Bài cuối: Thách thức mới cho đội ngũ nhà giáo

Giáo dục - Ngày đăng : 06:36, 17/08/2018

(HNM) - Năm học 2018-2019 là năm áp chót trong việc chuẩn bị các điều kiện để chính thức triển khai chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới vào năm học 2020-2021.

Trước yêu cầu ấy đòi hỏi đội ngũ nhà giáo không chỉ đủ về số lượng, vững về chuyên môn, mà còn có phẩm chất tốt để hoàn thành mục tiêu chuyển nền giáo dục từ chủ yếu truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực. "Đơn hàng" mới đặt ra cho ngành Giáo dục phải nghiêm khắc, quyết liệt giải quyết những tồn tại của đội ngũ hiện nay.

Mối lo thiếu giáo viên

Đánh giá về đội ngũ nhà giáo Hà Nội hiện nay, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội nhận định: So với thời điểm Hà Nội vừa điều chỉnh địa giới hành chính, đội ngũ nhà giáo đã có bước chuyển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Toàn ngành hiện có gần 100.000 giáo viên, 100% số giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo, tỷ lệ giáo viên có trình độ trên chuẩn cao so với mặt bằng chung của cả nước, trong đó cấp tiểu học đạt 94%, cấp trung học cơ sở đạt 76%, mầm non đạt 54%...

Hà Nội sẽ chú trọng bồi dưỡng nội dung giáo dục đạo đức nhà giáo và kỹ năng ứng xử cho giáo viên.


Tuy nhiên, Hà Nội vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên ở một số môn học, cấp học. Theo thống kê, toàn thành phố còn thiếu 9.100 giáo viên. Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội) cho biết: Năm học 2018-2019, cấp tiểu học có 34.000 giáo viên, tăng hơn 500 người so với năm học trước, song vẫn còn thiếu. Hà Nội có 96% số học sinh học 2 buổi/ngày, tỷ lệ giáo viên/lớp trung bình hiện đạt 1,37 giáo viên/lớp, trong khi quy định là 1,5 giáo viên/lớp. Nếu toàn bộ học sinh tiểu học đều học 2 buổi/ngày như yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, thì số lượng giáo viên cần bổ sung còn nhiều hơn nữa.

Cấp học mầm non không chỉ thiếu giáo viên, mà còn đối mặt với tình trạng giáo viên bỏ nghề hoặc chuyển công tác. Theo bà Nguyễn Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non An Thượng B (huyện Hoài Đức), quy định mỗi ngày giáo viên mầm non làm việc 6 giờ, nhưng thực tế thời gian làm việc của các cô đều hơn 8 giờ, thậm chí có thời điểm như chuẩn bị khai giảng, các cô làm việc tới 9-10 giờ/ngày. Trong khi đó, ngoài mức lương theo hệ số và phụ cấp đứng lớp 35%, giáo viên mầm non không có thêm một khoản tiền nào. Nhiều cô giáo đã làm việc gần 30 năm, nhưng mức lương chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng. Chính vì vậy, không ít giáo viên mầm non không còn mặn mà, muốn gắn bó với nghề. Dù chưa có thống kê cụ thể, song tại các trường học ở một số quận: Tây Hồ, Thanh Xuân... đã có hiện tượng giáo viên mầm non ở trường công lập xin nghỉ việc, nhiều người chuyển sang dạy tại trường tư thục, trường có yếu tố nước ngoài…

Chưa tổ chức tuyển dụng mới đối với giáo viên

Trước yêu cầu đổi mới giáo dục và chương trình, sách giáo khoa, Hà Nội đã có nhiều điều chỉnh trong cách thức và nội dung bồi dưỡng cán bộ, giáo viên. Năm học 2018-2019 là năm đầu tiên Hà Nội thực hiện Quyết định 2315/QĐ-UBND của UBND thành phố về Đề án nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức thành phố giai đoạn 2016-2020. Dự kiến sẽ có khoảng 5.000 cán bộ, giáo viên được tham gia các khóa bồi dưỡng do chuyên gia nước ngoài giảng dạy, với tổng kinh phí khoảng 54 tỷ đồng. Những nội dung bồi dưỡng được kỳ vọng sẽ giúp nhiều trường học ở Hà Nội tiếp cận được với chương trình và phương pháp dạy học hiện đại.

Không chỉ tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên cốt cán như mọi năm, năm nay, Hà Nội tăng cường bồi dưỡng qua mạng internet để bảo đảm 100% số giáo viên được bồi dưỡng kỹ năng trước khi đảm nhận chương trình mới. “Trong quá trình bồi dưỡng, Hà Nội sẽ chú trọng nội dung giáo dục đạo đức nhà giáo và kỹ năng ứng xử. Cùng với việc đầu tư nâng cao chất lượng chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và nghiêm khắc trong xử lý các sai phạm, đây là giải pháp của ngành nhằm hạn chế các hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp và vi phạm về thu chi, dạy thêm, học thêm...” - ông Nguyễn Quang Tuấn, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội) nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi về việc tại sao Hà Nội không tổ chức tuyển dụng trong khi còn thiếu nhiều giáo viên, ông Nguyễn Quang Tuấn cho biết: Chương trình mới có một số môn học mới, lại có nhiều môn học được tích hợp, đòi hỏi số lượng, cơ cấu giáo viên cũng phải điều chuyển, bổ sung. Nhằm tránh tình trạng thừa, thiếu giáo viên khi áp dụng chương trình mới, năm nay, Hà Nội tập trung rà soát lại đội ngũ giáo viên toàn ngành. Do chương trình mới chưa chính thức được ban hành, nên Hà Nội chưa có đủ căn cứ để xây dựng kế hoạch tuyển dụng, sắp xếp đội ngũ giáo viên cụ thể. Các nhà trường vẫn đang ký hợp đồng với giáo viên để bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ, không để ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy.

Năm học 2018-2019, Hà Nội sẽ tập trung thực hiện các giải pháp để tinh giản đội ngũ. Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, việc tổ chức đánh giá, rà soát về chất lượng đội ngũ giáo viên sẽ được triển khai thường xuyên, nhằm bảo đảm bố trí giáo viên phù hợp với chuyên môn, năng lực. Thành phố sẽ nghiêm khắc xử lý và kiên quyết đưa ra khỏi ngành những trường hợp vi phạm quy định pháp luật, vi phạm đạo đức nhà giáo, không để các sai phạm của nhà giáo làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành và gây bức xúc trong nhân dân.

Bộ GD-ĐT vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đôn đốc thực hiện tinh giản biên chế. Theo đó, Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương không cắt giảm cơ học chỉ tiêu biên chế giao hằng năm; có kế hoạch giải quyết dứt điểm số viên chức, người lao động vượt quá biên chế được giao; ưu tiên biên chế được giao để tuyển dụng giáo viên mầm non, giáo viên dạy các môn học mới ở phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thống Nhất