoại “nhà nước”, vừa mang tính “nhân dân” sâu sắc, đóng góp quan trọng vào thành công chung trong việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đánh giá về tình hình chung, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, hòa bình, hợp tác và phát triển được đánh giá là xu thế chủ đạo của thế giới, nhưng tình hình quốc tế và khu vực thời gian qua, đặc biệt là trong hai năm gần đây có sự biến động phức tạp và nhanh hơn.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý bốn điểm chính liên quan tới công tác đối ngoại gồm: Sức mạnh tổng thể của các nước lớn đã thay đổi, quyết liệt và quyết đoán hơn; tốc độ tăng trưởng, phục hồi kinh tế được đánh giá khá tích cực; châu Á - Thái Bình Dương đang là khu vực phát triển năng động, cũng là nơi các nước lớn cọ sát quyết liệt và tập hợp lực lượng rất linh hoạt trên cơ sở lợi ích; một trong những gốc rễ sâu xa của những biến động là tác động sâu, mạnh và lan tỏa nhanh của các biến đổi lớn trong cục diện kinh tế, khoa học công nghệ, chính trị an ninh khu vực và thế giới tác động trực tiếp tới người dân và cộng đồng.

Trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại bao gồm cả ngoại giao nhà nước và đối ngoại quốc hội cần tập trung làm tốt các nội dung trọng tâm sau:

Cần xác định rõ vị thế, tầm quan trọng của hoạt động đối ngoại Quốc hội trong tổng thể hoạt động đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy hiệu quả của hoạt động ngoại giao nghị viện để phục vụ và bảo đảm lợi ích của quốc gia, của dân tộc.

Cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đối ngoại theo tinh thần Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế. Đồng thời, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cần tăng cường công tác tham mưu, tham vấn, giám sát, cũng như hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị tốt các nội dung liên quan, hoàn thành hồ sơ trình Quốc hội thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Cần tăng cường phối hợp giữa các kênh đối ngoại nhằm phát huy tối đa và hiệu quả sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc trong triển khai công tác đối ngoại. Trọng tâm là tăng cường quan hệ với các nước láng giềng có chung đường biên giới, các nước ASEAN, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các nước bạn bè truyền thống; chú trọng thúc đẩy thương mại đầu tư, gia tăng điểm đồng, thu hẹp những khác biệt.

Thay mặt toàn thể Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và cho biết, Hội nghị đã nhận thức sâu sắc hơn về đối ngoại Quốc hội và mối quan hệ giữa đối ngoại Quốc hội với các kênh đối ngoại khác.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định, các cán bộ ngoại giao sẽ quán triệt những nhiệm vụ mà Chủ tịch Quốc hội đã nêu và cụ thể hóa trong chương trình hành động của Hội nghị Ngoại giao 30. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao sẽ hợp tác chặt chẽ với các bộ phận làm đối ngoại quốc hội để phát huy sức mạnh tổng hợp, góp phần triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội XII.

Nguyễn Thúc