Khơi nguồn tiềm năng, sáng tạo của nhân dân
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:22, 17/08/2018
Ngày 18-2-1998, Bộ Chính trị khóa VIII đã ra Chỉ thị 30-CT/TƯ về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở để cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, coi đây là một khâu quan trọng và cấp bách để phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở - nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện các chỉ thị, kết luận của Đảng và pháp luật của Nhà nước về nội dung này, thời gian qua, nhất là trong những năm gần đây, bầu không khí dân chủ trong Đảng, trong xã hội ta đã được mở rộng hơn.
Góp chung vào bầu không khí này có những nỗ lực cụ thể của Hà Nội. Đó là sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ở Thủ đô trong phát huy dân chủ. Nhiều vấn đề khó, "nóng" được chính quyền các cấp cùng với nhân dân bàn bạc, tháo gỡ, giải quyết có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Quy chế dân chủ ở cơ sở thực sự đã phát huy được tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân!
Vấn đề là, trước không ít khó khăn, thách thức trên con đường phát triển của cả nước và Thủ đô hiện nay, làm sao phải phát huy tốt hơn nữa tiềm năng này. Nhất là khi việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở còn có chỗ, có nơi rơi vào hình thức; chưa gắn với kỷ cương. Có những cán bộ, đảng viên đáng lẽ phải đi đầu trong thực hiện thì lại chưa gương mẫu. Tình trạng lợi dụng dân chủ để kích động, lôi kéo một bộ phận nhân dân gây mất trật tự, vi phạm pháp luật vẫn xảy ra...
Thấy rõ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân phải đặt trong tổng thể cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ". Quán triệt sâu sắc điều này, cùng với việc nhận thức đầy đủ và toàn diện hệ thống quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, thành phố về nội dung trên trước tiên là trách nhiệm thuộc về cấp ủy, chính quyền cơ sở. Trong đó, có vai trò đặc biệt quan trọng của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan đơn vị.
Đội ngũ cán bộ, công chức hơn ai hết cần thực thi nhiệm vụ với tinh thần “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Từ tinh thần này mà mọi khó khăn, vướng mắc có thể sẽ dễ tìm được sự đồng thuận, phương thức giải quyết hợp lý, hợp tình.
Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đặc biệt phải tiếp tục gắn với các nghị quyết của Trung ương, thành phố và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Ví như ở thành phố là thực hiện Quy chế dân chủ theo chương trình công tác đã đề ra gắn với chủ đề "Năm dân vận chính quyền" và "Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018".
Bên cạnh đó, các cấp thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng, tổ dân vận, tổ hòa giải ở cơ sở… Thêm nữa, để tạo điều kiện tốt hơn cho người dân có thể bày tỏ ý kiến, tạo đồng thuận cao hơn trong việc ban hành chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thì các hình thức thông tin, tuyên truyền về nội dung này phải mới hơn, thuyết phục hơn.
Nhân dân - người trực tiếp thực thi quyền làm chủ cũng có trách nhiệm giám sát hoạt động của chính quyền cơ sở, tuân thủ pháp luật, nhận thức và hành động trên tinh thần hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích chung của cộng đồng. Từ đây, phát huy mọi tiềm năng đóng góp cho sự phồn vinh của đất nước.